Nguyên nhân sâu xa khiến Thân Công Báo cãi mệnh, phò Thương diệt Chu

Vốn là đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thân Công Báo có một tư tưởng rất táo bạo, không chấp nhận cái gọi là 'số trời đã định' như những người tu hành khác.

Phong thần diễn nghĩa là bộ tiểu thuyết chương hồi mang đậm tính huyền sử của Trung Quốc. Bộ truyện lấy bối cảnh chiến tranh Thương – Chu. Trong Phong thần diễn nghĩa, Thân Công Báo và Khương Tử Nha là huynh đệ đồng môn, cùng bái sư học đạo của Nguyên Thủy Thiên Tôn.

Tuy sở hữu vẻ ngoài tiên phong đạo cốt thế nhưng Thân Công Báo lại mang trong mình một trái tim nhỏ nhen, đố kỵ. Thân Công Báo cho rằng Khương Tử Nha đạo thuật không bằng mình, lại được đi phong Thần, còn y thần thông quảng đại, tại sao không được đi? Chính vì cái tâm này, Thân Công Báo bắt đầu giễu cợt Khương Tử Nha.

Ghen ghét với Khương Tử Nha được sư phụ trao trọng trách phân định Phong Thần bảng, Thân Công Báo đã rắp tâm phá hoại.

Ghen ghét với Khương Tử Nha được sư phụ trao trọng trách phân định Phong Thần bảng, Thân Công Báo đã rắp tâm phá hoại.

Theo Phong thần diễn nghĩa, khi biết Nguyên Thủy Thiên Tôn phái Khương Tử Nha đi phù Chu diệt Thương và phong Thần, Thân Công Báo vô cùng đố kỵ.

Ông ta hỏi Khương Tử Nha: “Ông muốn giúp ai?”.

Khương Tử Nha trả lời: “Tôi muốn giúp Võ Vương diệt Trụ Vương, chính là ứng với thiên tượng. Võ Vương đức sánh Nghiêu – Thuấn, nhân hợp lòng Trời. Trụ Vương vô Đạo, hơn nữa khí số Thành Thang đã ảm đạm, chỉ truyền đến đây rồi hết”.

Thân Công Báo nói: “Tôi lại muốn giúp Thành Thanh, phò tá Trụ Vương. Ông muốn phò tá nhà Chu, tôi sẽ phá ông”.

Khương Tử Nha nói: “Sư đệ nói gì vậy? Mệnh lệnh của sư tôn, sao dám trái lại? Hơn nữa đã là mệnh Trời thì con người nào dám trái nghịch!”.

Thân Công Báo nổi giận: “Khương Tử Nha, cứ xem ông giúp nhà Chu đi, ông có được bao nhiêu bản lĩnh? Đạo hạnh bất quá cũng chỉ bốn chục năm mà thôi! Ông sao có thể sánh được với tôi, đầu lấy xuống ném đi rồi lại quay về trên cổ, vẫn hoàn toàn lành lặn như trước. Còn ông, ông có tài năng gì mà dám giúp nhà Chu diệt Trụ?”.

Nói rồi, Thân Công Báo hậm hực bỏ đi.

Theo quan điểm của Thân Công Báo, “khí số” hay “thiên mệnh” chẳng qua chỉ là lời mị hoặc gạ gẫm của những giáo hệ độc tài muốn tác oai tác quái trên thế gian. Cũng như theo y thì tà đạo hay chính đạo thì đều là đạo cả.

Chính vì những tư tưởng như vậy, Thân Công Báo đã cãi số mệnh, phò nhà Thương diệt nhà Chu. Sau này Thân Công Báo luôn tỏ ra chống đối, đã nhiều lần kích động tiên nhân của tam sơn ngũ nhạc làm hại Khương Tử Nha.

Thân Công Báo muốn nghịch thiên cải mệnh, nhưng cuối cùng thất bại.

Trong suốt tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa, Thân Công Báo rất ít khi xuất đầu lộ diện mà thường đứng sau giật dây các kỳ nhân dị sĩ, khích tướng, đặt điều gièm pha, xui khiến các nhân vật khác đến phò Thương đánh Tây Kỳ.

Nguyên Thủy Thiên Tôn biết được, bèn lệnh cho Hoàng Cân Lực Sỹ đem Thân Công Báo đè dưới vách núi Kỳ Lân. Thân Công Báo xin tha tội, thề với Nguyên Thủy Thiên Tôn rằng: “Đệ tử nếu còn sai tiên gia ngăn cản Khương Tử Nha, đệ tử nguyện đem thân mình lấp mắt biển”. Lúc ấy Nguyên Thủy Thiên Tôn mới thả Thân Công Báo ra.

Nhưng Thân Công Báo không hối lỗi tỉnh ngộ, lại tiếp tục ly gián, khiến Thông Thiên Giáo Chủ bày Vạn Tiên trận để đối phó với Khương Tử Nha, tạo thành khó khăn cực lớn cho đại nghiệp Võ Vương phạt Trụ.

Sau trận Vạn Tiên, khi mọi kế hoạch của Thân Công Báo đều thất bại, hắn bị Nguyên Thủy Thiên Tôn bắt trói và đem dìm xuống Bắc Hải. Linh hồn Thân Công Báo lên bảng Phong Thần, được phong làm Phân Thủy Tướng Quân, lo cai quản các dòng nước nóng lạnh hai mùa ở Đông Hải.

Quốc Tiệp (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguyen-nhan-sau-xa-khien-than-cong-bao-cai-menh-pho-thuong-diet-chu-a494807.html