Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười qua lời kể của người trợ lý

Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Phan Trọng Kính vẫn là người trợ lý...

Ông Phan Trọng Kính bên nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Ông Phan Trọng Kính bên nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Cường độ làm việc phi thường, ghi dấu ấn qua từng vị trí

Ngậm ngùi khi nói về sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư, ông Kính nghẹn ngào kể, những ngày cuối cùng, khi nằm điều trị tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã yếu hơn nhiều, không thể nói chuyện với mọi người, nhưng vẫn nhận biết và hiểu những điều mọi người nói. “Mỗi lần vào thăm, cụ nằm trên giường bệnh, tôi vào vẫn nói: “Em là Kính đây”, rồi cụ mở mắt ra hiệu đã biết”, ông Kính chia sẻ.

Ông Phan Trọng Kính (SN 1954) kể: Năm 1972, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng tại Liên Xô, về nước, ông được phân công về Bộ Kiến trúc (bây giờ là Bộ Xây dựng) phụ trách thi công một số công trình tại Hà Nội. Vài tháng sau, ông được điều động lên giúp việc cho nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng phụ trách xây dựng.

Ông Kính kể, một ngày làm việc của nguyên Tổng Bí thư không phải 10 tiếng mà thường xuyên là 16 - 17 tiếng. 4h sáng, ông đã dậy ngồi vào bàn đọc sách, đến 6h nghe tin tức các đài trong và ngoài nước. 7h sáng tập thể dục. Ăn sáng xong lên xe đến cơ quan làm việc ngay, nhiều hôm làm đến quá 12h mới nghỉ. Trưa về, ăn cơm xong lại ngồi vào ghế tựa nghe tin tức trong nước và thế giới qua băng cát-xét. Buổi chiều không những về muộn mà nhiều hôm ông còn nói với văn phòng triệu tập các cuộc họp tối, có khi mãi đến quá 23h mới nghỉ.

“Trải qua gần 50 năm sát cánh bên đồng chí Đỗ Mười, đi theo đồng chí đến khắp các nơi, trong các cuộc làm việc, tôi thấu hiểu hoàn cảnh và sinh hoạt gia đình cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của đồng chí. Đồng chí là người làm hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến cá nhân mình. Những nơi nào nóng bỏng nhất, những công việc nào khó khăn nhất, đồng chí đều có mặt. Trải qua rất nhiều vị trí, cương vị khác nhau, nhưng công việc nào được Đảng phân công, đồng chí Đỗ Mười đều ngày đêm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Kính chia sẻ.

Gần dân, lắng nghe dân

Ông Kính nói, nguyên Tổng Bí thư là người rất gần dân, sát dân, lắng nghe mọi ý kiến của dân. Ông còn nhớ, năm 1991, khi đồng chí Đỗ Mười về thăm một số tỉnh miền Trung và miền Nam, có một bà mẹ ở Thừa Thiên - Huế có 5 người con hy sinh. Khi đồng chí đến thăm hỏi, cụ vừa lau nước mắt vừa nói với Tổng Bí thư: “Gia đình tôi đã mất hết, các con tôi đã mất hết, nhưng mà đất nước được độc lập và có được hòa bình như hôm nay, thế là tôi cũng toại nguyện rồi...”.

"Là Phó Thủ tướng suốt 20 năm, đồng chí được giao giải quyết nhiều công việc quan trọng. Là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã giải quyết nhanh chóng nạn lạm phát phi mã hồi năm 1988-1989; xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ nạn ngăn sông cấm chợ, đưa hai giá về một giá.Khi đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư cũng là lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tình hình KT-XH của đất nước lúc này đầy rẫy những khó khăn. Nhưng đồng chí đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo ổn định tình hình chính trị và tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ với các nước, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Hoa Kỳ, chủ động gia nhập ASEAN và thu được nhiều thắng lợi trong xây dựng và phát triển kinh tế..."

Ông Phan Trọng Kính

Trước lời tâm sự chân tình nhưng đầy khí phách của người mẹ ấy, đồng chí về trao đổi với Chủ tịch nước Lê Đức Anh và báo cáo Bộ Chính trị nên có hình thức tôn vinh một cách xứng đáng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một thời gian sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký lệnh ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Cũng cùng thời gian đó, nhân dân một số xã ở tỉnh Thái Bình đã nổi lên chống lại một số cán bộ, đảng viên tham ô, ức hiếp quần chúng nhiều năm liền. Đồng chí Đỗ Mười đã trực tiếp về thăm Thái Bình và gặp gỡ các bí thư xã và các cụ lão thành trong tỉnh để nắm tình hình. Nhận thấy sự việc xảy ra rất nghiêm trọng, có tình trạng cán bộ xã tham nhũng, lộng quyền, quan liêu, xa rời quần chúng nên khi trở về, đồng chí họp với các ngành có liên quan, cho đi kiểm tra các địa phương các cơ quan, trường học, bệnh viện, các đơn vị sản xuất và sau đó ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về Quy chế dân chủ ở cơ sở. Quy chế đó sau khi ban hành đã phát huy được hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân.

Đồng chí Đỗ Mười trong mắt người trợ lý cũng là một lãnh đạo rất thông cảm với những hoàn cảnh éo le và những khúc mắc của đồng bào, đồng chí. Chính vì thế, thời gian đương chức và kể cả khi rời chính trường, hàng ngày không biết bao nhiêu thư từ kêu oan hoặc khiếu nại, tố cáo từ các nơi gửi đến cho đồng chí.

Ông Kính cho biết, dù rất bận rộn nhưng đồng chí Đỗ Mười đều thu xếp thời gian để nghe hoặc tiếp xúc với bà con, việc nào giải quyết ngay được thì giải quyết, việc nào chưa giải quyết được thì gọi lãnh đạo địa phương lên trực tiếp gặp gỡ bà con để giải quyết và sau đó phải báo cáo lại cho đồng chí được biết.

Day dứt về những bữa ăn lãng phí

Nhắc đến con người nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Kính cho rằng, không thể không nhắc đến tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính. Ông kể, khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối hoặc ăn uống giữa giờ là nguyên Tổng Bí thư góp ý phải hết sức tiết kiệm: “Một chai nước khoáng giá thành ở thị trường bằng nửa lít xăng, ta có thể thay dùng nước khoáng bằng nước chè xanh có được không? Nước chè xanh vừa ngon, vừa rẻ, giải khát tốt mà lại bổ nữa. Còn ăn uống cũng nên hạn chế, tránh lãng phí”.

Một lần khác khi dự cuộc họp bàn về thương mại tại tỉnh Nam Định, đến trưa, tỉnh tổ chức bữa cơm gọi là thân mật nhưng rất thịnh soạn, bày biện nhiều món, thừa rất nhiều. Nguyên Tổng Bí thư chỉ ăn qua loa và trước khi ra về ông nhắc nhở các tỉnh phải hết sức tiết kiệm, không nên lãng phí như bữa ăn trưa nay. Ông nói rất day dứt về việc đó. “Đại biểu các tỉnh khi đó ngồi nghe “bấm” nhau, nếu có mời Tổng Bí thư về tỉnh thì cẩn thận đấy nhé!”, ông Kính kể lại.

Ngay chiều hôm đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười về làm việc với tỉnh Thái Bình. Lãnh đạo Thái Bình - cũng là người dự bữa cơm trưa ở Nam Định hôm đó liền cấp tốc điện về Thái Bình báo là nếu có mời cơm Tổng Bí thư chiều nay thì phải hết sức đạm bạc. Vì thế, bữa cơm chiều hôm đó chỉ có rau muống luộc, bát canh cua, mấy quả cà và đĩa cá. Anh em bảo vệ, lái xe, thư ký, bác sĩ đi theo Tổng Bí thư còn xin thêm nước mắm và cơm để ăn cho đủ bữa.

Trong sinh hoạt gia đình hàng ngày, ông Kính cho biết, nguyên Tổng Bí thư rất giản dị. Bữa sáng ông chỉ ăn bát cháo hoặc nắm xôi, cốc sữa. Bữa trưa, bữa tối cùng ăn cơm với gia đình. Trên mâm thường là bát canh, đĩa cá, mấy bìa đậu, một ít thịt cho các cháu, còn chủ yếu là rau luộc, muối vừng, đậu phụ. Đồ đạc trong nhà không có gì sang trọng, ngoài những thứ cơ quan cấp.

Nói về ngôi nhà mà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng với gia đình đang ở tại 11 Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ông Kính kể lại, đây là ngôi nhà hai tầng có từ thời Pháp thuộc, được Bộ Nội thương bố trí cho nguyên Tổng Bí thư, lúc đó là Bộ trưởng cùng với một số cán bộ đến ở.

Đã nhiều lần các vị lãnh đạo như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng khi đến thăm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đều thấy nơi ở không tiện, mỗi lần đi về hoặc khách đến đều phải xuống xe từ ngoài đường. Các vị đã chỉ thị cho Ban Tài chính - Quản trị Trung ương đổi nhà để nguyên Tổng Bí thư lên đường Phan Đình Phùng ở, vừa rộng rãi, tiện lợi, lại gần với cơ quan Trung ương và Chính phủ. Nhưng ông không đồng ý và nói ở như thế này là được rồi, vừa gần gũi với nhân dân, vừa ít điều tiếng.

Hoài Thu

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-qua-loi-ke-cua-nguoi-tro-ly-d274319.html