Nguyên thủ các nước đồng loạt cam kết năng lượng xanh tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (22/04) vừa qua, Tổng thống Putin cho biết, Nga sẵn sàng xem xét các ưu đãi cho những công ty nước ngoài quan tâm đến đầu tư phát triển các công nghệ xanh, đồng thời sẵn sàng đưa ra nhiều dự án chung.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, các nguồn năng lượng phát thải thấp chiếm tỷ trọng 45% trong cơ cấu năng lượng tại Nga. Nga đang có kế hoạch gia tăng sử dụng khí đồng hành, đảm bảo thu gom, lưu trữ và tái sử dụng khí CO2 từ tất cả các nguồn. Đồng thời, Nga cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng để sản xuất hydro làm nguyên liệu đầu vào và xuất khẩu. Tổng thống Putin cho biết thêm, nước này đang triển khai một dự án thí điểm về xây dựng hệ thống định giá carbon và giao dịch carbon ở tỉnh Sakhalin, cho phép khu vực đạt trung hòa carbon vào năm 2025.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ giảm 50-52% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Mỹ vào năm 2030 so với mức của năm 2005. Mục tiêu này thể hiện cam kết của Mỹ để giành vị trí lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điều này cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden nhằm đưa nước Mỹ đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Các mục tiêu giảm phát thải CO2 cho từng lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế sẽ được xây dựng vào cuối năm 2021.

Chính phủ Nhật Bản mới đây đã thông báo sáng kiến thành lập một trung tâm tài chính quốc tế để thu hút các khoản đầu tư lên tới 27,7 tỷ USD vào nhiệm vụ khử carbon trong nền kinh tế, cũng như chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn NLTT. Thủ tướng Yoshihide Suga đã chỉ đạo các bộ đẩy nhanh xây dựng các biện pháp hỗ trợ quá trình khử carbon trên phạm phi toàn cầu, nhất là ở các nước châu Á. Bên cạnh đó, Thủ tướng Suga đã công bố kế hoạch tăng tỷ lệ cắt giảm khí thải nhà kính từ 26% lên 46% vào năm 2030.

Chính phủ Anh đang nỗ lực cắt giảm 68% lượng khí phát thải vào năm 2030 và 78% vào năm 2035 so với mức của năm 1990, cao hơn mục tiêu chung của EU là 55%. Theo khuyến nghị của Ủy ban biến đổi khí hậu độc lập, Chính phủ Anh sẽ thành lập ngân sách carbon mới để hạn chế đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong giai đoạn 2033 - 2037, góp phần giúp nước này hoàn thành 75% mục tiêu không phát thải carbon ròng vào năm 2050. Lần đầu tiên, một phần lượng phát thải carbon từ lĩnh vực hàng không và vận chuyển quốc tế của Anh sẽ được tính vào ngân sách carbon. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, việc giảm phát thải trước đây là do cải thiện hiệu quả năng lượng và loại bỏ than đá, nhưng giảm phát thải trong tương lai phải xuất phải từ điện khí hóa trong lĩnh vực giao thông, sưởi ấm, công nghiệp để giúp Anh loại bỏ hầu hết nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nguyen-thu-cac-nuoc-dong-loat-cam-ket-nang-luong-xanh-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-ve-khi-hau-608902.html