Nguyên tắc '4T' trong thiết kế nội thất

Câu nói 'tốt gỗ hơn tốt nước sơn' hiện nay đã không còn đúng khi 'nước sơn' bên ngoài cũng quan trọng không kém chất lượng bên trong, thậm chí nó là yếu tố chủ yếu nói lên chất lượng của các trang thiết bị nội thất mỗi ngôi nhà.

Nội thất đẹp chính ở sự hài hòa với không gian chung.

Đảm bảo cả công năng sử dụng và làm đẹp

Theo nhận định của các chuyên gia, nội thất là phần hồn của mỗi ngôi nhà.

Bên cạnh tính năng sử dụng cho các nhu cầu thường nhật của các thành viên trong gia đình, thì còn thể hiện “gu” thẩm mỹ của gia chủ và là nền tảng cho các giải pháp thiết kế của các kiến trúc sư.

Hơn nữa, vật liệu còn tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của con người, sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố như vật liệu, màu sắc, cách bài trí với không gian kiến trúc tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái cho con người thoát khỏi những bộn bề của công việc khi về đến nhà.

“Để có được một không gian sống theo đúng các quy chuẩn thiết kế, thỏa mãn được nhu cầu thẩm mỹ của người sử dụng trong xu thế hiện nay, chúng ta không thể không nói đến vật liệu nội thất - một phần vô cùng quan trọng trong thiết kế nội thất.

Nó tạo nên vẻ lộng lẫy, hoành tráng và quyến rũ cho công trình, làm tăng cảm xúc của con người khi được sử dụng đúng cách”, kiến trúc sư Vũ Quốc An, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ.

Ở góc độ khác, theo chuyên gia nội thất Ngụy Thanh Vĩ đến từ Công ty cổ phần Gỗ An Cường, nhu cầu trang trí nội thất ngày càng cao và tinh tế.

Trong quá trình hội nhập, chúng ta sẽ tiếp nhận nhiều công nghệ xây dựng và sản xuất vật liệu tân tiến hiện đại, nguồn vật liệu phong phú với giá thành cạnh tranh. Do vậy, người tiêu dùng càng có nhiều cơ hội tiếp cận sử dụng để nâng cao chất lượng không gian sống của mình.

Điều này càng khẳng định tính cấp thiết, vai trò và nhu cầu to lớn của trang trí nội thất trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng để chúng ta không bị tụt hậu mà có thể lớn mạnh, tiệm cận với các chuẩn mực phát triển bền vững của thế giới.

Kiến trúc đẹp bắt đầu từ… phần thô

Theo nhận định của các kiến trúc sư, khi chúng ta tiến hành xây dựng một ngôi nhà, nhiều người vẫn nhắc đến từ “xây thô”, nhưng nếu không ở trong ngành thì không hiểu được tầm quan trọng của giai đoạn xây thô đến không chỉ chất lượng, tuổi thọ, sự an toàn mà còn cả tính thẩm mĩ của một ngôi nhà cũng như cách sắp xếp đồ nội thất sau này.

Nói ví von thì phần thô chính là cái gốc cây, với gốc khỏe, cây mới lớn mạnh và vững vàng để ra hoa, kết quả cho người ta thưởng thức được.

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã khác trước

Chẳng hạn, một ngôi nhà không tận dụng được tối đa diện tích hoặc sáng tự nhiện thì rất khó sắp xếp một không gian nội thất đẹp, tiện dụng. Một căn hộ chung cư bị thiết kế với nhiều “góc chết” thì khi triển khai đến phần thi công nội thất sẽ rất khó, tốn kém và không đạt tính thẩm mĩ tối ưu.

“Vì vậy, ngay từ khi bắt tay vào làm nhà, gia chủ cần phải suy xét cẩn thận, có đầy đủ bản vẽ thiết kế chi tiết. Tránh tình trạng đang xây dựng giữa chừng, gia chủ lại đổi ý thêm, bớt kết cấu, khiến nhà thầu phải điều chỉnh phần thô, dẫn đến lệch chuẩn gây ảnh hưởng đến công trình.

Cũng có tình huống oái ăm khi căn nhà gần như đã hoàn thiện, gia chủ lại đặt mua phòng xông hơi, bồn mát xa... về nhờ nhà thầu lắp đặt. Khi đó, thợ phải đục tường, cạy nền để chạy đường dây điện cho các hệ thống máy rất nhiêu khê và khiến căn nhà bị chắp vá mất thẩm mỹ”, đại diện Công ty thiết kế nội thất V-Home cho biết.

Ngoài ra, cũng cần nói thêm về ngân sách xây dựng phần thô, không ít gia chủ vẫn còn rất “vô tư” khi ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng chất lượng kém, giá rẻ vì chỉ nghĩ đến “cái lợi trước mắt”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người tiêu dùng nên biết rằng, chất lượng vật liệu xây dựng càng tốt thì chi phí tu sửa phần thô sau này càng ít.

Thật vậy, theo chia sẻ của kiến trúc sư Vũ Quốc An, làm nhà một cách khoa học là khi ta thiết kế căn nhà đã phải phối cảnh luôn nội thất phù hợp cho căn nhà và khi tiến hành xây dựng thì cứ theo thiết kế mà làm.

Như vậy, vật liệu nội thất mới đồng nhất và không bị “lệch pha” hoặc rơi vào cảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia” dẫn đến mất mỹ quan. Và nếu ví vật liệu nội thất là phần hồn của tòa nhà thì chất liệu nội thất chính là phần cốt.

“Bởi khi bước vào bất cứ một tòa nhà, sang trọng hay đơn giản nào thì hình ảnh đầu tiên đập vào mắt bạn chính là thiết kế nội thất, từ bộ bàn ghế đến các cánh cửa, thiết bị khác và không phải ngẫu nhiên mà nó thành mốt từ thời xưa “sập gụ, tủ chè”, kiến trúc sư Vũ Quốc An nhấn mạnh và phân tích thêm, khi đóng một cánh cửa sắt nặng nề âm thanh rít lên ken két, sẽ gây cảm giác khó chịu hơn là đóng một cửa gỗ nhẹ nhàng êm ái.

Những cảm giác không vững chắc, thiếu thoải mái thường hình thành và tích tụ lại lâu ngày sẽ tạo ra stress, gây mất ngủ và bất an, trong khi yếu tố an cư, cảm giác bình yên rất quan trọng trong một căn nhà.

Việc tiết kiệm là điều cần thiết khi xây nhà, song ở khâu quan trọng như xây thô, quyết định sự bền vững của cả ngôi nhà thì gia chủ không nên quá tính toán, “ham của rẻ”.

Bởi các rắc rối phát sinh khi ngôi nhà đã hoàn thiện sẽ mất công của sửa chữa hơn nhiều khi còn đang thi công, chưa kể nó còn tạo cảm giác bực mình cho gia chủ khi phải “đục đẽo” ngôi nhà ngay sau khi về nhà mới.

Ở góc độ khác, một kiến trúc sư cho biết, áp dụng cả khoa học phong thủy và khoa học kiến trúc thì cần tuân thủ nguyên tắc “4T” trong thiết kế nội thất.

Nguyên tắc đầu tiên là “tính năng”. Ngôi nhà không phải là nơi tập hợp, phô trương đủ các chủng loại vật liệu. Khai thác tốt tính năng của một số vật liệu nhất quán sẽ giúp nội khí tòa nhà luôn quân bình hơn là vật liệu thiếu đồng bộ hoặc quá dư thừa. Khai thác hiệu quả vật liệu dễ kiếm dễ gia công tại chỗ (vật liệu địa phương) cũng là xu hướng kiến trúc hiện đại mà thế giới khuyên dùng.

Nguyên tắc thứ hai là “Tiết giảm”, dùng vật liệu phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế, nếu không đáng phải sử dụng vật liệu đắt tiền thì nên cân nhắc.

Đây cũng là yếu tố “ngũ hư” trong phong thủy: tránh lãng phí không gian, vật liệu, chi phí như cha ông ta ngày trước chọn vật liệu bền chắc mà vẫn giản dị. Khéo tận dụng vật liệu đơn giản, dễ tìm nhưng xử lý màu sắc, bề mặt phù hợp vẫn đem lại hiệu quả thẩm mỹ và sử dụng tốt.

Nguyên tắc thứ ba là “Thích đáng”. Vật liệu phải dùng đúng nơi đúng chỗ, trong - ngoài rạch ròi, tránh lẫn lộn. Dùng vật liệu cũng cần phải đúng với chức năng sử dụng không gian (ví dụ phòng karaoke nên dùng vật liệu cách âm tốt, phòng vệ sinh nên dùng gạch chống trơn trượt).

Nguyên tắc thứ tư là “Thẩm mỹ”. Vẻ đẹp vật liệu làm nên vẻ đẹp công trình, vẻ đẹp đó cũng cần phải giữ vững qua thời gian, thuận tiện bảo trì sửa chữa.

Khéo chọn vật liệu hoàn thiện sẽ tạo nên cá tính, điểm nhấn phù hợp, tác động nổi bật khí cho phong thủy trong không gian sống. Làm được các bước nêu trên thì chữ T thứ năm - thân thiện (về mặt vật liệu trong xây dựng và sử dụng) sẽ đạt được trong không gian sống.

Sự thân thiện đó, suy cho cùng chính là kết quả của quá trình chọn lọc và tiếp nhận cũng như loại trừ các yếu tố hợp và không hợp để đọng lại trong nơi cư ngụ những gì hữu ích, hài hòa và bền lâu của vật liệu nội thất trong căn nhà của bạn.

Nhất Nam

Doanh nghiệp nội thất trước “bão công nghệ”

Thiết bị gia đình đang thông minh hóa

Đau rát họng, ho đờm lâu ngày: Biết mẹo này mừng hơn bắt được vàng!

Tin tài trợ

Những hình ảnh ấn tượng tại triển lãm Vietnam Ceramics 2018

Sơn Jotun Việt tung ra thị trường sản phẩm sơn ngoại thất Jotashield chống phai màu

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/vat-lieu/nguyen-tac-4t-trong-thiet-ke-noi-that-195214.html