Nguyễn Thị Cẩm Vân, nhà sáng lập OSLA: Vượt vũng an toàn, tạo sự khác biệt

Sau nhiều lần vượt vũng an toàn, Nguyễn Thị Cẩm Vân đang chuẩn bị bẻ lái OSLA theo hướng trở thành một công ty công nghệ giáo dục, mở rộng quy mô ra ngoài biên giới Việt Nam.

Nguyễn Thị Cẩm Vân, nhà sáng lập OSLA.

Theo đuổi tác động xã hội

Chọn vào TP.HCM học đại học, thay vì ở lại Huế như bạn bè đồng khóa là lần vượt vũng an toàn đầu tiên của Nguyễn Thị Cẩm Vân. Lần thứ hai là khi cô quyết định ngừng hoạt động 2 doanh nghiệp xã hội để tìm ra một mô hình kinh doanh thực sự bền vững.

Lập doanh nghiệp xã hội dành cho cộng đồng người yếu thế là mơ ước của Vân từ khi còn bé và trở thành xuất phát điểm để HandiConnect (bán hàng thủ công mỹ nghệ do người khuyết tật làm ra) và HandiKit (cung cấp dụng cụ phục hồi chức năng) được lập ra. Danh hiệu quán quân hàng loạt cuộc thi khởi nghiệp và vô số thành tích khác đã được trao cho Vân khi vận hành 2 doanh nghiệp xã hội này.

Thậm chí, tại website Trường đại học Otago, nơi Vân theo học thạc sĩ khởi nghiệp, có hẳn một bài viết giới thiệu về cô và 2 dự án trên. “Trường còn đề nghị treo chân dung của tôi vì có tên trong danh sách 30 người trẻ nổi bật dưới 30 tuổi ở Việt Nam, nhưng tôi từ chối vì đã quyết định ngừng 2 dự án này”, Vân nói và cho biết lý do nằm ở sự bị động trong hoạt động kinh doanh, bởi cả 2 sản phẩm chính của 2 doanh nghiệp đều phải phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài và nằm ngoài vùng kiến thức của Vân.

Thêm vào đó, việc tham gia cuộc thi nào cũng đoạt giải cao có thể giúp dự án huy động thêm nguồn lực hỗ trợ, nhưng lại trở thành “cái bẫy” khiến đội ngũ start-up chỉ chăm chăm đi thi, trong khi việc mà họ cần phải dành nhiều nguồn lực hơn là tập trung vào sản phẩm.

Vân nhận thấy tác động của 2 dự án chưa nhiều, bản thân cô cũng không muốn lập ra doanh nghiệp để tìm kiếm sự nổi tiếng và chỉ có thể hoạt động khi có nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài. Vậy mô hình kinh doanh nào vừa đảm bảo phát triển bền vững dựa trên giá trị, lợi thế của Vân, vừa tác động tích cực đến xã hội?

Nguyễn Thị Cẩm Vân ăn tối cùng bà Jill Biden (ngoài cùng bên trái) tháng 7/2015 - phu nhân ông Joe Biden (khi đó là

Phó Tổng thống Mỹ)

và bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM (ngoài cùng bên phải).

Lần thứ hai vượt vũng an toàn của Vân bắt đầu vào năm 2016, khi cô chọn đầu tư vào giáo dục. Là sinh viên Việt Nam đầu tiên sang học tại Đại học Otago theo chương trình học bổng Chính phủ New Zealand dành cho sinh viên quốc tế có những thành tích nổi bật tại trường, Vân được đề nghị trở thành đối tác để kết nối với các sinh viên từ Việt Nam.

Có 3 lý do được Vân đưa ra để tham gia lĩnh vực cạnh tranh này. Đó là kinh nghiệm liên quan đến học bổng và trải nghiệm học tại trường; hiểu quá trình thực hiện các thủ tục nhập học liên quan và đây là mô hình có thể đong đếm được hiệu quả một cách rõ ràng khi ở vị thế đối tác của trường.

Thực ra, ban đầu, OSLA chỉ có mảng tư vấn du học tự túc, nhưng sau này, chính những “học trò” của OSLA muốn trở lại hỗ trợ, chia sẻ với những người khác, nên Vân mở thêm mảng học bổng nhằm kết nối những người đi trước với thế hệ sau.

Với mảng học bổng, trên thị trường hiện có những cựu du học sinh từng đạt được một số học bổng và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm… dưới dạng mở khóa học. Còn OSLA nhắm vào những ứng viên có hồ sơ phù hợp, đã qua quá trình tìm hiểu thông tin sơ khởi để từ đó xây dựng một lộ trình đạt học bổng, bắt đầu từ việc hiểu được sự khác nhau từ bản chất giữa các học bổng. Như thế, OSLA có thể hỗ trợ ứng viên chọn lọc và kể câu chuyện của bản thân phù hợp với tiêu chí của học bổng, cũng như lên được lộ trình nguyên năm cho hành trình chinh phục các học bổng danh giá ấy.

Công nghệ là công cụ cốt lõi

Trong năm 2020, Vân nhận thấy, nếu cứ tiếp tục mô hình kinh doanh cũ cùng việc mở rộng sang các thị trường lớn hơn như Mỹ, Canada…, OSLA vẫn có thể phát triển. Nhưng tại sao không vượt vũng an toàn thêm một lần nữa để tạo sự khác biệt so với khoảng 1.600 công ty tư vấn du học trên thị trường?

Và bước ngoặt lần này, Vân có sự hỗ trợ từ một “học trò” của OSLA, người mà OSLA từng hỗ trợ đạt được học bổng toàn phần tiến sĩ trị giá 94,500 NZD. Chiến lược cụ thể cho sự chuyển đổi lần này chưa được đề cập, bởi đội ngũ OSLA vẫn đang trong quá trình hoàn thiện trước khi công bố chính thức vào tháng 7 tới. Nhưng tựu chung, vai trò của OSLA sẽ không gói gọn ở khâu tìm (và đạt) học bổng, hay dịch vụ du học tự túc.

Nguyễn Thị Cẩm Vân và đội ngũ OSLA.

Vân bảo, suy cho cùng, học gì hay học ở đâu chỉ tạo ra được giá trị thực sự khi nghề nghiệp, kiến thức đó phù hợp với người đi học. Kỳ vọng này cũng không thể trở thành hiện thực, nếu cuộc sống của học sinh bị áp đặt quá nhiều trong vùng an toàn của bố mẹ và sự so sánh của xã hội.

“Những người đi trước có ý nghĩa rất quan trọng trong tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Việc này sẽ góp phần giảm số lượng học sinh sau khi đi du học về lại cảm thấy bản thân không phù hợp với ngành được đào tạo”, Vân kỳ vọng vào bước ngoặt sắp tới của OSLA trên hành trình mở rộng hỗ trợ, kết nối không chỉ với sinh viên Việt Nam, mà còn vươn ra khu vực Đông Nam Á.

Đội ngũ công nghệ nội bộ đang được xây dựng sau nhiều lần Vân tham khảo các ý kiến về việc nên thuê ngoài (outsource) hay tự xây dựng đội công nghệ (in-house). Công nghệ sẽ là công cụ cốt lõi cho lần bật khỏi vũng an toàn lần này của nhà sáng lập OSLA. Vân đang kỳ vọng về sự trưởng thành tổng thể nghĩa là hệ thống được vận hành một cách trôi chảy giữa đội công nghệ và bộ phận kinh doanh, cũng như sự đón nhận của thị trường.

Đội ngũ OSLA sẽ cần khoảng nửa năm từ lúc ra các sản phẩm mới đến khi điều chỉnh những lỗi liên quan. Thế nên, có lẽ sẽ phải chờ đến đầu năm 2022 để biết kết quả sơ khởi lần thứ ba bật khỏi vũng an toàn của cô gái gốc Huế 32 tuổi này.

Hồng Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguyen-thi-cam-van-nha-sang-lap-osla-vuot-vung-an-toan-tao-su-khac-biet-d141004.html