Nguyên nhân và cách phòng tránh đột quỵ não khi trời rét

Đột quỵ não được coi là một trong những bệnh nguy hiểm hàng đầu, thường gây tàn phế suốt đời, gây tử vong cao. Vì thế khi phát hiện những dấu hiệu này cần có ngay biện pháp đề phòng.

Nguyên nhân gây đột quỵ não trong mùa lạnh

Vào mùa lạnh, cơ thể sẽ tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, từ đó gây ra một loạt các nguy cơ dẫn đến đột quỵ như sau:

Hình thành cục máu đông: Mạch co là một nguyên nhân khiến máu chảy chậm lại. Ở những người lớn tuổi, mạch máu ghồ ghề thì máu dễ bị ứ đọng, hình thành cục máu đông, gây tắc mạch, đặc biệt là ở mạch máu não, gây đột quỵ.

Giãn mạch máu thụ động: Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi), do đó, dễ gây các biến chứng đứt mạch não.

Tăng huyết áp đột ngột: Mạch máu co dẫn đến huyết áp tăng cao đột ngột, áp lực vào thành mạch máu lớn khiến chúng bị vỡ, chảy máu ra ngoài. Những tổn thương trên xảy ra ở mạch máu não thì gọi là tai biến mạch máu não.

Đối tượng dễ bị đột quỵ não khi trời rét

Nguy cơ đột quỵ tăng 30% vào mùa lạnh (Ảnh minh họa)

Nguy cơ đột quỵ tăng 30% vào mùa lạnh (Ảnh minh họa)

Những người cao tuổi thường bị đột quỵ não: Khi nhiệt độ không khí xuống thấp, nguy cơ đột quỵ ở người già là rất cao do động mạch ở người già thường bị xơ cứng nên lưu lượng máu qua não giảm xuống rất thấp. Các chức năng khác của cơ thể cũng đã suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết.

Ngoài ra, người già còn thường mắc nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, xơ vữa động mạch, đái tháo đường.

Những người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch. Những người bị rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công.

Những dấu hiệu đột quỵ não

Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.

Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.

Ảnh minh họa

Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.

Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ

Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn

Người bị đột quỵ có thể có một vài dấu hiệu trên. Tùy thể trạng sức khỏe của mỗi người mà dấu hiệu đột quỵ khác nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng giống hệt đột quỵ nhưng chỉ xảy ra trong vòng vài phút. Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện, có thể là trong vòng vài ngày hoặc một tháng sắp tới.

Những dấu hiệu đột quỵ có thể đến và qua đi rất nhanh, cần lắng nghe cơ thể, khi thấy các dấu hiệu này xuất hiện cần chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra.

Cách ngăn ngừa đột quỵ mùa lạnh

Vào mùa lạnh, những người có khả năng thích nghi kém (đặc biệt là người già) phải luôn giữ ấm, đi ra ngoài cần đội mũ, quàng khăn, tránh bị thay đổi nhiệt độ phần đầu mặt cổ một cách đột ngột. Điều quan trọng nhất là cần giữ huyết áp ổn định, tránh áp lực cao lên thành mạch máu dẫn đến vỡ mạch, chảy máu ra ngoài.

Bên cạnh việc giữ ấm, mọi người cũng cần tránh những tác nhân xã hội như stress, căng thẳng, giữ cho tâm tĩnh, tinh thần thoải mái... thì huyết áp mới ổn định.

Không nên tắm và gội cùng một lúc. Trước khi tắm nên chuẩn bị sẵn khăn bông khô, quần áo sạch để tắm xong lau khô người và mặc quần áo ấm luôn, tránh nhiễm lạnh. Gội đầu xong cần lau khô tóc ngay và sấy luôn cho ấm. Khi mới tắm hoặc gội đầu xong, tránh đứng nơi có gió lùa, tránh ra ngoài.

Khi vừa thức giấc, không nên ngồi lên ngay mà cần vận động nhẹ nhàng vài phút rồi hãy ngồi dậy. Mặc ấm trước khi ra khỏi giường.

Cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh bia rượu, thuốc lá…

Nên duy trì chế độ ăn giàu chất xơ, uống đủ nước và giữ thói quen đi vệ sinh đều đặn để tránh táo bón. Khi bị táo bón, tránh gắng sức rặn (nhiều người cao tuổi do rặn quá sức mà đã bị tai biến mạch máu não).

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nguyen-nhan-va-cach-phong-tranh-dot-quy-nao-khi-troi-ret-d165245.html