Nguyễn Thế Hùng: Ném đi những thước đo trần thế

Tôi tình cờ đọc tập thơ Mượn lửa mặt trời của nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Hùng từ nửa năm trước. Đọc lại tập thơ vài lần, tôi chợt ngộ ra rằng: thế giới này dường như là không đủ đối với anh, dù trong 'vai' một người viết hay là một con người khao khát sống, khao khát yêu.

* Khi những điều dang dở viết thành thơ

Bìa tập thơ ghi Nguyễn Thế Hùng sinh năm 1972, ở ngưỡng cửa U.50, phải chăng anh đã quá đa đoan để nghĩ và viết về nhiều điều xung quanh mình?

Với 79 bài thơ của tập Mượn lửa mặt trời, có rất nhiều câu chuyện được anh gợi ra: với người lính, đó là những trận đánh đã qua, là mảnh đất mà anh tìm đến; với quê hương, đó là một kỷ niệm tuổi thơ, và bao nhiêu điều từng trải những xứ người; với người yêu, đó là một nỗi nhớ tưởng mơ hồ, mà lại hiện ra qua trăm ngàn khoảnh khắc; với chính mình, đó là những nỗi khao khát khôn nguôi đối với thế giới mà anh đang sống. Những điều mà anh có thể hoặc không thể gọi tên…

Mỗi bài thơ đều hiện lên nỗi khắc khoải về một điều đã qua và những điều đang và sẽ tới. Vì sao Nguyễn Thế Hùng muốn “Xòe tay mượn lửa mặt trời”? Trong bài thơ Mẹ già neo lại đất quê, anh viết rằng: “Đốt mây gom khói gửi người còn xa”.

“Người còn xa” cụ thể là những người thân trong gia đình anh. Nhưng đó cũng là những người trong ý niệm, hay trong kỷ niệm của tác giả. Tôi trộm nghĩ phải chăng văn xuôi chưa đủ để Nguyễn Thế Hùng biểu đạt hết cảm xúc, tâm tư của mình, nên anh cần đến thơ. Đọc những câu thơ sau đây của Nguyễn Thế Hùng để thấy thời gian và không gian ngưng đọng đến thế nào:

“…Mẹ bảo đừng nhìn theo mà hãy nhìn về phía trước

Trời xa chạm ngõ thiên di

Anh lại sợ mình đi lạc…”.

Trong một thoáng “đôi mắt Thủy Nguyên xanh”, kỷ niệm tuổi thơ đã trở thành bất tử như thơ của R.Tagore: “Bọn trẻ gặp nhau trên bến bờ những thế giới vô biên - Bầu trời mênh mông trên đầu các em không động đậy - Mà nước thì gào réo liên hồi…” (Trên bờ biển, Đào Xuân Quý dịch). Nhưng tất cả không dừng lại, cùng với sự vận động của tự nhiên là một mong muốn tuy giản đơn mà bạo liệt, thôi thúc đến nao lòng:

“Thủy Nguyên hay Thủy Đường?

Đừng vì húy kỵ mà để ta lạc lối

Chiều nay Bạch Đằng giang sóng nổi

Sông cũ người xưa đâu?

Thủy Nguyên địa danh của những cây cầu

Xin một lần cho anh gặp Ô Thước

Xin một lần men theo con nước ngược

Một lần, một lần, một lần nữa rồi xa”.

Sức liên tưởng mạnh mẽ đã nối kết quá khứ với hiện tại (một hiện tại kéo dài, choáng ngợp) và cho con người đối diện với thời gian, không gian có chiều kích lớn hơn bản thân mình rất nhiều. Những điều không đủ, không thành đã đi vào thơ của Nguyễn Thế Hùng như thế. Đối với tình yêu, thơ anh lại càng nồng gắt hơn:

“Người xa bời bời bước gió

phải chăng yêu đã nhạt trò?

tôi ôm âm thầm máng cỏ

một thời quây kén dệt tơ”.

(Người tự quên ta như áo cũ)

* Em âm thầm cóp nhặt riêng em

Khi nhà thơ không nại mình là ai, thì anh ta cũng không đòi hỏi một khuôn mẫu riêng về cuộc đời và cả những người anh ta yêu. Nguyễn Thế Hùng viết: “Ta người đàn ông đã cũ - Tự ngắm mình mà thương”. Nhưng:

“Có những thứ không bao giờ cũ cả

Đó là mây là gió là em”.

Và nhà thơ cảm nhận được cái giá phải trả của sự đa tình, đa đoan (dù trong giới hạn của một cuộc tình, hay những mối nhân duyên của đời người):

“Em làm mới mình bằng muôn vàn vết chém

Để được gì hay cái thú đau thương?

Anh chẳng thể làm mới em thêm nữa

Qua chi chít thẹo người, và khảm khắc đau thương!!!”.

(Làm mới mình)

Đau đớn, hờn ghen thống khổ, nhưng không hề dung tục. Thơ tình của Nguyễn Thế Hùng không phải để ru tình, nên ít có những câu thơ ngọt ngào, êm dịu. Đó là một giọng trữ tình chất chứa cảm xúc rất thật, rất đời để không lý tưởng hóa tình yêu, mà ôm khối tình ấy để đi vào cõi đời biến hóa, vô thường. Không những thế, anh mượn tình yêu để nói về triết lý sống của mình:

“Đã bao giờ dám trách nhau đâu

em song hành từ xa ngóng lại

không khởi đầu, chẳng gặp nhau điểm cuối

em âm thầm cóp nhặt riêng em”.

(Mượn)

Nét sắc sảo trong thơ Nguyễn Thế Hùng cũng khiến người đọc khó quên khi anh nói về chính mình, như hạt cát, hoa cải bên sông; như một vài và nhiều lần lầm lỡ nói bằng “ngôn ngữ quỷ”, để rồi ngu ngơ giữa chợ “bán mua học lại tiếng người”. Sự khắc kỷ đau xót ấy cũng là tình yêu đến tận cùng cuộc đời đang sống, và mọi thứ xung quanh nhà thơ.

Nguyễn Thế Hùng đã dám ném đi những thước đo trần thế, bằng cách tự bộc lộ chính mình bằng thơ, không ngại phô bày con người thế tục của mình. Nhờ cách ấy, anh đang đi những bước dài trên con đường chiêm nghiệm và sáng tạo.

Mai Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202107/nguyen-the-hung-nem-di-nhung-thuoc-do-tran-the-3068975/