'Nguyên soái' Ngoại giao Molotov

Nhà chính trị - chính khách Liên Xô này được xếp vào số các nhà ngoại giao vĩ đại nhất mọi thời đại và mọi quốc gia

Nhà chính trị - chính khách Liên Xô Vyacheslav Mikhailovich Molotov - người đứng đầu chính phủ Liên Xô từ 1930 đến 1941, và sau đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô từ năm 1939-1949 và 1953-1956 - sinh ngày 9/3/1890, là cộng sự thân cận của nhà lãnh đạo Stalin, được mệnh danh là “Nguyên soái” Ngoại giao Liên Xô.

Molotov không được đào tạo bài bản để trở thành nhà ngoại giao, không nói được tiếng nước ngoài nhưng đọc và hiểu tiếng Pháp, Anh và Đức. Molotov là kiến trúc sư ngoại giao Stalin, một nhà ngoại giao nhân dân, luôn kiên định và khéo léo bảo vệ lợi ích của cường quốc và nhân dân Liên Xô. Các chính trị gia lớn nhất của phương Tây nhất trí xếp Molotov vào số các nhà ngoại giao vĩ đại nhất mọi thời đại và mọi quốc gia.

Chiến sĩ cách mạng

Molotov sinh tại tỉnh Vyatka (nay là tỉnh Kirov), có bố là tiểu tư sản mẹ là tiểu thương. Sau khi học xong phổ thông, Molotov theo học cao đẳng ở Kazan - nơi ông làm quen với chủ nghĩa Marx; năm 1905, bắt đầu ủng hộ những người Bolsehvik và năm 1906, gia nhập Đảng Công nhân Xã hội-Dân chủ Nga (RSDLP). Năm 1909, Vyacheslav bị bắt và bị đày đến tỉnh Vologod; năm 1911, ông được trả tự do; một năm sau, theo học Khoa Kinh tế của Đại học Bách khoa St. Petersburg - nơi ông học đến năm thứ tư và tham gia thành lập tờ báo Pravda (Sự thật) - với vai trò thư ký tòa soạn. Năm 1915, ông bị đày ải lần thứ hai - đến tỉnh Irkutsk, mang bí danh trong đảng là Molotov.

Năm 1916, Molotov trốn khỏi nhà tù, đến Petrograd, tham gia thành phần của Văn phòng Ủy ban Trung ương RSDLP (Bolshevik - b). Vào thời điểm Sa hoàng Nicholas II bị lật đổ, Molotov đã là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín nhất của những người Bolshevik ở Nga. Ông một lần nữa tham gia tòa soạn tờ Pravda, trở thành thành viên của Ủy ban Hành chính Petrosoviet và Thành ủy Petrograd của RSDLP (b). Sau Cách mạng Tháng Hai, Molotov phản đối hợp tác với Chính phủ lâm thời, ủng hộ khởi nghĩa vũ trang.

Đón Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Molotov tại nhà ga Anhalt ở Berlin (1940); Nguồn: topwar

Đón Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Molotov tại nhà ga Anhalt ở Berlin (1940); Nguồn: topwar

Trong nội chiến, Molotov theo dõi lĩnh vực kinh tế và đảng. Sau Nội chiến, ông là một nhân vật nổi bật ở nước Nga Xô viết. Tại Đại hội lần thứ 10 của Đảng Cộng sản Nga RCP (b) vào tháng 3/1921, Molotov đã được bầu làm ủy viên Trung ương, và tại hội nghị được tổ chức ngay sau đó, ông là Bí thư thứ Nhất Ủy ban Trung ương. Năm 1922, chức vụ Tổng Bí thư được thông qua, do Stalin đảm nhiệm, Molotov trở thành nhân vật thứ hai trong Ban Bí thư.

Cộng sự của Stalin và “Nguyên soái” Ngoại giao

Sau cái chết của Lenin, Molotov trở thành người tích cực ủng hộ và trung thành với Stalin cho đến khi qua đời. Ông chống lại Trotsky, Zinoviev, Kamenev, "những kẻ lệch lạc đúng đắn" (Bukharin, Rykov, Tomsky). Năm 1930, thay Rykov đứng đầu chính phủ Liên Xô, Molotov đã làm việc cần mẫn cho kế hoạch năm năm đầu tiên và đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, phúc lợi xã hội, quốc phòng, thực hiện các dự án quy mô lớn về công nghiệp và cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa...

Tháng 5/1939, trong khi vẫn lãnh đạo chính phủ, Molotov kiêm nhiệm Dân ủy đối ngoại thay thế Litvinov - người nỗ lực để tạo ra một hệ thống an ninh tập thể mới ở châu Âu. Điều này không phù hợp với Stalin, ông không muốn người Nga một lần nữa chiến đấu không phải vì lợi ích của họ, mà vì lợi ích của người khác. Đến năm 1939, tình hình ở châu Âu và thế giới đã thay đổi đáng kể. Sự tất yếu của chiến tranh thế giới mới trở nên hiển hiện, chính sách của phương Tây nhằm hướng Đệ tam Quốc xã của Hitler chống lại Liên Xô (chính sách "xoa dịu" Hitler với chi phí của Nga). Ý đồ tạo ra một hệ thống an ninh tập thể đã bị thất bại.

Để tránh chiến tranh với các cường quốc đế quốc càng lâu càng tốt và thắt chặt chính sách đối ngoại, khôi phục vị thế của đế chế Nga (trước 1917), Stalin sử dụng mọi nhân tố do khủng hoảng tư bản gây ra, cố gắng biến cuộc xung đột toàn cầu thành một vấn đề nội bộ của phương Tây. Cụ thể, Liên Xô đã đóng vai con khỉ khôn ngoan trong câu chuyện ngụ ngôn của Trung Quốc - ngồi nhìn hai con hổ tranh hùng. Đồng thời, Moscow liên tục khôi phục các lãnh thổ quốc gia bị mất sau cuộc cách mạng năm 1917 (Ba Lan, cận Baltic, Phần Lan, Bessarabia).

Stalin không muốn trở thành "bia đỡ đạn" của phương Tây, tránh một cuộc đụng độ mới của người Nga và người Đức vì lợi ích của London và Washington. Ông cố gắng dẫn dắt trò chơi Nga theo luật lệ của mình, và kiến trúc sư của chiến lược này là Molotov. Stalin và Molotov đã rất thành công. Moscow đã tìm cách khôi phục nhiều vị trí của Đế chế Nga, đưa các nước vùng Baltic, Bessarabia, Vyborg và các khu vực phía tây của White và Little Russia trở lại Nga; đã tránh được Hitler gây chiến vào năm 1939, trì hoãn chiến tranh cho đến mùa hè năm 1941.

Điện Kremlin đã gây bối rối cho cả Anh và Pháp, yêu cầu họ tham gia liên minh quân sự đầy đủ chống lại Đức, và khi họ từ chối - đã ký kết một thỏa thuận với Hitler. Vào mùa đông 1939-1940, trong cuộc chiến tranh với Phần Lan, đã tránh được một tình huống rất nguy hiểm một cách ngoạn mục. Anh và Pháp, đã ở trong tình trạng chiến tranh "kỳ lạ" với Đức Quốc xã, đã lên kế hoạch tấn công Liên Xô ở Scandinavia và Kavkaz. Đối với Hitler, tình huống này đơn giản là một phép màu - một cuộc chiến giữa các đối thủ chính. Nhưng Liên Xô đã xoay xở để đối phó với Phần Lan nhanh hơn, trước khi các đồng minh đổ bộ quân để giúp đỡ Phần Lan.

Kết quả là, chiến tranh thế giới bắt đầu như một cuộc đụng độ của hai phe tư bản, tránh một cuộc chiến ở hai mặt trận -đồng thời với Đức và Nhật Bản. Khi kế hoạch tiêu diệt nhà nước công-nông của Hitler thất bại, Anh và Mỹ buộc phải hỗ trợ Liên Xô trong cuộc chiến. Stalin và Molotov đã biến Liên Xô-Nga trở thành một trong những phần quan trọng nhất của trật tự thế giới mới, tạo ra hệ thống chính trị Yalta-Potsdam.

Dân ủy Molotov cùng Đại sứ Liên Xô và Thủ tướng Anh Winston Churchill trong vườn tại Dinh Thủ tướng Anh (1942); Nguồn: topwar

“Bộ đôi” Stalin-Molotov đã dẫn dắt thành công chính sách đối ngoại của nhà nước Xô Viết trong suốt 10 năm khó khăn nhất - Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và khối phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Không nghi ngờ gì về kiến thức và phẩm chất cá nhân của Molotov, ông đã khôi phục thành công vị trí của Liên Xô-Nga trên trường quốc tế, là một trong những nhà sáng lập siêu cường Liên Xô.

Winston Churchill - một kẻ thù khủng khiếp của Nga và là một trong những chính trị gia vĩ đại của phương Tây - đã viết về Molotov: Tôi chưa bao giờ thấy một con người nào phù hợp hơn với khái niệm tự động hiện đại. Tuy nhiên, ông (Molotov) rõ ràng là một nhà ngoại giao nhạy bén và được mài dũa cẩn thận ... Không còn nghi ngờ gì nữa, với Molotov, bộ máy Xô Viết đã tìm thấy một đại diện có năng lực và trong nhiều khía cạnh - luôn là một thành viên trung thành của đảng và là tín đồ của chủ nghĩa cộng sản. Sống đến tuổi già, tôi mừng vì mình không phải chịu đựng sự căng thẳng mà ông phải đương đầu - tôi thà không được sinh ra.

Ở phương Tây, Vyacheslav Molotov được coi là một trong những chính khách vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Ông mẫn cán bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân bằng tất cả sức lực của mình, chưa bao giờ là “đối tác dễ dàng” đối với phương Tây. Ngoại trưởng Hoa Kỳ năm 1953-1959 - John F. Dulles - coi Molotov là nhà ngoại giao vĩ đại nhất thế giới kể từ đầu thế kỷ XX. Ở phương Tây, Molotov được đặt biệt danh là "Ngài Không" vì nguyên tắc không nhân nhượng (sau này biệt danh này được A. A. Gromyko "kế thừa").

Trong những năm chiến tranh, Molotov là Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Dân ủy (về sau là Hội đồng Bộ trưởng). Ông cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước (GKO), và là thành viên của Bộ Tư lệnh Tối cao. Chính Molotov, vào đầu chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, đã phát biểu trên đài phát thanh thông báo về cuộc tấn công Liên Xô của Đức Quốc xã. Ngày 22/6/1941, lúc 12 giờ trưa, những lời của Vyacheslav Mikhailovich đã được nghe trên khắp Liên Xô: “Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa. Kẻ thù sẽ bị đánh bại. Chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta”.

Molotov chịu trách nhiệm việc phát triển của ngành công nghiệp xe tăng. Vì công lao phụng sự Tổ quốc, theo sắc lệnh của Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô ngày 30/9/1943, Vyacheslav Mikhailovich đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa cùng với Huân chương Lenin và Huy chương vàng "Búa và Liềm".

Thất sủng

Molotov là “cánh tay phải” của Stalin, được coi là một trong những người tiềm năng kế nhiệm của nhà lãnh đạo vĩ đại, do đó, nhiều mưu đồ khác nhau đã được tiến hành để chống lại ông. Năm 1949, Molotov bị nghi ngờ - vợ của ông có liên quan đến cái gọi là Ủy ban Do Thái chống phát xít, bị bắt và bị lưu đày. Molotov đã bị loại khỏi vị trí người đứng đầu Bộ Ngoại giao, nhưng vẫn là một trong những Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1952, Molotov đã được bầu vào cơ quan cao nhất của đảng - Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCS Liên Xô.

Nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin trò chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Molotov (1945); Nguồn: topwar

Sau khi Stalin qua đời, Molotov là một trong những người có tiềm năng kế vị. Ủng hộ nhiệt tình việc tiếp tục chính sách đối ngoại và đối nội của Stalin, tuy nhiên, ông không thiết tha với quyền lực. Sau vụ loại Beria, Molotov đã cố gắng đối đầu với Khrushchev, nhưng đã quá muộn. Tháng 5/1956, với lý do chính sách sai lầm trong vấn đề Nam Tư, Molotov đã bị loại khỏi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô. Ngay sau khi Molotov rời chức, những thất bại lớn của chính sách đối ngoại của Liên Xô đã bắt đầu. Tình hình ở Ba Lan và Hungary trở nên tồi tệ hơn, vào mùa thu đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Ba Lan và cuộc cách mạng ở Hungary, chưa kể việc hành xử thiếu chuyên nghiệp trong cuộc khủng hoảng Suez và ký thỏa thuận với Nhật Bản về việc chuyển giao cho nước này đảo Shikotan và Habomai...

Sau đó, Molotov đã cố gắng gạt bỏ Khrushchev cùng với Malenkov, Kaganovich, Voroshilov, Bulganin và những người khác, nhưng cái gọi là “nhóm chống đảng” bị đánh bại. Molotov bị tước chức vụ cao nhất trong Nhà nước và đảng và bị “lưu đày” làm đại sứ ở Mông Cổ, sau đó làm đại diện của Liên Xô tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Đối với một "cây đa cây đề" ngoại giao như Molotov, đó là một sự nhạo báng. Molotov đã không hòa giải và vẫn cố gắng chống lại chiến lược chống lại nhân dân của Khrushchev, nhiều lần kêu gọi Ủy ban Trung ương ĐCS Liên Xô bảo vệ đường lối Stalin.

Năm 1961, cộng sự thân tín của Stalin đã chỉ trích Dự thảo mới của Chương trình CPSU, bị cho nghỉ hưu và bị trục xuất khỏi đảng. Molotov đã được khôi phục Đảng tịch năm 1984, dưới thời Chernenko - người đã cân nhắc việc phục hồi hoàn toàn chính sách và đường lối của Stalin (nhưng không kịp). Cho đến khi qua đời, Vyacheslav Mikhailovich Molotov là một người kiên định chủ nghĩa Stalin; nhà chính trị vĩ đại của Nga và Liên Xô này qua đời vào ngày 8/11/1986.

Theo Lê Ngọc/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-mat-lien-xo-ky-hoa-uoc-voi-nuoc-duc-phat-xit/20200319085833076