Nguyên nhân nhiều công nhân vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông bỏ việc

Khoảng 28% trong gần 1.000 nhân viên được đào tạo để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bỏ việc, vì dự án chưa thể hoạt động.

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND khóa XV ngày 15/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đã dành nhiều thời gian trả lời các câu hỏi của cử tri về các vấn đề của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Theo Chủ tịch Thành phố, hiện nay Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã đào tạo gần 1.000 nhân viên để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, do dự án nhiều lần chậm tiến độ khiến cho 28% trong số gần 1.000 công nhân của dự án đã bỏ việc. Điều này làm cho Thành phố gặp rất nhiều khó khăn.

28% trong số gần 1.000 công nhân đào tạo để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bỏ việc.

28% trong số gần 1.000 công nhân đào tạo để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã bỏ việc.

Trưa cùng ngày, ông Chung đã làm việc với Phó giám đốc Công ty đường sắt 6 Trung Quốc (nhà thầu thi công) và Trưởng ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Trung Quốc để tìm cách tháo gỡ những khó khăn.

Theo Chủ tịch thành phố, dự án này còn bốn vấn đề lớn chưa được giải quyết. Thứ nhất là việc đánh giá, nghiệm thu về an toàn của Hội đồng nghiệm thu nhà nước. Để phục vụ nội dung này, phía Việt Nam đã đồng ý cho Công ty đường sắt 6 Trung Quốc cung cấp tài liệu liên quan chứng minh nguồn gốc, xuất xứ toàn bộ thiết bị theo tiêu chuẩn Trung Quốc, nhưng đến nay tổng thầu chưa cung cấp đầy đủ.

Thứ hai là dự án phải được kiểm toán. Trong buổi làm việc với tổng thầu trưa ngày 15/11, Chủ tịch Hà Nội đã nêu rõ quan điểm dự án được tiến hành ở Việt Nam phải chấp hành theo pháp luật của Việt Nam, "cơ quan kiểm toán Việt Nam hoàn toàn có quyền và tổng thầu phải giải trình".

Vấn đề thứ ba, tổng thầu phải phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành việc cung cấp các trang thiết bị theo đúng nội dung hợp đồng đã ký. Cuối cùng, tổng thầu phải khắc phục những kiến nghị của kiểm toán đã nêu, từ khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng đến thi công.

Liên quan đến vấn đề kiểm toán dự án, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định quan điểm là bất kể dự án đầu tư FDI hay dự án vốn ODA của nước nào thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, đều phải chấp hành theo pháp luật Việt Nam. Do vậy, các cơ quan kiểm toán Việt Nam hoàn toàn có quyền kiểm toán, và đơn vị liên quan "có quyền trình tài liệu, chứ không thể nói không" với cơ quan chức năng.

Còn những vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ các thiết bị của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, theo ông Nguyễn Đức Chung, các bộ ngành liên quan đang yêu cầu tổng thầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải cung cấp theo nội dung hợp đồng đã ký.

Với dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết chậm nhất đến tháng 5/2020, đoàn tàu thứ nhất sẽ được bàn giao tại Việt Nam. Thành phố dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đưa vào vận hành 8 km trên cao, tuyến đường sắt này. Đến quý II năm 2021 sẽ vận hành nốt 4 km đi ngầm.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Khởi công tháng 10/2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014, một năm sau chính thức khai thác, tuy nhiên sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6/2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2/2017. Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng), dự án lùi đến tháng 10/2017, rồi đến tháng 2/2018, cuối năm 2018.

Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019 nhưng tiếp tục lỡ hẹn.

H.A (TH)

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/nguyen-nhan-nhieu-cong-nhan-van-hanh-duong-sat-cat-linh-%E2%80%93-ha-dong-bo-viec-47924.html