Nguyên nhân nào khiến chức năng phổi của trẻ em thành phố kém hơn trẻ ở nông thôn?

Số ngày nằm viện của trẻ dài hơn, tỉ lệ người mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cao hơn, số người tử vong cũng nhiều hơn… ở những nơi có không khí ô nhiễm

Chức năng phổi của trẻ em thành phố kém hơn nông thôn

Ngày 23/8, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị tập huấn cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên và cán bộ tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường không khí tại Vĩnh Phúc.

Theo TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế cộng đồng, Bộ Y tế, cơ chế ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, có hai cơ chế được tán thành, bao gồm phản ứng viêm (inflammation), ứng kích oxy hóa (oxidative stress) với các độc tố trong các thành phần trong chất ô nhiễm.

Đối với phản ứng viêm, chất ô nhiễm không khí có thể kích hoạt phản ứng của cytokin (một dạng tế bào truyền tin trong hệ thống miễn dịch) và hoạt hóa phản ứng viêm để cơ thể chống lại những tác nhân ngoại lai. Phản ứng viêm này được đặc trưng bởi một số triệu chứng gồm sưng, nóng, đỏ, đau. Mặc dù là cơ chế bảo vệ, nhưng phản ứng viêm quá mức cũng có thể gây ra một số bệnh, đặc biệt liên quan đến hệ hô hấp như viêm phổi hay bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD).

TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế cộng đồng, Bộ Y tế trình bày tại hội thảo sáng 23/8.

TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế cộng đồng, Bộ Y tế trình bày tại hội thảo sáng 23/8.

Đối với ứng kích oxy hóa, các chất ô nhiễm không khí gồm các thành phần có chứa nhiều gốc tự do (free radicals). Sau khi xâm nhập vào cơ thể, các chất này có thể tác động đến tế bào bằng cách lấy đi những electron (những hạt mang điện tích âm) của các hợp chất trong cơ thể người, dẫn đến một số phản ứng viêm.

Ô nhiễm không khí có thể tác động ngắn hạn hoặc dài hạn lên sức khỏe. Đối với ngắn hạn, những tác động này có thể xảy ra sau khi phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn (khoảng vài ngày hoặc vài giờ). Ngược lại, phơi nhiễm trong khoảng thời gian dài cũng có thể tác động lên sức khỏe sau khoảng một hoặc nhiều năm.

"Các nghiên cứu cho thấy, chức năng phổi của trẻ em ở thành phố kém hơn trẻ em nông thôn rất nhiều. Các bệnh liên quan đến tiểu đường, tim mạch, huyết áp ở người lớn… có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí liên quan đến phát triển của thai nhi, sinh non. Bà mẹ hít khí bụi, khí gas trong thời kỳ mang thai khiến thai nhi bị ảnh hưởng về khả năng nhận thức, học tập", TS Nhung cho biết.

Toàn cảnh hội thảo tập huấn về bảo vệ môi trường không khí cho phóng viên, nhà báo sáng 23/8.

Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Ảnh hưởng Sức khỏe (Health Effect Institute), tuổi thọ trung bình của dân số trên toàn cầu giảm khoảng 1,8 năm do ô nhiễm không khí; khoảng 1,0 năm do ô nhiễm bụi PM2.5 xung quang; 0,7 năm do ô nhiễm bụi PM2.5 trong nhà và 0,07 năm do ô nhiễm Ozone (15).

TS Nhung chia sẻ thông tin, nghiên cứu cho thấy năm 2019 ở Hà Nội, ô nhiễm không khí làm gia tăng trẻ mắc hô hấp ở trẻ em Hà Nội từ 1-3 ca/ngày. Sự gia tăng của ozon làm số ngày nằm viện kéo dài ở trẻ em tăng lên. Đối với người trưởng thành, việc gia tăng ô nhiễm không khí làm gia tăng người nhập việc bệnh tim mạch và bệnh phổi, phế quản mãn tính, chiếm khoảng 1,2% tổng số ca nhập viện vì bệnh này.

Gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong do PM 2.5 tại Hà Nội năm 2019 cho thấy, mỗi năm có khoảng gần 2900 ca tử vong do ô nhiễm không khí. Đáng nói, nồng độ PM2.5 ở Hà Nội cao hơn, số ca tử vong vì ô nhiễm không khí cao hơn 52,4% so với các nước khác.

Làm gì để bảo vệ sức khỏe?

TS Nhung cũng cho biết, khi đánh giá tác động ô nhiễm không khí lên tử vong cho 11 tỉnh cho thấy, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nam đang là những tỉnh có gánh nặng bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí lớn nhất. Đặc biệt là Bắc Ninh là địa phương có cảnh báo màu tím, bị tác động rất lớn bởi ô nhiễm không khí, sau đó đến Hà Nội, Thái Bình.

Một trong những biện pháp hiệu quả để phòng tránh ô nhiễm không khí trong nhà là sử dụng máy lọc không khí. Các máy này, thường được sử dụng trong các tòa nhà, có khả năng lọc các loại bụi và khí gas.

"Đặc biệt đối với các trẻ bị hen, những ngày ô nhiễm không khí lên cao, để không phát cơn hen thì cha mẹ có thể sử dụng máy lọc không khí", TS Nhũng khuyên.

Đối với lọc bụi, các loại máy lọc ô nhiễm không khí thường sử dụng hai công nghệ chính là màng lọc và điện tích. Trong khi các loại máy sử dụng màng lọc làm sạch không khí bằng cách luân chuyển không khí qua các lưới lọc với các mắt lưới nhỏ, các loại máy sử dụng công nghệ điện tích (hoặc ion-hóa) làm sạch bằng cách tĩnh điện từ trường, khiến các hạt bụi dính vào các bề mặt và có thể làm sạch thủ công (như lau hoặc quét dọn).

Theo TS Nhung, sử dụng khẩu trang là một trong những biện pháp làm giảm mức độ phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ở cấp độ cá nhân. Một số những loại khẩu trang đạt chuẩn được sử dụng trên thế giới bao gồm N95 tại Hoa Kỳ, KN95 tại Trung Quốc và FFP2 tại các quốc gia Châu Âu. Khác với các loại khẩu trang thông thường, các loại khẩu trang này được trang bị với màng lọc (có thể loại bỏ hơn 95% các tạp chất trong không khí và ngăn chặn các hạt bụi nhỏ tới 0,3 micron) và được thiết kế để khít với mặt.

Ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn làm gia tăng các bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch.

Về chính sách, các phương pháp phòng hộ cá nhân không đươc khuyến khích sử dụng bởi trách nhiệm xã hội không phải là người dân. Nhà nước phải kiểm soát nguồn thải. Các khẩu trang N95 có giá cao, có giá khoảng 20.000 đồng/chiếc. Có thể sử dụng tối đa khoảng 3 lần. Số tiền sử dụng khẩu trang cho hàng triệu người là vô cùng lớn.

Ở góc độ quản lý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1973/QĐ-TTg về phê duyệt "Kế hoạch quốc gia về quản lý môi trường không khí giai đoạn 2021-2025". Trong đó, vai trò và trách nhiệm được phân về các bộ với Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý môi trường không khí cấp tỉnh, đồng thời bổ sung và sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường liên quan đến môi trường không khí. Bên cạnh đó, các bộ ban ngành khác hỗ trợ bằng cách kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ do Bộ quản lý.

Song hành cùng các kế hoạch hành động, nhiều quốc gia đã ban hành các chính sách can thiệp tập trung vào giảm lượng phát thải tại nguồn, đặc biệt là đối với các nguồn tiêu thụ than đá và giao thông.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//khong-khi-o-nhiem-tan-pha-suc-khoe-the-nao-169220823114322658.htm