Nguyên nhân và giải pháp điều trị chứng 'đái dầm' ở trẻ

Đái dầm là một hiện tượng khá phổ biến ở trẻ. Theo thuật ngữ y học, đó là sự mất kiểm soát bàng quang vào ban đêm.

Đây là một bệnh gây nhiều phiền toái nhưng hầu hết những đứa trẻ đều mắc chứng này, với tần suất ít hay nhiều.

Nguyên nhân:

Một số điều kiện thể chất và tâm lý nhất định có thể dẫn đến chứng đái dầm ở trẻ. Những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ đái dầm bao gồm:
- Bàng quang nhỏ ( khả năng chứa nước tiểu nhỏ)
- Ngưng thở khi ngủ (ngừng thở bất thường trong khi ngủ)
- Lo lắng & sợ hãi
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
- Táo bón.

Nguy cơ:

Giới tính và di truyền là một trong những yếu tố dẫn đến chứng đái dầm ở trẻ nhỏ. Cả bé trai và bé gái đều có thể bị đái dầm, thường ở độ tuổi từ 3-5. Tuy nhiên càng lớn, các bé gái có khả năng kiểm soát tốt hơn các bé trai.

Yếu tố gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng. Một đứa trẻ có nhiều khả năng mắc chứng đái dầm nếu cha mẹ, anh chị em hoặc những người thân yêu khác gặp vấn đề tương tự. Khả năng bé mắc chứng này lên đến 60-70% nếu cả cha và mẹ đều mắc chứng đái dầm khi còn nhỏ. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng các số liệu cho thấy chứng đái dầm cũng phổ biến hơn ở trẻ em bị chẩn đoán mắc chứng ADHD (Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý).

Kiểm soát chứng đái dầm
Một số thay đổi trong lối sống có thể giúp chấm dứt chứng đái dầm ở trẻ

Cần làm:
• Cho trẻ uống đủ nước trong ngày
• Đảm bảo con bạn đi vệ sinh thường xuyên, khoảng 5 đến 7 lần một ngày, kể cả trước khi đi ngủ
• Thưởng cho con bạn vì những hành động tích cực, chẳng hạn như một nhãn dán hoặc dấu sao cho mỗi lần chúng đi vệ sinh trước khi đi ngủ
• Sử dụng các tấm phủ chống thấm nước trên nệm và chăn
• Đảm bảo những đứa trẻ có thể dễ dàng đi vệ sinh vào ban đêm

Không nên làm:

• Phạt con bạn - đó không phải là lỗi của chúng và nỗi sợ hãi có thể làm cho chứng đái dầm trở nên tồi tệ hơn.
• Cho trẻ uống đồ uống có chứa caffeine, ví dụ như coca, trà và cà phê - điều này có thể khiến trẻ đi tiểu nhiều hơn.
• Thường xuyên đánh thức hoặc bế con trong đêm để đi vệ sinh - điều này có thể không tốt khi bé trưởng thành.

Hãy khuyến khích con bạn uống đủ nước cần thiết hàng ngày trước giờ ăn tối. Đi vệ sinh ngay trước khi đi ngủ để làm sạch bàng quang cũng rất hữu ích. Tuy nhiên, một sự việc căng thẳng xảy ra hàng ngày cũng có thể khiến trẻ bị đái dầm, ví dụ xung đột ở nhà trẻ hoặc trường học có thể khiến con bạn đái dầm hàng đêm. Các yếu tố khác có thể gây căng thẳng cho trẻ, bao gồm mẹ sinh thêm em bé, chuyển đến nhà mới hay thay đổi thói quen…

Hãy nói chuyện với con để hiểu cảm giác của chúng. Sự thấu hiểu và tình yêu của bạn có thể khiến con bạn có tâm trạng tốt hơn, giúp giảm nguy cơ đái dầm trong nhiều trường hợp. Mặc dù chứng đái dầm là bình thường ở trẻ nhỏ, nhưng hãy hỏi bác sĩ nhi khoa nếu con bạn trên 5 tuổi nhưng vẫn đái dầm vài lần mỗi tuần. Tuy nhiên, cũng đứng quá lo lắng vì tình trạng này có thể tự hết khi con bạn đến tuổi dậy thì./.

CTV Hoàng Danh/VOV.VN (biên dịch) Times of India

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/nguyen-nhan-va-giai-phap-dieu-tri-chung-dai-dam-o-tre-826162.vov