Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Quy hoạch ga Hà Nội có động cơ lợi ích nhóm

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận có động cơ mang lại lợi ích từ bất động sản cho một nhóm người nào đó, hơn là vì mục tiêu chung cho Hà Nội.

Ga Hà Nội đang trong tầm ngắm thay đổi quy hoạch

TP.Hà Nội vừa gửi văn bản số 4417/UBND-ĐT xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận. Đồ án Quy hoạch khu vực Ga Hà Nội có tổng diện tích 98,1 ha. Tổng dân số của khu vực này được quy hoạch khoảng 44.000 người, trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người. Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 23.800 tỉ đồng, trong đó thành phố sẽ đảm nhận khoảng 700 tỉ đồng.

Theo đó, thành phố đề xuất quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng cao 40 - 70 tầng, trong đó có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40 - 70 tầng gồm: Khu tài chính, khu kiến trúc bố cục ở phía bắc khu đất lập quy hoạch (cao 40 - 70 tầng); khu truyền thông bố cục phía đông khu đất (cao 40 - 70 tầng); khu lối sống mới bố cục phía tây nam khu đất (cao 40 - 60 tầng); khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch (cao 40 - 60 tầng) và khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch (cao 40 - 70 tầng). Ngoài ra, có 3 khu vực thấp tầng gồm: Khu văn hóa thấp tầng (phía bắc khu đất); khu công viên (phía đông khu đất); khu thương mại quốc tế (phía tây nam khu đất).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại đối với đề xuất này của Hà Nội. TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng đề xuất này có động cơ mang lại lợi ích từ bất động sản cho một nhóm người nào đó, hơn là vì mục tiêu chung cho Hà Nội. Khu vực này không phải đầu tư vào hạ tầng nhiều, chỉ bán nhà là thu được tiền.

“Những năm gần đây, công tác quản lý quy hoạch của Hà Nội bị buông lỏng, nhà cao tầng mọc lên tùy tiện, dân số tập trung ngày càng cao. Cái thiếu ở khu vực này là công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân chứ không phải nhà cao tầng”, TS Phạm Sỹ Liêm phân tích.

Theo ông Liêm, “TP.Hà Nội sẽ không có lợi ích gì vì dự án sẽ tạo nên một khu vực mật độ siêu cao và phải tái định cư một lượng dân lớn, chẳng ai dại gì đầu tư”.

Ông cũng bày tỏ sự lo lắng về tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở khu vực này nếu dự án được thực hiện, bởi vì Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội có tổng diện tích 98,1 ha mà có tới 44.000 dân. Đây là mức cao thuộc hàng đầu thế giới và rất không phù hợp. Thông thường, trong đô thị chỉ 2 - 2,5 vạn dân/100 ha.

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng quy hoạch ga Hà Nội và khu phụ cận có lợi ích nhóm

Còn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, việc Hà Nội đề xuất xây dựng một số công trình cao từ 40 - 70 tầng tại khu vực Ga Hà Nội là đi ngược với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử do chính Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành vào ngày 7.4.2016.

Quy chế này quy định khu vực xung quanh Ga Hà Nội được xây dựng tối đa 18 tầng, tương đương 65 m. Các công trình cao phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực Ga Hà Nội.

Cũng theo quy chế này, với phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32 m) với điều kiện phía tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình Ga Hà Nội.

Vị này cho rằng nếu muốn điều chỉnh phải nêu lý do xác đáng, phải hỏi ý kiến cộng đồng, các tổ chức hội nghề nghiệp, sau khi được đồng ý mới trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Còn như hiện nay, cộng đồng không được biết gì và hơn nữa, khu vực này cũng chưa có biến động lớn để phải thay đổi.

Trả lời báo chí, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội xác nhận bản Đồ án trên do Sở chủ trì lập, dưới sự tư vấn của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd. (Nhật Bản).

“Quy hoạch chung của Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Do vậy, nếu đề xuất của thành phố có khác so với quy hoạch chung thì Thủ tướng là người quyết định. Thành phố không có sự ưu ái gì trong việc đề xuất xây dựng các công trình cao tầng trong khu vực quy hoạch theo Đồ án này”, ông Lê Vinh nói.

Đề cập về những lo ngại khi xây dựng các công trình có chiều cao từ 40 - 70 tầng tại khu vực theo Đồ án đề xuất sẽ làm gia tăng dân số, tăng ùn tắc, ông Vinh cho biết: “Về dân số khu vực quy hoạch chúng tôi đã tính toán tổng dân số ở đây một cách khoa học nhất. Vì tổng dân số dự kiến 44.000 người nhưng trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người rồi. Phần tăng lên này không nhiều, trong khi quỹ đất lập quy hoạch của khu vực này là trên 98 ha”.

TS Phạm Sỹ Liêm bình luận rằng cách trả lời này không hợp lý bởi không nhà đầu tư nào lại dại dột bỏ rất nhiều tiền ra để tái định cư cho hơn 40.000 người dân. Đây chỉ là cách nói để dân an tâm mà chấp nhận dự án.

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/bat-dong-san-c-99/nguyen-thu-truong-bo-xay-dung-quy-hoach-ga-ha-noi-co-dong-co-loi-ich-nhom-71987.html