Nguyên nhân khiến phi đội Su-30MKM thê thảm

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Sabu Mohamed vừa tiết lộ tình trạng thê thảm của phi đội tiêm kích Su-30MKM và MiG-29 của Không quân nước này.

Ông Sabu Mohamed tuyên bố trước truyền thông: "Hiện nay chỉ có 4 tiêm kích Su-30MKM trong tình trạng hoạt động tốt và 14 chiếc còn lại đang chờ sửa chữa, trong khi phi đội gồm 10 chiến đấu cơ MiG-29 không thể vận hành".

Nguyên nhân khiến phi đội chiến đấu cơ gốc Nga lâm vào tình trạng bi thảm này do nước này không đủ sức bảo dưỡng kỹ thuật cho các chiến đấu cơ mua từ Nga. Trong khi đó, Kuala Lumpur lại vừa chấm dứt đại tu máy bay với một nhà thầu được chính quyền cựu thủ tướng Najib Razak lựa chọn.

Tiêm kích Su-30MKM.

Để thoát khỏi tình trạng thê thảm này, Không quân Malaysia đang phải gấp rút tìm kiếm giải pháp nội địa để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cho phi đội tiêm kích Su-30MKM.

Theo phân tích của Tạp chí National Interest, trong các phiên bản Su-30 được Nga ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài (trước năm 2014) phiên bản Su-30MKM của Malaysia sở hữu sức mạnh toàn diện nhất.

Su-30MKM là biến thể của tiêm kích Su-30MK xuất khẩu cho Không quân Hoàng gia Malaysia. Sukhoi đã thiết kế Su-30MKM hoàn toàn dựa trên biến thể Su-30MKI xuất khẩu cho Không quân Ấn Độ, thậm chí còn bổ sung thêm một số tính năng công nghệ từ Su-35 và Su-37.

Vì lẽ đó, Su-30MKM có thể coi là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với tính cơ động, hệ thống radar vượt trội so với các biến thể Su-30MK. Điều làm nên sự cơ động vượt trội so với Su-30MK2 đó là Su-30MKM thiết kế với cặp cánh mũi cho phép tiêm kích này cơ động hơn trong các tình huống không chiến tầm gần.

Bên cạnh đó, Su-30MKM còn trang bị động cơ tuốc bin phản lực AL-31FP có khả năng phụt chỉnh hướng. Nghĩa là vòi phun của động cơ có khả năng di chuyển lên xuống. Sự kết hợp cánh mũi cùng động cơ phụt chỉnh hướng giúp Su-30MKM trở nên vượt trội về tính cơ động, linh hoạt trong các cuộc không chiến.

Điểm thứ 2, Su-30MKM trang bị hệ thống radar mạng pha điện tử bị động NIIP N011M BARS có tầm trinh sát xa đến 400km, theo dõi ở cự ly 200km ở bán cầu trước hoặc 60km ở bán cầu sau trong chiến đấu không đối không (bám bắt cùng lúc 15 mục tiêu và dẫn hướng tên lửa diệt 4 mục tiêu).

Trong chế độ không đối đất/đối hải, nó có thể phát hiện nhóm xe tăng ở cự ly 40-50km hoặc tàu khu trục ở cự ly 80-120km. Tính năng của N011M BARS vượt trội hoàn toàn radar N001 VEP trên Su-30MK. Ngoài radar, hệ thống điện tử hàng không của Su-30MKM có nhiều khác biệt với biến thể Su-30MK trong khu vực.

Theo đó, Su-30MKM không hoàn toàn dùng hàng Nga mà pha trộn cả hàng Pháp, Nam Phi gồm: hệ thống định vị hồng ngoại nhìn phía trước NAVFLIR và thiết bị chỉ thị mục tiêu lade của Pháp; cảm biến cảnh báo tên lửa và cảm biến cảnh báo laser của Nam Phi cung cấp.

Về hệ thống vũ khí, Su-30MKM cũng có tải trọng và số giá treo tương tự Su-30MK, cùng với đó là chủng loại vũ khí. Tuy nhiên, Su-30MKM có khả năng mang được thêm “hàng khủng” trong tác chiến không đối không, tên lửa không đối không tầm siêu xa Novator KS-172 AAM-L đạt tầm bắn xa tới 300-400km, dùng đầu tự dẫn radar chủ động pha cuối.

Và điều đặc biệt là Malaysia đã bẻ khóa thành công Su-30MKM để trang bị bom GBU-12 nhập khẩu từ Mỹ - vũ khí phi tiêu chuẩn trên dòng tiêm kích Nga sản. Đây chính là điều tạo nên sự đặc biệt đầy sức mạnh của phi đội 18 chiếc Su-30MKM của Malaysia.

Clip Su-30MKM phô diễn khả năng cơ động đỉnh cao

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nguyen-nhan-khien-phi-doi-su-30mkm-the-tham-3362880/