Nguyễn Thanh Tòng: Trái tim ấm của một kiều bào Pháp

Trên đường Calmette, quận 1, TP. Hồ Chí Minh có một quán cơm văn phòng và một mái ấm mang tên Tre Xanh. Sự phát triển của quán cơm cùng mái ấm ấy được ghi dấu bởi những 'tấm lòng vàng' như ông Nguyễn Thanh Tòng - Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, Trưởng Ban dự án hướng về Việt Nam của Hội.

Ông Nguyễn Thanh Tòng.

Mái ấm Tre Xanh (thuộc Hội Bảo trợ Trẻ em TP. Hồ Chí Minh) được thành lập năm 1994, với nhiệm vụ chính là chăm sóc, giáo dục trẻ em lang thang cơ nhỡ. Một phần kinh phí hoạt động của Mái ấm Tre Xanh đến từ quán cơm văn phòng cùng tên. Nhân viên của quán chính là những thiếu niên được Mái ấm Tre Xanh cưu mang. Sau những giờ học trên lớp, các em lại cần mẫn với công việc dọn dẹp, phục vụ, giao hàng. Đầu bếp là những em đã trưởng thành, có tay nghề chuyên nghiệp.

Trong hơn mười năm qua, bên cạnh việc ủng hộ, vận động gây quỹ cho Mái ấm Tre Xanh, ông Nguyễn Thanh Tòng còn đóng vai trò kết nối Mái ấm với những nhà hảo tâm trong cộng đồng kiều bào cũng như bạn bè Pháp, tạo thêm cơ hội hòa nhập với cộng đồng cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Người vun trồng Tre Xanh

Cùng với Hội Đoàn kết Arcueil quận 1, TP. Hồ Chí Minh (ASAH 1er), ông Nguyễn Thanh Tòng và các thành viên Hội người Việt Nam tại Pháp đã giúp các thanh thiếu niên ở Mái ấm Tre Xanh được học văn hóa, học nghề như vẽ tranh, nấu ăn, làm đồ thủ công mỹ nghệ, cũng như hỗ trợ các em có tay nghề giỏi sang Pháp giao lưu, học hỏi.

Đặc biệt, nhờ sáng kiến của ông, dưới sự hỗ trợ của ASAH 1er, lớp học vẽ tranh ở Mái ấm đã được duy trì đều đặn. Hàng trăm bức tranh, sản phẩm thủ công của các em đã được triển lãm và bán tại Pháp. Hoạt động này vừa giúp các em phát huy tài năng nghệ thuật, nuôi dưỡng tâm hồn, giúp kết nối các em với thế giới bên ngoài, vừa đóng vai trò tạo thêm kinh phí hoạt động cho Mái ấm.

Bằng tình thương, sự ân cần của một người cha, ông Nguyễn Thanh Tòng đã không mệt mỏi sát cánh cùng Mái ấm Tre Xanh. Ông luôn dành thời gian lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của những thành viên Mái Ấm, khích lệ, động viên để cùng các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Nhờ tấm lòng của ông và nhiều “Mạnh thường quân”, nhiều “búp măng thơ dại” đã vươn mình thành những cây Tre Xanh cứng cáp, hoàn thành việc học, có việc làm ổn định. Có những thành viên gắn bó với Mái ấm Tre Xanh đến mức sẵn sàng từ bỏ công việc thu nhập cao ở các khách sạn, nhà hàng lớn để trở về Mái ấm, nhận mức lương chưa bằng một nửa. Điều quan trọng là họ được chung sức giúp đỡ các em nhỏ.

Những thành viên của Mái ấm Tre Xanh khiến chính những “người xây mái ấm” như ông Nguyễn Thanh Tòng vô cùng xúc động: “Chính các em còn biết hy sinh lợi ích bản thân để giúp mái ấm, cùng giúp nuôi nấng các em nhỏ hơn, thì chúng tôi, những người có điều kiện ăn học đàng hoàng, có điều kiện đi đó đi đây, không thể khoanh tay ngồi nhìn”.

Ông Nguyễn Thanh Tòng cùng các em nhỏ tại Mái ấm Tre Xanh. (Ảnh: Việt Dũng/SGGP)

Đường dài không ngại bước chân

Mái ấm Tre Xanh chỉ là một trong số rất nhiều dự án thiện nguyện có phần đóng góp của ông Nguyễn Thanh Tòng. Từ năm 2003, sau khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian cho những chuyến trở về quê hương, trở thành nhịp cầu nối những tấm lòng của kiều bào tại Pháp với những hoàn cảnh khó khăn trong nước.

Trong 16 năm qua, ông đã thay mặt cho Ban Hướng về Việt Nam của Hội Người Việt Nam tại Pháp thực hiện nhiều dự án tại các vùng sâu, vùng xa ở cả ba miền đất nước, tiếp cận với bà con nhiều thế hệ và lứa tuổi có cuộc sống khó khăn cần sự hỗ trợ, kết nối những người có kinh nghiệm trong hoạt động này cùng chung tay tham gia.

Những dự án ý nghĩa có phần đóng góp quan trọng của ông Nguyễn Thanh Tòng có thể kể đến là: giúp những người bị bệnh phong ở Quy Hòa (TP. Quy Nhơn, Bình Định); chương trình học bổng cho trẻ em khó khăn, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và có con em bị khuyết tật ở Yên Bái, Hà Tĩnh, Thanh Hóa; đưa các đoàn sinh viên Pháp tới giúp đỡ các địa phương khó khăn; quyên góp mua máy lọc nước ngọt cho các chiến sĩ trên các đảo ở Trường Sa…

Hầu hết những dự án của Hội Người Việt Nam tại Pháp mà ông tham gia thực hiện đều có tính phức tạp, đi vào chuyên môn, cần sự kết nối của nhiều hội đoàn, tổ chức Việt Nam lẫn quốc tế.

Suốt nhiều năm qua, ông Nguyễn Thanh Tòng miệt mài đi đi về về giữa hai đất nước, tìm hiểu về những cộng đồng cần được hỗ trợ, lên kế hoạch đề xuất dự án, liên hệ, thuyết phục các nhà tài trợ, theo dõi việc triển khai, tính bền vững của dự án…

Năm nay đã 76 tuổi, sức khỏe không còn được như trước, nhưng tình yêu dành cho Tổ quốc, ý thức sâu sắc về bổn phận của một người con đất Việt đã tiếp sức cho ông vượt qua những khó khăn, trở ngại để làm tròn sứ mệnh của mình với quê hương.

PHI YẾN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguyen-thanh-tong-trai-tim-am-cua-mot-kieu-bao-phap-106804.html