Nguyên tắc sửa đổi các luật có quy định về quy hoạch

Nhằm tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch, Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Theo đó, Dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh nhưng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh. Ảnh: Trí Nguyễn

Không để sót các quy định liên quan cần sửa đổi

Trình bày trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Luật đảm bảo nguyên tắc chỉ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch; sửa đổi tên các quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục I và Danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục II Luật Quy hoạch. Nội dung của quy hoạch ngành quốc gia quy định tại Điều 25 Luật Quy hoạch (Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia tại Phụ lục I) sẽ được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quy hoạch (quy định tại Khoản 7 Điều 25 Luật Quy hoạch). Các luật chuyên ngành chỉ quy định các nguyên tắc, căn cứ, yêu cầu lập quy hoạch đặc thù của ngành, thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (Danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục II) trong các luật chuyên ngành phải quy định cụ thể về loại, cấp, phạm vi lập quy hoạch, nội dung cơ bản của quy hoạch, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và đảm bảo không có sự trùng lặp về nội dung giữa các loại quy hoạch và thống nhất với tên quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch. Trong Dự thảo trình UBTVQH lần này, Chính phủ đã rà soát và quy định sửa đổi, bổ sung 37 luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc Chính phủ rà soát và đề nghị sửa đổi, bổ sung 37 luật có quy định liên quan đến quy hoạch là đảm bảo đúng quy định tại Khoản 5 Điều 59 của Luật Quy hoạch. Thậm chí, trong quá trình rà soát, Ủy ban Pháp luật còn đề xuất thêm 6 luật nữa có các quy định liên quan đến quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là một luật khó, sửa tới 37 luật với quy định rộng và được triển khai trong một thời gian ngắn, lại yêu cầu phải thông qua tại một kỳ họp để đảm bảo ngày 1/1/2019 là có thể triển khai Luật Quy hoạch một cách toàn diện, đầy đủ. Cho nên, sẽ có những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, UBTVQH yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát tất cả các điều khoản, tránh xung đột pháp lý với hệ thống pháp luật, trước hết là Luật Quy hoạch. Phải rà soát thêm để không bỏ lọt những luật khác liên quan đến quy hoạch mà không sửa.

Cùng một cấp độ không có 2 quy hoạch ngang vai

Liên quan đến vấn đề quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh, Dự thảo Luật lần này được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhưng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và quy hoạch xây dựng vùng huyện để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh; UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch này sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ quan điểm, cần phải xác định quy hoạch nào có trước, quy hoạch nào có sau, cái gì là tổng thể - chi tiết giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh. Theo ông Phúc, quy hoạch tỉnh được lập căn cứ từ quy hoạch vùng, mang tính chất không gian rộng, định hướng lớn, liên quan hạ tầng giao thông, quốc phòng an ninh…, phù hợp quy hoạch vùng nên nó phải có trước. Còn quy hoạch xây dựng tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa của quy hoạch tỉnh, mang tính chi tiết nên có sau và bao hàm các quy hoạch xây dựng nông thôn, chuyên ngành. Do đó, nếu gộp 2 quy hoạch này vào thì rất khó trong quá trình triển khai thực hiện khi một quy hoạch vừa vẽ không gian chung lại vừa vẽ chi tiết, sau này khi tiến hành sửa đổi phần xây dựng tỉnh thì lại phải sửa đổi cả quy hoạch tỉnh sẽ lãng phí lớn hơn.

Ông Định cho rằng, Dự thảo Luật cần phải rạch ròi được 2 loại quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh. “Luật Quy hoạch có 2 loại, một là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia có thứ bậc; hệ thống quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành thì có những quy hoạch đã tồn tại từ lâu, khi có Luật Quy hoạch thì phải tích hợp vào quy hoạch tỉnh, áp dụng theo Luật Quy hoạch, nhưng có những cái tồn tại độc lập với tính chất quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành và áp dụng theo luật chuyên ngành” - ông Định lý giải.

Định hướng quan điểm xây dựng Dự thảo Luật, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, bên cạnh quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh thì vẫn có những quy hoạch cấp chuyên ngành. Dự thảo Luật cần thống nhất quan điểm, cao nhất vẫn là quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và không được quy định cùng một cấp độ có 2 quy hoạch ngang vai. Nếu có quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh thì chỉ là quy hoạch chuyên ngành chứ không được ngang vai quy hoạch tỉnh.

Do Luật có tính kỹ thuật cao nên ông Hiển yêu cầu Chính phủ cần rà soát lại các vấn đề để tránh chồng chéo, nếu dẫn tới lãng phí trong quy hoạch thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Chủ trương là sẽ thông qua Dự án Luật trong một kỳ họp, nhưng UBTVQH sẽ đề xuất Quốc hội có 2 vòng thảo luận tại hội trường trước khi thông qua Luật này.

Trần Kiên

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/thoi-su/nguyen-tac-sua-doi-cac-luat-co-quy-dinh-ve-quy-hoach-79381.html