Nguyễn Phúc Lộc Thành - người 'lạ hóa' lục bát

Tuyển tập 108 bài lục bát 'Giấc mơ sông Thương' của tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành được đánh giá là một nỗ lực 'lạ hóa' thể thơ này để nó bước vào đời sống đương đại, mang đến cho người đọc những cảm xúc rưng rưng...

Đây là một tuyển tập "kì lạ" bởi nó được kết hợp từ ba tập thơ, mỗi tập gồm 36 bài thơ lục bát. Tập đầu tiên có tên "Giấc mơ sông Thương" gồm những bài thơ về con sông đã đi vào thơ nhạc bao nhiêu năm qua. Hai tập tiếp theo là "Chiều" và "Chân quê".

Đáng chú ý hơn, những vần thơ này được viết bởi một người đã 20 năm bỏ bút. Nguyễn Phúc Lộc Thành, sinh viên khóa 5, trường Viết văn Nguyễn Du từng gây chú ý trên văn đàn với tiểu thuyết "Cõi nhân gian" (tái bản 5 lần) và tập truyện ngắn "Táo vàng tục lụy" phát hành giữa những năm 90 của thế kỷ trước.

Anh tâm sự: “Sau hai mươi năm thu mình trong bộn bề mưu sinh, trong toan lo thường nhật, trong thân phận một người lao động chân chính, lấy cần lao để vui sống, giờ là lúc tôi quay trở lại với văn chương, quay trở về đúng với tên gọi của mình. Tôi đã bỏ viết 20 năm, giờ là lúc trở lại cùng tri kỷ của đời để viết nên 108 bản “Giấc mơ Sông Thương”.

108 bài thơ trong tập “Giấc mơ sông Thương” chỉ miên man theo dòng chảy của con sông - “nàng thơ” của thi ca, miên man với dòng chảy của lục bát nhưng cách cảm nhận và thể hiện của tác giả được hầu hết những người trong nghề đánh giá là khá độc đáo, kể từ hệ thống, chủ đề đến lời thơ, giọng điệu, tiết tấu, âm hưởng.

Trong “Giấc mơ sông Thương” người đọc cảm được thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành có tâm và cảnh, có mẹ, có em, có đời thực, có chiêm bao, có những hữu thể hư không, nhân gian, vũ trụ, có sớm mai và có chiều miên viễn.

Nhà văn, PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn đánh giá: "Thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành đạt đến sự dung hợp tinh túy của trạng thái sex thiền... vượt lên sự phân chia nhị nguyên thanh tục – tục thanh thông thường. Hầu như câu thơ nào của Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng gợi mở, có thể tán thưởng, phân tích, trao đổi, luận bình". Ông chính là người có thể đọc thuộc làu chương 1 tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành, đã 20 năm qua luôn động viên anh viết trở lại và thường xuyên góp ý cho anh về chuyên môn.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng nhận xét: “Nguyễn Phúc Lộc Thành sau một thời gian dài im lặng đã trở lại "làm một hơi dài" với cả trăm bài lục bát, được đánh thức bởi một chiều sông nhưng cách phối âm, phối chữ, phối hình tạo ra một cái mới, một sự "lạ hóa" của lục bát, khiến người đọc rưng rưng”.

… Tìm cùng tận

cõi hoàng hoa

Giữa đêm bến vắng

mắt nhòa trời đông

Qua bao mùa cải đơm ngồng

Mà sao chân mẹ

vẫn không dấu về?...

(Giấc mơ sông Thương 7)

Cái cố tình ngắt nhịp, ngắt câu, tách dòng có chủ ý của anh đã tạo nên một hồn thơ mới cho thể thơ lục bát của dân tộc.

Chả thế mà, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phải thốt lên: “Đọc thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành, bỗng dưng tôi thấy thơ mình đã trở nên cũ mèm trước những vần thơ tinh khôi, mới mẻ, liều lĩnh và đầy đa cảm của Nguyễn Phúc Lộc Thành”.

Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì thẩm định: “Thơ của anh không chỉ gần gũi, sang trọng mà còn đậm chất văn hóa, văn hóa của lục bát”.

"Anh về

khêu những đốm tàn

Lắt lay

trên đóa lầm than mặt người

Em ở lại

mót khóe cười

Tha nhân nhếch rách

một trời thương đau"…

(Chiều thứ 14)

Những câu thơ có sức ám ảnh, lay động tâm hồn người đọc, tưởng chừng nhẹ bỗng mà lại đằm sâu vô cùng, khiến ta đọc xong cứ phải ngẫm mãi, suy nghĩ mãi.

Thì ra là bởi, người làm ra nó luôn trăn trở, đau đáu: “Tôi luôn tin tưởng vào sứ mệnh của thơ là hướng đến cái đẹp, những giá trị chân - thiện - mỹ ở thơ, như thứ phù sa âm thầm bồi đắp thiên lương, góp phần cải hóa xã hội”.

Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành

Trong dòng sông cảm xúc dâng đầy từ câu từ, tứ thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành vây bủa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tự nguyện vẽ 18 phụ bản minh họa cho tập thơ trong gần một năm trời. Nguyễn Quang Thiều mong muốn “các bức tranh in trong tuyển tập này như là một "chiếu nghỉ" cho mắt bạn đọc. Đó cũng là phát biểu về thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành bằng tranh của tôi, đặng phần nào giúp người đọc có thể nhìn thấy "Giấc mơ sông Thương" trong một màu sắc, hình khối, không gian của hội họa".

Tranh minh họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong tuyển tập "Giấc mơ sông Thương"

Sự cộng hưởng của hai người đã đưa những sáng tạo hội họa của Nguyễn Quang Thiều lên một tầm cao mới, được nhiều họa sĩ thừa nhận chứ không chỉ đóng vai trò là minh họa thơ.

Được biết, thời gian tới, Nguyễn Phúc Lộc Thành dự kiến sẽ xuất bản một trường ca với độ dài trên 1.500 câu thơ và thể loại anh chọn vẫn là... lục bát. Hy vọng, với những cách tân táo bạo của mình, anh sẽ thổi thêm những luồng sinh khí mới cho thể thơ này và ghi dấu ấn tên mình cùng với lục bát đương đại.

Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nguyen-phuc-loc-thanh--nguoi-la-hoa-luc-bat-d2057225.html