Nguyên nhân thật khiến Nga chưa thể hoàn thiện Su-57

Dù Nga đã tuyên bố chưa hoàn thiện Su-57 do tài chính nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, công nghệ chưa tới tầm chính là nguyên nhân làm khó Nga.

Khi nói về nguyên nhân khiến Nga chưa sản xuất tiêm kích tàng hình Su-57 với số lượng lớn, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết: "Chúng tôi không có kế hoạch sản xuất số lượng lớn tiêm kích Su-57.

Việc chế tạo hàng loạt chiến đấu cơ thế hệ 5 không có ý nghĩa vào lúc này bởi ngân sách và nó chỉ xảy ra khi tiêm kích thế hệ 4 của Nga lạc hậu so với phương Tây".

Tiêm kích Su-57 thử nghiệm với động cơ Izdeliye 30.

Tiêm kích Su-57 thử nghiệm với động cơ Izdeliye 30.

Nguyên nhân cho sự chậm trễ này đã được Nga nói khá rõ ràng, tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, những vướng mắc về công nghệ hoàn thiện động cơ thế hệ mới Izdeliye 30 và radar N036 mới chính là vấn đề đang kéo dài thời điểm sản xuất loạt và máy bay Su-57 của Không quân Nga.

Nguồn tin này cho biết, Izdeliye 30 được đánh giá vượt trội hơn hẳn động cơ AL-41F hiện đang được trang bị tạm thời trên máy bay PAK FA và là động cơ được sử dụng trong giai đoạn I của việc thử nghiệm PAK FA.

Đối với động cơ Izdeliye 30 có lực đẩy ở chế độ chưa tăng lực là 11000 kgf trong khi đó động cơ AL-41F chỉ 8800 kgf. Lực đẩy ở chế độ tăng lực của động cơ Izdeliye 30 là 19000 kgf còn của AL-41F chỉ 15000 kgf.

Ngoài ra, động cơ mới có những ưu điểm tốt hơn như có độ tin cậy cao hơn, tiêu hao nhiên liệu ít hơn, giảm được chí phí vấn hành và thời gian sửa chữa. Chính vì vậy, Bộ Quốc phòng Nga dự kiến chỉ sản xuất Su-57 với loại động cơ AL-41F số lượng ít, khoảng 12 chiếc.

Sau khi loại động cơ thế hệ mới này hoàn thành và trang bị trên Su-57 Bộ Quốc phòng Nga sẽ mua với số lượng lớn. So với động cơ sử dụng trên F-22 của Mỹ rõ ràng những chỉ số của Izdeliye 30 hơn hẳn. Cụ thể động cơ F-119 PW-100 trên F-22 có lực đẩy tối đa khi chưa tăng lực là 10500 kgf và sau tăng lực là 15900 kgf.

Loại động cơ này của Mỹ chỉ tương đương với loại động cơ AL-4F-1S - phiên bản cải tiến sâu của động cơ AL-3F và hiện được trang bị chủ yếu trên dòng máy bay Su của Nga. Chính vì vậy các dòng máy bay Su-35 và Su-35S được đánh giá không thua kém gì các tiêm kích thế hệ thứ 5 của Mỹ.

Dù mang trong mình sức đẩy vượt trội nhưng hiện chưa có tín hiệu nào cho thấy, Nga đã hoàn thiện được Izdeliye 30 ngoài một số cuộc thử nghiệm hồi cuối năm 2017 và đầu năm 2018.

Không chỉ gặp vấn đề về động cơ, chương trình Su-57 của Nga hiện vẫn chưa hoàn thiện được radar N036 - sản phẩm công nghệ cao được phát triển riêng cho tiêm kích thế hệ 5. Theo những thông tin từ nhà sản xuất, Su-57 được trang bị tổ hợp vô tuyến điện tử đa năng tích hợp (MIRES) Sh121, gồm radar N036 Byelka và hệ thống tác chiến điện tử L402 Himalayas.

Bản thân N036 không phải một đài radar đơn lẻ, nó được cấu thành từ radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) N036-1-01 ở mũi máy bay, cùng 4 cụm radar N036B-1-01 và N036L-1-01 ở hai bên sườn và diềm trước cánh của tiêm kích Su-57.

Chuyên gia phân tích Justin Bronk tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh nhận định: "Đây là cấu hình radar rất sáng tạo và tiên tiến, cho phép Su-57 mở rộng tầm theo dõi mục tiêu, nhất là với những tiêm kích tàng hình của đối phương".

Ngoài việc tăng cường phạm vi cảnh giới của Su-57, cấu hình radar N036 cho phép tiêm kích này thực hiện chiến thuật "beaming" (chiếu tia) hiệu quả hơn mọi loại chiến đấu cơ khác.

Khi thực hiện chiến thuật beaming, chiến đấu cơ thường duy trì đường bay vuông góc so với mũi phi cơ đối phương, nhằm đánh lừa các loại radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực dùng nguyên lý xung Doppler trên máy bay địch.

Ở góc này, vận tốc tương đối của tiêm kích so với radar đối phương là rất nhỏ, khiến các cảm biến trên máy bay địch coi tiêm kích là "nhiễu địa vật", chẳng hạn như đỉnh núi hoặc chim trời, và ngừng theo dõi. Điểm yếu khi máy bay thực hiện chiến thuật này là nó cũng không bám bắt được đối phương, do radar trên mũi chĩa về hướng khác.

Nhược điểm này được khắc phục triệt để nhờ cụm radar gắn dọc sườn và diềm cánh Su-57, cho phép nó liên tục theo dõi mục tiêu trong nhiều điều kiện khác nhau, không phụ thuộc vào góc giữa hai phi cơ.

Tuy nhiên, cũng giống như Izdeliye 30, việc làm chủ công nghệ để hoàn thiện hệ thống radar N036 hiện vẫn đang thách thức Nga. Và chính Moscow vẫn chưa thể khẳng định được thời điểm hoàn thiện cả cặp đôi Izdeliye 30 và radar N036 này.

Clip Su-57 thử nghiệm với cặp động cơ Izdeliye 30

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nguyen-nhan-that-khien-nga-chua-the-hoan-thien-su-57-3362042/