Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người luôn chọn những gì tốt nhất cho dân, cho nước

Các giải pháp chống lạm phát mà Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười quyết tâm thực hiện vào năm 1989 đã làm được nhiều hơn mục tiêu ban đầu, đó là hé cửa cho thị trường đi vào nền kinh tế tập trung bao cấp của Việt Nam. Dù mới là những yếu tố cơ bản nhất, nhưng động thái tích cực từ thực tế đã tạo nên những bước chuyển lớn trong tư duy của những người lãnh đạo đất nước và của từng người dân về thị trường.

“Ông ấy đã chọn dân!”

Ông Nguyễn Văn Nam - Thư ký của Tổng Bí thư Đỗ Mười trong hai năm 1996-1997, là chuyên gia trong Nhóm tư vấn của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười những năm trước đó, nhớ như in cuộc họp căng thẳng sau khi có ý kiến yêu cầu xem xét lại đề án chống lạm phát khi các doanh nghiệp quốc doanh đồng loạt kêu cứu.

Ông Đỗ Mười (thứ hai từ trái sang) và một số thành viên nhóm chuyên gia của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Lúc đó là khoảng tháng 7, tháng 8/1989, nhóm chuyên gia nhận được yêu cầu họp với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. “Anh em Văn phòng rỉ tai trước cuộc họp, có ý kiến đình chỉ đề án, các anh xem có phương án nào”, ông Nam kể.

Khi đó, tình hình căng thẳng vì hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, xí nghiệp quốc doanh không bán được hàng, không có tiền trả lương công nhân; hàng vạn công nhân không có việc làm; vài ngàn doanh nghiệp nhà nước trước nguy đóng cửa. Mọi “tội lỗi” đổ vào đề án chống lạm phát mà Chính phủ thực hiện từ đầu năm, vì Nhà nước quyết định không phân giao kế hoạch sản xuất và tiêu thụ.

“Tôi còn nhớ, gặp Giám đốc Công ty Diesel Sông Công, ông ấy kêu lên: chết hết rồi, anh ơi. Đây là công ty cơ khí quy mô lớn nhất khi đó do Liên Xô hỗ trợ xây dựng, diện tích 100 ha thì 70 ha có mái che, có 17 xưởng sản xuất, mà xưởng nào cũng to, cũng rộng như 1 nhà máy, công suất một năm 40.000 đầu máy MTZ 50 mã lực. Năm 1988, Công ty lần đầu sản xuất, được 500 chiếc, nhưng cả năm bán được 1 chiếc”, ông Nam kể.

Phải đặt vào bối cảnh của kinh tế Việt Nam những năm đầu sau Đổi mới, lạm phát phi mã liên tục, năm 1987 lên tới gần 700%, năm 1988 có giảm, nhưng vẫn là 300%, doanh nghiệp nhà nước chỉ biết làm theo kế hoạch, Nhà nước luôn phải in tiền đưa vào lưu thông..., mới thấy gánh nặng trên vai người đứng đầu Chính phủ khi đó.

Ông Nam chứng kiến gần như cả quá trình này. “Ông Mười sau này có kể, khi đó, có người nói là mất chủ nghĩa xã hội rồi, khiến ông rất trăn trở. Cho dù các giải pháp chống lạm phát bắt đầu có kết quả, nhưng cách làm chưa có tiền lệ, thậm chí là không có trong tư duy của nhiều lãnh đạo khi đó khiến ông càng suy nghĩ”, ông Nam trầm tư trong ký ức 30 năm trước.

Cuộc họp đó đã bắt đầu với kế hoạch “dàn quân” trong nhóm chuyên gia, mà có thể Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười không ngờ tới. Ông Nam kể, cả nhóm bàn nhau, không thể quay lại vạch xuất phát. GS. Đào Xuân Sâm, sau này là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, nói là để ông ấy phát biểu, vì ông ấy lớn tuổi, gần về hưu, có bị kỷ luật cũng không sao.

“GS. Sâm đã nói hết tâm can là, với phương án này, đúng là doanh nghiệp quốc doanh gặp khó khăn, nhưng 60 triệu người dân được lợi, đang rất phấn khởi. Lãi suất tiết kiệm tăng tới 12%, người dân đổ xô đi gửi, tiền thu về, người dân có lãi. Hàng hóa không phân theo kế hoạch, người có con nhỏ mua được thịt, nhà có vợ đẻ mua được gạo ngon... Rồi ông ấy hỏi: “Anh là Thủ tướng của 60 triệu dân hay là Thủ tướng của các doanh nghiệp quốc doanh?”.

Ông Nam nhớ lại, cuộc họp đã kéo dài rất lâu. Các chuyên gia cùng đồng thuận kiến nghị tiếp tục đề án chống lạm phát. “Cuối cùng, ông ấy đã chọn dân. Ông nói: Tôi đồng ý với các anh, phải tiếp tục. Nhưng để tiếp tục, các anh phải bàn cách cứu quốc doanh”, ông Nam kể.

Sau này nhìn lại, cho dù đề án chống lạm phát bị xộc xệch do yêu cầu phải cứu doanh nghiệp quốc doanh, nhưng đó là cánh cửa hẹp để cả nền kinh tế đặt những dấu chân đầu tiên vào kinh tế thị trường.

Dấu ấn cải cách doanh nghiệp nhà nước

Dù không có cơ hội được làm việc trực tiếp, nhưng với ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chặng đường cải cách doanh nghiệp nhà nước có dấu ấn lớn của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười những năm 1988-1991, cũng như Tổng Bí thư Đỗ Mười những năm 1991-1997.

Trong các năm 1988-1989, các quyết định trao quyền chủ động trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quốc doanh được ban hành. Đến năm 1990, một vài doanh nghiệp quốc doanh được chọn thí điểm cổ phần hóa; sau đó là các quyết định liên quan đến quy chế thành lập, giải thể doanh nghiệp quốc doanh, mở đầu cho giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước kéo dài đến bây giờ.

Cuối năm 1989, số doanh nghiệp nhà nước là khoảng 12.000 doanh nghiệp; đến năm 1995 còn khoảng 7.000 doanh nghiệp. Điều quan trọng là tư duy sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của thị trường trong các doanh nghiệp nhà nước đã dần định hình rõ nét.

Nhưng có lẽ ông Cung chưa thể hiểu hết những khó khăn mà người đứng đầu Chính phủ phải đối mặt để ra được các quyết định đó.

Ông Nam kể, không dễ ban hành được các quyết định “rút bình ô-xi” của các doanh nghiệp, xí nghiệp quốc doanh, vì dù đã chọn Đổi mới, nhưng quan điểm, tư tưởng của nhiều nhà lãnh đạo đất nước còn đầy phân vân, chưa rõ nét, thể hiện cả trong lý luận và điều hành. Nhưng ông Đỗ Mười vốn là con người rất hiểu thực tiễn, thấy thực tiễn có vấn đề là ông sẵn sàng lắng nghe, trao đổi thẳng thắn để tìm giải pháp, chứ không định kiến.

“Tính cách này khiến ông luôn có mặt ở những nơi khó nhất, thời điểm khó nhất. Vào năm 1989, với thực tiễn hoạt động èo uột của doanh nghiệp quốc doanh, ở vị trí đứng đầu Chính phủ, ông xác định, các doanh nghiệp sẽ phải tự bơi, chứ không thể tiếp tục ôm ấp. Ông yêu cầu chúng tôi đề xuất phương án cụ thể”, ông Nam kể.

Để thực hiện yêu cầu trên, các chuyên gia đi thực tế, thấy cảnh chung là hàng làm ra không bán được, tiền không có, công nhân không có việc làm. Nguyên nhân cũng được thống nhất là hàng hóa thì doanh nghiệp làm, đáng ra phải mua bán đúng giá thì lại bị Nhà nước định giá, bất kể giá thành thế nào. Vì thế, doanh nghiệp chỉ làm theo kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ, chứ không biết sản xuất ra hàng hóa mà thị trường cần. Khi đó, doanh nghiệp sản xuất nhiều có khi lỗ, nên không hề có nhu cầu tính toán trong sản xuất, cũng không biết thị trường cần gì.

“Thế nên mới có chuyện Giám đốc Diesel Sông Công đi tìm hiểu thị trường, phát hiện chẳng ai có nhu cầu mua máy 50 mã lực cả, mà chỉ cần 20 mã lực. Tôi cũng không nhớ số hàng này về sau thế nào, hình như Diesel Sông Công đã đề nghị phía Liên Xô mua lại, nhưng không thành. Song chính vì bị dồn vào chân tường, Công ty đã tìm ra hướng đi mới, là mua sắt thép vụn về đúc thép thỏi xuất khẩu. Việt Nam sau chiến tranh, sắt thép phế liệu nhiều, rẻ. Và phân xưởng đúc đã nuôi cả nhà máy”, ông Nam kể.

Thực tế hoạt động của khu vực quốc doanh đã được tổng hợp trong đề xuất của các chuyên gia gửi tới Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. “Phao cứu sinh” ngay sau đó đã được tung ra. Các doanh nghiệp, xí nghiệp lớn, trọng yếu được Nhà nước cho tiền để trả lương công nhân. Các giải pháp đại trà hơn là để lại khấu hao tài sản cố định để bổ sung vào vốn lưu động cho doanh nghiệp; cho vay ưu đãi... để chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty Diesel Sông Công 30 năm trước cũng nhận được một khoản hỗ trợ.

Phải nói thêm, những chuyên gia trên đã có mặt trong tổ chống lạm phát của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười vào giữa năm 1988, trưởng nhóm là ông Chế Việt Tân, lúc ấy là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương. Trong tổ có cả GS. Đào Xuân Sâm, nhà toán học Phan Đình Diệu - một quyết định rất hiếm khi đó.

“Cũng có ý kiến là nếu chấp nhận để doanh nghiệp kém phá sản, kinh tế sẽ có lợi hơn nhiều, nhưng quan điểm này quá khá biệt với tư duy của các nhà lãnh đạo khi đó, nên không được chấp nhận. Chỉ có điều là các giải pháp hỗ trợ kéo dài quá lâu, thành quen, nên bước chân vào kinh tế thị trường của khu vực doanh nghiệp nhà nước này vẫn ngập ngừng tới tận 20 năm sau”, ông Nam trầm ngâm nhớ về những ngày làm việc bên cạnh Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Trong trí nhớ của người thư ký giờ cũng đã ngoài 80, thì vào những lúc cần lựa chọn, Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn chọn những gì ông tin là tốt nhất cho người dân, cho đất nước.

Bảo Duy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-nguoi-luon-chon-nhung-gi-tot-nhat-cho-dan-cho-nuoc-d88876.html