Nguyên tắc chất vấn là ĐBQH đặt câu hỏi và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm trả lời

Cuối giờ sáng 20/11, ngay sau khi bế mạc kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo.

Tham dự họp báo còn có: Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

Đã làm rõ những tranh luận giữa các ĐB trên hội trường

Tại phiên họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc và đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội đã trả lời, giải đáp một số vấn đề mà báo chí quan tâm.

Trong phần hỏi đáp, báo chí đã đặt câu hỏi về kết quả xử lý vụ việc liên quan đến phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) xung quanh số liệu vi phạm liên quan đến ngành Công an.

Trả lời, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại phiên chất vấn vừa qua, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) có hỏi Bộ trưởng Bộ Công an nhưng ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) tranh luận lại. Khi theo dõi thì thấy số liệu ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu ra chưa chính xác vì so sánh số đơn thư chưa giải quyết là 84/87 thì tỷ lệ cao nhưng nếu đem so với số lượng hàng trăm ngàn đơn đã giải quyết thì chưa chính xác.

"Điều hành phiên chất vấn đó, Chủ tịch Quốc hội có giao cho 2 ĐB trao đổi với nhau, nhưng sau đó, Đảng ủy Công an Trung ương đã có văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội" - Tổng Thư ký QH nói - "Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tức là nơi ĐB Lưu Bình Nhưỡng công tác, đã mời các cơ quan và ĐB đến làm rõ nội dung này. ĐB Lưu Bình Nhưỡng đã tiếp thu, đồng thời ông đã xuống Trung tâm báo chí kỳ họp Quốc hội trao đổi kịp thời với các phóng viên về việc đó".

Báo chí tiếp tục đặt câu hỏi cho rằng Bộ Công an là cơ quan hành pháp nhưng việc không trực tiếp tranh luận trên Quốc hội mà gửi văn bản liệu có phải "gây sức ép, vi phạm nguyên tắc dân chủ"?

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh việc đặt câu hỏi chất vấn là quyền của ĐBQH. Tổng Thư ký QH cũng khẳng định nguyên tắc của phiên chất vấn là ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn với các thành viên Chính phủ và thành viên Chính phủ có trách nhiệm trả lời. Còn ĐB có ý kiến tranh luận với nhau khi tham gia thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội và các vấn đề về Luật lại là vấn đề khác. Không có việc ĐB trả lời thay cho Bộ trưởng. Do đó, khi ĐB Lưu Bình Nhưỡng muốn tranh luận lại thì Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu hai ĐB gặp nhau riêng trong giờ giải lao chứ không tranh luận tại phiên chất vấn.

Ông Phúc thông tin thêm, sau khi Bộ Công an có văn bản thì Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện có cuộc làm việc với các bên liên quan để trao đổi về mức độ chính xác của số liệu mà ĐBQH nêu ra và hai bên đã làm rõ vấn đề liên quan nội dung này.

Mạnh mẽ hơn trong phòng, chống tham nhũng

Một nội dung được nhiều phóng viên các báo quan tâm và nêu ra tại cuộc họp báo là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đặc biệt là việc bỏ quy định về xử lý tài sản bất minh. Một phóng viên cho rằng "Bỏ quy định đó Luật này còn gì để khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước?"

Lý giải vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho hay: Lần này Quốc hội sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng và đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao.

Theo ông Cường, Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư; có các quy định liên quan đến quà tặng; có nội dung mới như kiểm soát xung đột lợi ích… Luật này cũng đưa ra chế định kiểm soát tài sản, thu nhập, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trước, đó là các quy định về cơ quan có trách nhiệm kiểm soát, xác minh, cơ sở xác minh tài sản, thu nhập.

"Hiện nay, chúng ta đang xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý theo hướng nếu phát hiện tài sản đó do phạm tội mà có thì sẽ bị điều tra, xử lý, sung công" - ông Cường nói.

Bổ sung thêm, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, khi thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), điều về xử lý tài sản bất minh vẫn quy định như luật hiện hành. Các phương án khác đưa ra thì khi thăm dò ý kiến ĐBQH, không có phương án nào đạt quá bán.

Theo ông Phúc, nguyên tắc là "cái gì chắc chắn rồi, chín rồi thì đưa vào Luật, còn vấn đề chưa chín, chưa chắc chắn, ví dụ như biện pháp thu thuế hay đưa ra tòa để xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý khi thăm dò đại biểu đều không quá bán thì chưa quy định vào luật".

"Luật này cũng có quy định biện pháp mạnh hơn, đó là đối với cán bộ, đảng viên kê khai mà xác định thiếu trung thực thì sẽ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, nhà nước. Ví dụ, nếu một đồng chí ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND nếu bị phát hiện ra thì sẽ bị xóa tên. Như vậy là mạnh mẽ hơn trước" - Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dai-bieu-quoc-hoi-khong-nen-tra-loi-thay-cho-thanh-vien-chinh-phu.aspx