Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Cấp thiết nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở để thích ứng mô hình chính quyền đô thị

Trao đổi góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định, đang có nhiều vấn đề rất mới đặt ra cho TP trong công tác cán bộ và xây dựng chính quyền.

Đặc biệt trong bối cảnh từ năm 2021 Hà Nội thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo đề án đã được Quốc hội thông qua, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở phải được coi là cốt lõi.

Sự hài lòng của người dân ngày càng được nâng cao

Trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội này có nhận định, nhiệm kỳ 2015 - 2020, “hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp tại TP đã được nâng lên”. Theo ông, kết quả đó thể hiện cụ thể ở thực tế ra sao, có những điểm gì nổi bật?

- Nhận định này trong dự thảo hoàn toàn xác đáng. Với chủ đề công tác năm 2016, 2017 là “Năm kỷ cương hành chính” và 2018, 2019 “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý điều hành của hệ thống chính quyền các cấp và nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, nhiệm kỳ qua, TP thực sự đã tập trung vào cải cách hành chính (CCHC) và đạt nhiều kết quả cao.

Cụ thể theo Bộ Nội vụ đánh giá, chỉ số CCHC của Hà Nội từ năm 2017 - 2019 đã vươn lên duy trì vị trí thứ hai cả nước; đồng thời chỉ số hài lòng của người dân, DN với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tại TP đều đạt rất cao (năm 2017 đạt 76,53%, năm 2018 đạt 83%, năm 2019 đạt 80,09%). Đặc biệt, TP đã tiến hành sắp xếp, tinh giản bộ máy, trong đó tập trung sắp xếp lại nhiều ban QLDA, đơn vị sự nghiệp, nhiều bộ phận trong các sở ngành, giúp bộ máy vừa gọn nhẹ rất nhiều, vừa hoạt động hiệu quả hơn, đội ngũ CBCC cũng được tinh giản.

 Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

Bên cạnh đó, Hà Nội quyết liệt nâng cao chất lượng tuyển dụng đội ngũ CBCCVC, bằng việc tổ chức thi tuyển trực tiếp trên máy tính để bảo đảm khách quan, thực tế thể hiện là giải pháp rất tốt góp phần tăng hiệu lực của cơ quan hành chính nhà nước những năm qua, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân của chính quyền TP.

Xét cho cùng, mục tiêu cao nhất của hoạt động bộ máy cơ quan Nhà nước chính là sự hài lòng của người dân, mà chỉ số này của TP những năm gần đây đều đạt kết quả cao. Sự hài lòng đó chính là chỉ số cuối cùng thể hiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, bởi chính quyền có sắp xếp bộ máy hay tinh giản đội ngũ đến đâu thì vẫn phải lấy sự hài lòng của người dân là chỉ tiêu quan trọng nhất, song song với sự thông suốt, công việc “chạy”, kinh tế tăng trưởng, xã hội phát triển.

Tăng chủ động gắn với tăng trách nhiệm

Từ những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ tới, công tác xây dựng chính quyền và công tác cán bộ cần được Đảng bộ TP xác định vai trò quan trọng thế nào để Hà Nội xứng tầm là Thủ đô, thưa ông?

- Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng chính quyền và công tác cán bộ, song trước yêu cầu trong bối cảnh mới, tôi cho rằng TP vẫn cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền đô thị kiến tạo phát triển, chính quyền hành động, liêm chính, phục vụ ở Thủ đô, lấy sự hài lòng của người dân làm mục đích hành động - chủ trương Thủ tướng đưa ra với cả nước, Hà Nội cần quyết liệt thực hiện. Trong đó, cần tăng cường CCHC, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chính quyền số ở Thủ đô, nhằm tạo ra nền hành chính minh bạch, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng 4.0.

Hà Nội nên đi đầu cả nước trong ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo vào công tác điều hành, quản trị của chính quyền và hệ thống chính trị; đồng thời phát huy vai trò của “Thành phố vì hòa bình”, bảo đảm tuyệt đối ANCT - TTATXH trên địa bàn.

Muốn vậy, TP cần không ngừng nâng cao chất lượng đời sống người dân, phát huy dân chủ, tạo đồng thuận, tạo thuận lợi để họ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động của TP; xây dựng an ninh quốc phòng vững mạnh; nắm bắt sớm và giải quyết dứt điểm những vướng mắc, xung đột, không để trở thành điểm nóng của TP. Cùng đó, đổi mới toàn diện sự lãnh đạo của Đảng, quản trị của chính quyền các cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội.

Trong bối cảnh từ năm 2021 Hà Nội bắt đầu triển khai mô hình chính quyền đô thị, công tác cán bộ của TP cần có giải pháp cụ thể ra sao để thực hiện tốt mô hình này, phù hợp đặc thù Thủ đô? Nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở cần đáp ứng những điều kiện gì để phù hợp việc không còn HĐND ở cấp xã?

- Năm 2021, Hà Nội bắt đầu áp dụng mô hình chính quyền đô thị (cấp phường chỉ còn UBND mà không còn HĐND), rõ ràng đặt ra yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện mọi chủ trương chính sách ở cấp cơ sở. Việc không còn HĐND mà tập trung vào UBND ở cấp xã vừa giúp bộ máy chủ động, năng động, kịp thời hơn, nhưng vừa đòi hỏi đội ngũ cán bộ cơ sở nâng cao chất lượng song song với tinh giản đi.

Thực hiện Nghị định 34 vừa qua, đội ngũ CBCC chuyên môn và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố đã phải giảm đi, đòi hỏi “tinh” hơn, hoạt động quyết liệt hơn, tức theo cơ chế hai mặt: CBCC chính quyền cấp xã được chủ động hơn, giảm “độ trễ” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (do không phải thông qua HĐND nữa) nhưng đòi hỏi chất lượng hơn, đội ngũ thực hiện quyết liệt hơn. Điều này đặt ra yêu cầu mới cho công tác xây dựng đội ngũ CBCC cơ sở.

Cùng với Luật Thủ đô, vừa qua Nhà nước tạo điều kiện cho Hà Nội nhiều cơ chế chính sách để chủ động, gần đây nhất là Quốc hội thống nhất cho TP cơ chế chủ động về tài chính, cũng là cơ hội giúp TP có điều kiện phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, việc có thẩm quyền và chủ động cao hơn thì phải gắn với trách nhiệm, nếu không sẽ dễ xảy ra tiêu cực, lỗ hổng trong quản lý. Do đó, TP cần có giải pháp mạnh để siết chặt công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm, giáo dục đạo đức công vụ cho CBCC.

Để có được những cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu như vậy, ngay từ khâu tuyển dụng và đào tạo, TP cần chú trọng điều gì, thưa ông?

- Công tác cán bộ phải được làm liên tục, và tới đây TP cần đẩy mạnh. Trong đó, TP đã thực hiện thi trực tuyến để tuyển dụng cán bộ, nhưng cần làm mạnh, tốt hơn. Việc thi tuyển lãnh đạo đã được nhiều địa phương thực hiện, như Quảng Ninh tổ chức thi tuyển đến cả lãnh đạo cấp tỉnh. Hà Nội cũng đã thực hiện việc này nhưng chưa nhiều, nên học hỏi các địa phương, ngoài việc tuyển dụng thì cần tăng cường tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý, kể từ cấp xã đến TP.

Cùng đó, cần đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ theo hướng cán bộ lãnh đạo không nhất thiết là người địa phương. Đây là mô hình đã được triển khai trên cả nước, trong đó Hà Nội cũng đã làm (luân chuyển từ quận ra huyện) nhưng cần làm triệt để hơn. Đây cũng là một cách để đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ cơ sở.

TP cần coi trọng tuyển dụng nguồn nhân lực thông qua thi tuyển cạnh tranh, song song với tăng cường bồi dưỡng CBCC các cấp để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ phục vụ trong thực thi công vụ. Để đáp ứng việc Hà Nội được chủ động hơn, cán bộ có quyền hơn nhưng phải gắn với tăng trách nhiệm hơn, rõ ràng TP cần tập trung xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, bảo đảm theo mô hình “chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Nội nên đi đầu cả nước trong ứng dụng công nghệ thông tin ,trí tuệ nhân tạo vào công tác điều hành,quản trị của chính quyền và hệ thống chính trị; đồng thời phát huy vai trò của “Thành phố vì hòa bình”, bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Linh Nguyễn (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguyen-thu-truong-bo-noi-vu-nguyen-tien-dinh-cap-thiet-nang-cao-chat-luong-can-bo-co-so-de-thich-ung-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-392465.html