Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ theo ý kiến chuyên gia

Để khắc phục chứng khó ngủ ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần kiên trì, hiểu nhịp sinh học của con và tuần tự tập cho con khung giờ ngủ cố định.

Tại sao trẻ sơ sinh khó ngủ?

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh trong những năm đầu đời đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Những em bé khó ngủ và có số giờ ngủ ít hơn bình thường sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang.

Trẻ sơ sinh khó ngủ là nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh – Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh) đã chỉ ra những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ như: Trẻ sơ sinh có thể bị đói, chưa bú đủ nhu cầu, chưa cân bằng được lượng sữa và thức ăn hợp lý trong giai đoạn ăn dặm. Nhiệt độ, âm thanh và ánh sáng trong phòng ngủ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, trạng thái phấn khích khi vui chơi gần giờ ngủ cũng có thể khiến bé khó vào giấc.

Trường hợp trẻ sơ sinh bú và tăng trưởng bình thường mặc dù số giờ ngủ ít, cha mẹ không cần quá lo lắng. Không nên so sánh trẻ này với trẻ khác vì biểu hiện giấc ngủ ở mỗi trẻ hoàn toàn khác nhau. Sự bất thường trong giấc ngủ ở trẻ là tạm thời và sẽ thay đổi khi trẻ lớn lên, bác sĩ Hoàng Anh cho biết.

Có nhiều nguyên nhân tác động khiến trẻ sơ sinh khó ngủ - Ảnh minh họa: Internet

Những trẻ dưới 5 tháng tuổi chậm tăng trưởng, sinh thiếu tháng, nhẹ cân cần có đánh giá chuyên khoa từ bác sĩ nhi và bác sĩ dinh dưỡng. Cha mẹ tuyệt đối không bổ sung các thuốc uống giúp trẻ ngủ ngon mà không có chỉ định từ bác sĩ.

Cha mẹ cần làm gì nếu trẻ sơ sinh khó ngủ?

Trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi bị thiếu ngủ có thể hình thành thói quen xấu, kéo dài đến khi trẻ được 7 – 8 tháng tuổi. Vì vậy, theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh khi trẻ sơ sinh khó ngủ, cha mẹ có thể làm theo các bước sau:

Bước 1: Tạm ngưng mọi hoạt động vui chơi cách ít nhất 2 tiếng trước giờ ngủ của bé.

Bước 2: Cho bé vào phòng cách giờ đi ngủ 1 tiếng, cha mẹ cần lưu ý không bế bé đi vòng vòng hoặc ru bé trên vai.

Bước 3: Nếu bé bú sữa mẹ, hãy dành ít nhất 20 phút tương tác da kề da với con. Nếu bé uống sữa công thức, mẹ hãy chơi cùng bé ít nhất 20 phút, hãy cho bé bú ở tư thế nằm.

Bước 4: Mẹ quan sát khi nào bé bắt đầu bú đủ, không nên để bé bú quá no, ngủ ngay trên ti mẹ. Khi bắt đầu bú đủ nhu cầu, mẹ hãy ngắt ti và chuyển bé vào cũi hoặc dỗ bé ngủ.

Cha mẹ hãy kiên nhẫn làm tuần tự các bước giúp trẻ ngủ ngon hơn - Ảnh minh họa: Internet

Nếu khó ngủ, thức giấc trong đêm, cha mẹ cần thực hiện theo hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu tiên: Khi bé vừa thức giấc, hãy để bé tự điều chỉnh trong vòng 2 – 3 phút. Nếu bé khóc nhiều hơn thì cha mẹ hãy xuất hiện trước mặt bé, không mở đèn sáng hơn, không nói chuyện, chỉ cần cho bé biết có cha mẹ bên cạnh. Nếu bé khóc nhiều hơn, cha mẹ hãy kiểm tra bỉm và mọi thứ xung quanh bé. Bé vấn tiếp tục khóc mẹ mới cần vỗ về (bé dưới 5 tháng tuổi có thể cho bé ti, bé trên 5 tháng tuổi quan sát bé có đòi ti mẹ không).

Trẻ sơ sinh khó ngủ ban đêm cần được thiết lập lại khung giờ sinh hoạt - Ảnh minh họa: Internet

Giai đoạn tiếp theo (chỉ áp dụng cho trẻ trên 5 tháng tuổi): Mẹ hãy để bé nằm xuống. Nếu bé thức giấc, mẹ hãy vỗ nhẹ để bé ngủ. Nếu bé không ngủ mà cũng không quấy khóc, mẹ không cần vỗ bé. Hãy để yên từ 3 – 5 phút, lúc này mẹ không để bé nhìn thấy, hãy đứng cạnh nôi quan sát bé. Sau đó mẹ tiếp tục cho bé ngủ lại. Nếu bé vẫn thức, mẹ lại ra ngoài khoảng 3 – 5 phút. Liên tục thực hiện từ 3 – 4 lần. Nếu bé vẫn chưa chịu ngủ, mẹ hãy cho bé bú và tập luyện cho đêm tiếp theo.

Hồng Ngân

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-tinh-trang-tre-so-sinh-kho-ngu-theo-y-kien-chuyen-gia-c21a291518.html