Nguyễn Thị Lộ: Từ 'yêu nữ'đến danh nhân (phần cuối)

Sang thế kỷ XX, khi hệ tư tưởng và quan điểm sử thay đổi, những nhận thức về Nguyễn Thị Lộ lại được tiến triển theo những chiều hướng khác nhau. Hướng thứ nhất được triển khai theo kiểu tiểu thuyết diễm tình thị dân. Và hướng thứ hai theo chiều hướng giải oan cho cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ...

Trên chuyên trang này kỳ trước, chúng tôi đã viết về những lời bình sử của các sử quan Nho giáo về Nguyễn Thị Lộ. Trên quan điểm chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi - một văn thần, công thần, vua Lê Thánh Tông, sử gia Ngô Sĩ Liên và nhiều sử gia sau này đều tập trung đổ hết tội thí quân cho Nguyễn Thị Lộ. Nguyễn Thị Lộ hiện lên như một dâm phụ đa tình, là kẻ dùng thân xác để uốn éo trong chốn quan trường của đàn ông, là con rắn độc hại người lành, là con yêu nữ quyến dụ và hãm hại đàn ông.

Lối bình sử đậm chất nam quyền này được phát ra dưới những diễn ngôn chính trị Nho giáo nhưng thực chất là những diễn ngôn tính dục mang màu sắc giới. Chuyện tình dục hay chuyện ham mê sắc dục của cánh đàn ông đều có cơn cớ tội lỗi từ đàn bà.

Đến cuối đời Nguyễn, bộ Việt sử thông giám cương mục là sử phẩm đầu tiên xóa bỏ truyền thống “đàn bà qua miệng đàn ông”. Trên tinh thần mới của vương triều sau khi đánh giá về vương triều trước, các sử gia đã nhìn nhận lại vai trò của Nguyễn Trãi như một người trong cuộc và phê phán Nguyễn Trãi đã “thả lỏng cho người vợ làm việc hoang dâm, vô liêm sỉ”.

Với cách đánh giá này, từ góc độ của đạo đức Nho giáo, bộ sử này cũng loại Nguyễn Trãi ra khỏi mô hình nhân cách kẽ sĩ của tư tưởng thời đại: “người hiền”. Lần đầu tiên, sử chí phong kiến thoát ra khỏi nhãn quan “nam quyền” khi đánh giá về Nguyễn Thị Lộ - Nguyễn Trãi. Rõ ràng, tính chất bao biếm (khen chê) sự kiện đời trước để làm bài học chính trị cho vương triều đời sau đã khiến các sử quan có cách nhìn khác về vụ án Lệ Chi Viên.

Lúc này, triều Lê đã kết thúc sau mấy trăm năm lịch sử, Triều Nguyễn lên thay thế và bình giá lại công thần triều trước một cách không kiêng nể. Không còn cái giọng đàn ông ăn hiếp đàn bà như của Ngô Sĩ Liên nữa. Thay vào đó, bài học scandal tình ái/tình dục được lồng ghép vào dòng sử bút để trở thành một bài học chính trị và sự chính đáng của luân thường đạo lý.

Còn ở một vị trí bên lề, Tạ Chí Đại Trường đã có bình luận rằng: “Vậy thì Nguyễn Trãi không “hiền”, là “thứ dữ” nhưng chỉ vì không vượt qua được tình thế không ngờ để ngăn trở cơn “thượng mã phong” của Lê Nguyên Long Thái Tông, mà ông mắc vạ đấy thôi” (Sử Việt đọc vài quyển, USA, 2004, tr137).

Đền thờ Lệ Chi Viên Thần Nữ tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quê Hương.

Đền thờ Lệ Chi Viên Thần Nữ tại xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quê Hương.

Sang thế kỷ XX, khi hệ tư tưởng và quan điểm sử thay đổi, những nhận thức về Nguyễn Thị Lộ lại được tiến triển theo những chiều hướng khác nhau. Hướng thứ nhất được triển khai theo kiểu tiểu thuyết diễm tình thị dân. Và hướng thứ hai theo chiều hướng giải oan cho cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Các loại hình sử phẩm có thể chia làm hai loại: các nghiên cứu của các sử gia và các sáng tác văn học nghệ thuật của các nhà văn, nhà soạn kịch, cải lương, đạo diễn phim tài liệu.

Cả hai loại sử phẩm này đều đan xen hai hướng nhận thức về Nguyễn Thị Lộ, đều thể hiện những ý nguyện hiện đại khác nhau khi tái nhận thức về quá khứ. Ngay chính ở đây, ta sẽ thấy, giới hạn của sử thực hay khả năng chạm đến sự thật lịch sử là vô cùng khó khăn và ta hiểu rằng lịch sử đã được kiến tạo như thế nào bởi người đọc.

Năm 1929, Nguyễn Ức Trai luận (Nam Phong, Hán văn, Q. 25, 40, 1929, tr.1-4.) khẳng định rằng Lệ Chi Viên là một án oan. Tác giả khẳng định Thái Tông là một đứa trẻ hôi sữa, “hoang đản vô đạo”, hãm hại công thần, chuyên dụng hoạn quan, đây là nguyên nhân thứ nhất. Thứ hai, khi Thái Tông tuần du với Thị Lộ, các đại thần lợi dụng tình hình để ám sát, sau đó đổ lỗi lên đầu Nguyễn Trãi.

Thứ ba, thời quân chủ chuyên chế, vua triệu Thị Lộ vào cung, cho hầu cận bên mình đêm ngày, đó là chuyện trái khoáy. Lại còn tuần du này nọ, thực chất chỉ là kiếm cớ vui vẻ với Thị Lộ. Cái lỗi ấy là do tiên sinh lấy phải thê thiếp dâm đãng nên mới bị người đời chê cười. Việc vua “thỏa ý hoang dâm” đi với vợ bề tôi là việc thương luân bại lý.

Thị Lộ tuy không giết vua nhưng án đã thành mà chết oan chết thảm. Nguyễn Trãi chỉ vì dâm thiếp mà phải chịu thảm họa tru di. Còn những chuyện bạch xà báo oán chỉ là chuyện hoang đường mà thôi. Cách giải thích trên của Nam Phong đã tạo nên một hiệu ứng xã hội mạnh mẽ cùng với quyền lực mới của báo chí và văn hóa in ấn.

Kể từ đây, hàng loạt những sử phẩm khác nhau đã ra đời. Vi Huyền Đắc viết kịch lịch sử 5 màn Lệ Chi Viên (1934, Tiểu thuyết tuần san), Ngô Văn Triện in cuốn Nguyễn Trãi (1944, Tao đàn), Nguyễn Hữu Tiến có truyện thơ Kiếm phong hận non sông (1949, Ngày nay), Lê Đình Kế có tiểu thuyết lịch sử Mẹ hiền con thánh (1953), Nguyễn Triệu Luật có tiểu thuyết Rắn báo oán (1955, Sài Gòn)

Năm 1960, sử gia Phạm Văn Sơn trong Việt sử toàn thư (tr. 389-340) đã có một cách nhìn mới mẻ. Ông dùng từ “ông vua đa tình, hiếu sắc” dành cho Lê Thái Tông và mô tả “Nguyễn Trãi tuy biết việc này nhưng đành bấm bụng và Nguyễn Thị Lộ cũng không thể có một thái độ nào khác là thụ động mối tình vương giả ấy”.

Ông đã đưa ra cách lý giải cho vụ án, rằng: Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã xin Vua Thái Tông, bà Ngô Thị Ngọc Dao về lánh nạn ở chùa Hoa Văn và sinh hoàng tử Tư Thành (Vua Lê Thánh Tông sau này) đi trốn. Chính vì điều này nên hai người đã làm mất lòng nhiều người trong triều.

Ông dẫn giả thuyết của Chu Thiên trong Giai thoại làng Nho Việt Nam cho rằng, Tuyên Từ Thái Hậu sợ mẹ con bà Dao tranh quyền nên đã bàn với Nguyễn Xí, Lê Khả, Lê Khắc Phục nhân việc vua Thái Tông mất nên giết luôn cả vợ chồng Nguyễn Trãi. Phạm Văn Sơn là sử gia đầu tiên khẳng định Nguyễn Thị Anh là chủ mưu của vụ án. Nhưng, ông không đưa ra bất kỳ nguồn sử liệu nào để chứng minh cho quan điểm của mình mà có lẽ đây là một tri thức ông tiếp thu từ các bộ tiểu thuyết lịch sử!

Năm 1961, Lê Thước và Trương Chính trong bài Thử xét lại cái án Nguyễn Trãi (Văn sử địa, 24, 1-1957, tr. 63-73) cho rằng Lê Thái Tông chết do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh chủ mưu đầu độc. Năm 1962, Trần Huy Liệu trong Nguyễn Trãi: nhân vật vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam (Nxb. Sử học, Hà Nội), lên án thủ phạm Nguyễn Thị Anh và kêu gọi không chỉ minh oan cho Nguyễn Trãi mà còn phải chiêu tuyết cho cả Nguyễn Thị Lộ.

Năm 1980, Bùi Văn Nguyên nhấn mạnh hơn: “Muốn minh oan cho Nguyễn Trãi là phải minh oan cho cả Nguyễn Thị Lộ vì cuộc đời Nguyễn Trãi và Nguyễn thị Lộ vốn khăng khít với nhau, vừa là vợ chồng, vừa là bạn đồng tâm, đồng chí (TTD nhấn mạnh). Cuộc đời Nguyễn Trãi trong sáng bao nhiêu thì cuộc đời Thị Lộ cũng trong sáng bấy nhiêu” (Nguyễn Trãi, Nxb. Văn hóa, H.). Năm 1985, Nguyễn Cẩm Thúy trong Câu chuyện vườn vải xây dựng một kịch bản mới cho thảm án, bà vẽ nên hình ảnh một Thái Tông cường bạo. Trong đêm vườn vải, ông đã tỏ tình và định cưỡng bức Thị Lộ nhưng Thị Lộ kiên quyết đấu tranh để giữ gìn trinh bạch, chung thủy với chồng.

Đau khổ vì tình, nhà vua đã mất trong đêm ấy. Thảm án vì đó mà thành. Năm 1988, Đỗ Thị Hảo trong Những bà giáo thời xưa (Nxb Phụ nữ) xây dựng hình ảnh bà giáo Thị Lộ cùng Nguyễn Trãi vào Lam Sơn khởi nghĩa. Đến thời Thái Tông bà đã trở thành “bậc thầy, một bà Lễ sư” nhưng vua trẻ vẫn có cái gì “khang khác không nén nổi”, tuy vẫn “biết dừng ở vòng lễ nghĩa, đạo vua tôi”.

Việc vua đột nhiên băng hà không có liên quan gì đến bà Nguyễn Thị Lộ. Năm 1989, Minh Giang trong Bi kịch Lệ Chi Viên (Nxb Thanh niên) tiếp tục xu hướng tái tạo lịch sử của Đỗ Thị Hảo. Năm 1991, Đinh Công Vĩ trong Thảm án các công thần khai quốc đời Lê Sơ (Nxb Đà Nẵng) đã dành 1 chương viết về hình ảnh trong sáng của Nguyễn Thị Lộ và quá trình giết vua đổ tội của đám Thị Anh và gian thần. Sau đó, Nguyễn Đức Hiền trong Sao Khuê lấp lánh (Nxb Kim Đồng, 1992), Hoàng Công Khanh trong Vằng vặc sao Khuê (Nxb Văn học, 700 tr), Yveline Feray trong Vạn xuân tiếp nối cách viết của những sử gia và tiểu thuyết gia đi trước.

Năm 2002, Hội Khoa học lịch sử và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 560 ngày mất Nguyễn Trãi. Hội thảo quy tụ nhiều sử gia đương thời để chiêu tuyết cho bi kịch lịch sử Lệ Chi Viên. Năm 2003, GS. Phan Huy Lê có bài Nguyễn Thị Lộ - một nữ sĩ tài hoa, một nỗi oan bi thảm (Xưa & Nay, 145/8-2003, sau in lại trong Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên, Nxb. VHTT, 2004) đã viết một nghiên cứu công phu về sử liệu và bối cảnh lịch sử của vụ án. Ông kế thừa quan điểm “giải thiêng” của GS Trần Quốc Vượng về vụ án Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao, cho rằng không đủ sử liệu để quy kết.

Mặt khác, Nguyễn Trãi khi ấy đang được vua tín nhiệm, Nguyễn Thị Lộ được vua giao chức Lễ nghi học sĩ, luôn hầu bên cạnh thì làm sao có chuyện Thị Lộ giết vua. Việc cho bà Nguyễn Thị Anh mưu giết vua để đổ tội cho Nguyễn Trãi và bà Lộ chỉ là “một giả thuyết có tính logic về phương diện văn học nghệ thuật” chứ không phải là một kết luận khoa học.

Ông nhấn mạnh không thể vì minh oan cho người này mà đổ oan cho người khác. Ông nhận định rằng, cái chết của vợ chồng Nguyễn Trãi là âm mưu của một số thế lực triều đình muốn trừ khử người luôn chống lại những “âm mưu mờ ám của bọn chúng”. Ông khẳng định Nguyễn Thị Lộ là “một nữ sĩ tài hoa, một người bạn tâm đầu ý hợp của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi”.

Trên đây, chúng tôi trình bày quá trình minh oan cho Nguyễn Thị Lộ luôn song hành với việc minh oan cho Nguyễn Trãi. Với quan điểm Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa dân tộc, tấm lòng ông trong sáng như sao Khuê, hết lòng vì dân vì nước nên bà Nguyễn Thị Lộ - vợ ông, cũng là một người phụ nữ vẹn toàn và trong sáng.

Nếu như các sử gia Nho giáo từ thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX xây dựng và phê phán hình ảnh dâm phụ hại chồng giết vua thì các tác gia hiện đại trên tinh thần chiêu tuyết cho danh nhân đã gột rửa án oan bằng cả khoa học và nghệ thuật.

Các sử gia, tuy còn bế tắc về sử liệu nhưng cũng đã tô điểm và khẳng định nhân cách của Nguyễn Thị Lộ. Các nhà văn mượn bút pháp hư cấu, xây dựng nhiều tình tiết sống động và các kịch bản khác nhau để làm sáng thêm tâm hồn và nhân cách của nữ sĩ Nguyễn Thị Lộ.

Đến đầu thế kỷ XXI, 3 đền thờ đã được dựng để thờ Lệ Chi Viên Thần Nữ và Nguyễn Trãi, đó là một cách tưởng nhớ và tái lập tri thức lịch sử bằng cả lòng tín niệm mà người đời sau hình dung về một trang quá khứ xa vời.

Trần Trọng Dương

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nguyen-thi-lo-tu-yeu-nu-den-danh-nhan-phan-cuoi-590047/