Nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng

Điều 4, Luật Biên phòng Việt Nam quy định về nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng. Đây là những tư tưởng, định hướng chỉ đạo đối với các cấp, các ngành, các cá nhân, tổ chức nói chung và BĐBP nói riêng khi tiến hành các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Co Sâu, Đồn Biên phòng Ba Sơn, BĐBP Lạng Sơn phối hợp với dân quân và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ đoạn biên giới được giao quản lý. Ảnh: Thanh Huệ

Cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Co Sâu, Đồn Biên phòng Ba Sơn, BĐBP Lạng Sơn phối hợp với dân quân và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ đoạn biên giới được giao quản lý. Ảnh: Thanh Huệ

Những nguyên tắc này đòi hỏi sự chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ, triệt để của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, bao gồm: Cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu và cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu trên.

Nội dung cơ bản của các nguyên tắc bao gồm:

Thứ nhất, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước.

Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên là cơ sở pháp lý để các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng tiến hành các hoạt động thực thi nhiệm vụ biên phòng. Tuân thủ cơ sở pháp lý không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm của các chủ thể. Thông qua việc tuân thủ các quy định của Hiến pháp, pháp luật và điều ước quốc tế có liên quan, các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng sẽ hiện thực hóa các nhiệm vụ quy định tại Điều 5, Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016 thì một trong những nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế là "không trái với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" (khoản 1, Điều 3); "trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp" (khoản 1, Điều 6). Như vậy, quy định này thể hiện ưu thế và ưu tiên thực hiện điều ước quốc tế, đồng thời vẫn coi trọng trật tự hiệu lực pháp lý của hệ thống pháp luật quốc gia trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Bên cạnh đó, quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng, các chủ thể phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước. Đây là nội dung của một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại: Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. Các quốc gia có sự bình đẳng về chủ quyền và quyền chủ quyền; trong đó, các quốc gia phải được tôn trọng về quốc thể, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Tuân thủ nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng, nghiêm chỉnh của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế, đồng thời, cũng là điều kiện tất yếu để Việt Nam nhận được sự đối xử công bằng, bình đẳng, thiện chí của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thứ hai, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong công tác biên phòng, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Biểu hiện của sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng rất đa dạng như: Đảng lãnh đạo xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách lớn về công tác biên phòng; lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực hiện pháp luật về nhiệm vụ biên phòng; lãnh đạo công tác cán bộ và kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi nhiệm vụ biên phòng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với BĐBP trong công tác biên phòng được thực hiện thông qua vai trò của các tổ chức Đảng (Quân ủy Trung ương, Đảng ủy BĐBP, các đảng ủy, chi ủy các cấp) và các đảng viên.

Thực thi nhiệm vụ biên phòng do Nhà nước quản lý tập trung, thống nhất. Việc quản lý của Nhà nước được tiến hành thông qua các phương tiện, công cụ khác nhau, trong đó, phương tiện hữu hiệu nhất là pháp luật. Bên cạnh đó, có sự phân công, phân cấp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. BĐBP được xác định vị trí là “là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”.

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Thực thi nhiệm vụ biên phòng phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân bằng cách “dựa vào dân”, đồng thời, đặt dưới sự giám sát của nhân dân - chủ thể quan trọng, tối cao của quyền lực Nhà nước. Trong đó, cần đặc biệt chú ý tới vai trò tất yếu của hệ thống chính trị cơ sở và nhân dân khu vực biên giới. Hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới có vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia nói chung và thực thi nhiệm vụ biên phòng nói riêng, phải thường xuyên được củng cố, xây dựng vững mạnh theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt các chức năng lãnh đạo, quản lý, xây dựng khu vực biên giới và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Nhân dân, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới là lực lượng quan trọng tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tuy nhiên, do những đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, nên muốn phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Nhà nước phải đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức hướng dẫn nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Thứ tư, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; kết hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới.

Các nội dung này là một thể thống nhất, không thể tách rời, phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nội dung nguyên tắc này là bước cụ thể hóa mục tiêu chung trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã được xác định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia...; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước”. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu của việc thực thi nhiệm vụ biên phòng trong điều kiện, tình hình hiện nay.

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Huế - Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguyen-tac-thuc-thi-nhiem-vu-bien-phong-post436266.html