Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - người vừa lo Đổi mới, vừa giữ chế độ

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nắm giữ những trọng trách trong thời kỳ đất nước hết sức khó khăn, nhưng ông vẫn cùng Đảng kiên quyết lãnh đạo Đổi mới thành công.

Những nhìn nhận về đóng góp của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười được ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng - thể hiện trong bài viết Dân chủ ở cơ sở, tác giả là đồng chí Đỗ Mười, in trong cuốn sách Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (tác giả Diệu Ân, NXB Hồng Đức).

Zing.vn trích đăng một phần bài viết trong cuốn sách, giữ nguyên cách xưng hô của ông Phan Diễn.

Quyết Đổi mới, không quay lại con đường cũ

Công cuộc Đổi mới của chúng ta rất diệu kỳ. Một trong những cái diệu kỳ đó là công cuộc Đổi mới mang lại do chính những người từng bị tư duy cũ trói buộc làm nên.

Vẫn những đồng chí lãnh đạo ấy, qua những trăn trở, trước thực tế cuộc sống, qua những cuộc thảo luận, tranh cãi quyết liệt, những tìm tòi thử nghiệm và cả trả giá, cuối cùng đã tự lột xác trở thành những người đề xướng đổi mới, ủng hộ đổi mới rồi lãnh đạo công cuộc Đổi mới của nước ta đi đến thành công.

Anh Đỗ Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng Chính phủ) từ năm 1988 đến 1991 và làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1991 đến năm 1997. Những năm anh giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt ấy, chính là thời kỳ Đảng ta đưa đường lối Đổi mới vào cuộc sống, từng bước đổi mới thành công.

Đại hội VI của Đảng ta đề ra đường lối Đổi mới từ cuối năm 1986, nhưng hai năm đầu thực hiện đường lối ấy đất nước ta phải dấn thân vào muôn vàn khó khăn mà chưa thể hái ngay quả ngọt.

Từ 1986 đến 1988 là ba năm liền lạm phát “phi mã”, giá cả mỗi năm tăng với 3 con số. Đầu năm 1988, hàng triệu người ở miền Bắc lâm vào cảnh đói, các thành phố và khu công nghiệp phải lo chạy lương thực hàng ngày.

Tổng bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN

Tổng bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN

Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và đồng chí Đỗ Mười phải vào miền Nam trực tiếp đôn đốc việc thu mua lương thực để cung cấp cho nhân dân các thành phố, cho cán bộ, công nhân viên chức và quân đội.

Mặc dù gian nan thế nhưng ban lãnh đạo Đảng ta, trong đó có anh Đỗ Mười, vẫn kiên trì thực hiện công cuộc Đổi mới, quyết không quay lại con đường cũ. Chẳng bao lâu sau tình hình bắt đầu chuyển biến, lạm phát giảm dần, đến giữa năm 1989 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu được gạo lớn thứ nhì thế giới. Đây thật là một chuyển biến bất ngờ, một niềm vui của đất nước. Từ đây chúng ta không còn phải xin lương thực, không còn lo thiếu cái ăn nữa.

Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, việc chuyển đổi cơ chế quản lý giá, từ chỗ Nhà nước định giá mọi sản phẩm một cách chủ quan chuyển sang cơ bản để thị trường định giá, từ cơ chế hai giá chuyển sang một giá là việc đặc biệt khó khăn và có ý nghĩa then chốt.

Năm 1987, Hội nghị Trung ương 2 khóa VI đã quyết định chuyển giá mua bán nông sản, hàng tiêu dùng sang giá thị trường, đến đầu năm 1988 Bộ Chính trị bắt đầu bàn việc bỏ hệ thống giá cung cấp vật tư, tư liệu sản xuất đồng thời định lại tỷ giá hối đoái.

Theo đó, dự kiến giá cả vật tư hàng hóa sẽ tăng lên nhiều lần. Đây thực chất là bước tổng điều chỉnh giá, lương, tiền mới, khi thực hiện diễn biến thế nào còn rất khó lường, các đồng chí Bộ Chính trị đều băn khoăn lo lắng.

Anh Đỗ Mười ủng hộ thực hiện bước đi này. Nhưng kiên quyết yêu cầu các cơ quan Nhà nước không được tính toán một cách võ đoán trong bàn giấy mà phải đi xuống một số xí nghiệp thử tính xem với giá “đầu vào” mới, giá thành và giá bán sản phẩm của xí nghiệp sẽ đội lên đến đâu, thị trường có chấp nhận nổi không? Tiền lương và tài chính tiền tệ của Nhà nước sẽ như thế nào? Sau đó mới quyết định.

Tôi còn nhớ cuộc tranh luận về việc này ở TP.HCM lúc đó gay gắt đến mức có một đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng không tiếp thu nổi đã đứng lên xin từ chức ngay tại cuộc họp.

Tập thể Bộ Chính trị, bao gồm đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng không đồng tình với thái độ này. Hội nghị cho rằng tranh luận là hoàn toàn cần thiết và bình thường. Ý kiến của đồng chí Đỗ Mười là đúng đắn và quyết định đưa ý kiến đó vào kết luận của Bộ Chính trị cuối cuộc họp.

Chính anh Đỗ Mười đã chỉ đạo Chính phủ thực hiện nghị quyết Bộ Chính trị thành công, hoàn thành một bước quan trọng đầy khó khăn trong quá trình chuyển đổi thể chế kinh tế mà không gây xáo trộn lớn.

Nền kinh tế nước ta tiếp tục đổi mới, từng bước phát triển kinh tế nhiều thành phần thoát khỏi bao cấp, xác lập thể chế kinh tế thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới, lạm phát nguội dần, nhịp độ phát triển kinh tế nhanh hơn, đến năm 1995 đạt đỉnh cao tăng 9,5%.

Vậy là cùng với Trung ương Đảng, anh Đỗ Mười đã lãnh đạo đất nước đưa đường lối Đổi mới vào cuộc sống thành công, định hình được thể chế kinh tế mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cầm lái con thuyền cách mạng vào thời điểm hiểm nghèo

Anh Đỗ Mười cầm lái con thuyền cách mạng vào thời điểm hiểm nghèo, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa tan rã. Trước kia không ai nghĩ là Liên Xô có thể sụp đổ, mà lại sụp đổ nhanh đến thế, cú sốc này quá lớn, đột ngột quá, ghê gớm quá.

Lúc này bản lĩnh chính trị của cơ quan lãnh đạo Đảng, của đồng chí Tổng bí thư thật quan trọng, có ý nghĩa quyết định, sống còn.

Giai đoạn ông Đỗ Mười giữ trọng trách, đất nước đạt những thành tựu ngoại giao quan trọng. Trong ảnh, ông duyệt đội danh dự cùng Thủ tướng Singapore năm 1993. Ảnh TTXVN.

Anh Đỗ Mười vừa lo chỉ đạo Đổi mới, vừa giữ được chế độ, hai cái đó đều là những thắng lợi vĩ đại. Đảng ta thấy rõ không đổi mới là không được, nhưng đổi mới theo kiểu bất chấp thì sẽ đi vào con đường của Đông Âu. Chúng ta kiên quyết đổi mới, cương quyết giữ chế độ, giữ sự lãnh đạo của Đảng, giữ định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cũng trong những năm ấy, nước ta đã phá được thế bị bao vây cấm vận, đặt lại quan hệ bình thường với Trung Quốc rồi với Mỹ, gia nhập khối ASEAN, đàm phán phân định lại biên giới trên bộ và trên Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, đàm phán hiệp định thương mại tay đôi với Mỹ và nhiều nước, đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tất cả những cuộc đàm phán này đều đi đến thành công mở ra cục diện đối ngoại mới chưa từng có trong lịch sử nước ta. Anh Đỗ Mười ghi đậm dấu ấn lãnh đạo trong tất cả những cột mốc đối ngoại ấy.

Trong công tác xây dựng Đảng, anh Đỗ Mười có nhiều đóng góp quan trọng, đặc biệt anh là người khởi xướng việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đây là một chủ trương rất đúng đắn sáng tạo được anh đưa ra sau khi suy ngẫm thực tế sự việc đã xảy ra ở Thái Bình, nhiều cán bộ Đảng và chính quyền lúc đó vì tha hóa, hư hỏng, vi phạm quyền lợi của dân mà bị nhân dân bất bình, phản đối quyết liệt.

Theo sách "Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười"

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-nguoi-vua-lo-doi-moi-vua-giu-che-do-post882315.html