Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cảnh báo về tác động của chiến tranh thương mại với Việt Nam

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu rõ 4 tác động của cuộc chiến thương mại đối với Việt Nam.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Phát biểu tại tọa đàm giữa Trưởng các cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam sáng 10/8 tại Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng nhận định, ngoài cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thế giới hiện có một số cuộc chiến thương mại khác giữa Mỹ và các đồng minh (EU, Canada, Mexico), các nước phương Tây với Nga, Mỹ - Iran…

“Tình hình này đặt ra rất nhiều câu hỏi. Tính chất của cuộc chiến tranh này như thế nào? Nguyên nhân tại sao lại bùng phát như vậy và tác động của nó ra sao? Nên ứng phó thế nào?” - nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đặt vấn đề.

Theo nguyên Phó Thủ tướng,cuộc chiến thương mạihiện rộng về đối tượng, rộng về phạm vi và mạnh về biện pháp. Cuộc chiến trải rộng trên các lĩnh vực thương mại, tiền tệ, tài chính, chính trị, khoa học công nghệ và có những đòn rất mạnh.

Ngoài ra, còn có những dấu hiệu đáng lo ngại về chiến tranh tiền tệ mới manh nha. Về phạm vi, chiến tranh thương mại đã lan ra cả ở 3 lục địa lớn Á – Âu – Mỹ.

Trong lịch sử thế giới cận đại, có 3 cuộc chiến tranh thương mại: Pháp-Italia (những năm 50- 60 của thế kỷ 19), Mỹ - Cananda (những năm 70-90 thế kỷ 19), đại suy thoái 1929-1933. Đặc điểm đáng chú ý là trong đó 2 cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động.

Dự báo về các kịch bản có thể xảy ra với cuộc chiến thương mại hiện nay, ông cho rằng, khả năng ra đòn mạnh và đi đến thỏa hiệp nhiều hơn.

Nguyên Phó Thủ tướng dự báo về những tác động đến kinh tế thế giới: GDP thế giới giảm; sự xáo động về tiền tệ, rượt đuổi về tỷ giá; giá dầu lửa lên cao tác động mạnh tới giá cả; xáo trộn trong mối quan hệ giữa đối tác, thị trường và mặt hàng; thể chế, luật lệ đa phương... có thể bị điều chỉnh.

Ông cũng nêu rõ các tác động của cuộc chiến thương mại đối với Việt Nam.

Trước hết, theo nguyên Phó Thủ tướng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ quan tâm tới những vấn đề sát sườn mà không nghiên cứu tới chính sách. Đây là một thực trạng đáng lo ngại. Do đó, doanh nghiệp nên cử người có trình độ, thuê chuyên gia tư vấn để có thông tin vĩ mô, từ đó nắm bắt được sự chuyển dịch, diễn biến của kinh tế thế giới.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát các ngành hàng, các đối tác có liên quan đến lợi ích sát sườn của Việt Nam.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam phải đề phòng những động thái có thể đưa mũi nhọn tấn công vào thị trường để tránh nước ngoài dùng Việt Nam như một vùng trũng để tuồn hàng sang…

Nội dung thứ 4 được Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề cập là câu hỏi đặt ra cho Chính phủ, doanh nghiệp trong thời điểm này là phải kết bạn với ai, tập hợp lực lượng thế nào. Ông nhấn mạnh, "thế giới biến động, chúng ta cần phải hiểu nó và tìm ra các biện pháp ứng phó thích hợp”.

Theo Lao Động

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nguyen-pho-thu-tuong-vu-khoan-canh-bao-ve-tac-dong-cua-chien-tranh-thuong-mai-voi-viet-nam-d147809.html