Nguyên nhân Israel tung đòn hiểm từ Địa Trung Hải

Thay vì không kích từ hướng Lebanon, hôm 20/1, Israel đã bất ngờ tung đòn đánh vào Syria từ Địa Trung Hải với những toan tính riêng.

Toan tính của Israel

Trang Southfront dẫn nguồn tin quân sự Syria cho biết, cuộc không kích của Israel vào khu vực sân bay quốc tế Damascus diễn ra vào đầu giờ chiều 20/1. Tham gia chiến dịch tấn công này có 4 chiếc F-16I.

Tuyên bố của phòng không Syria cho biết, dù khá bất ngờ từ hướng tấn công của Israel nhưng lực lượng này vẫn kịp phản ứng và bắn hạ được tổng cộng 7 quả tên lửa do tiêm kích Israel phóng đi. Tuy nhiên không rõ phía Tel Aviv đã phóng bao nhiêu tên lửa.

Phòng không Syria đánh trả cuộc không kích của Israel chiều 20/1.

Theo tiết lộ của phòng không Syria, vũ khí thực hiện vụ đánh chặn này là những hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2. Lý giải nguyên nhân Israel bất ngờ đổi hướng tấn công vào Syria (từ phía Lebanon quen thuộc sang đòn đánh từ hướng Địa Trung Hải), tờ Arab News cho rằng, sự thay đổi của Israel có liên quan đến trận địa phòng không Nga, trong đó bao gồm cả hệ thống S-300 được đặt gần Tartus hồi tháng 10/2018.

Với tầm bắn xa hàng trăm km, việc đặt S-300 ở gần căn cứ này hoàn toàn có thể bao quát vùng không phận rộng lớn trên đất liền, trên biển và đặc biệt việc triển khai này có thể giúp vô hiệu đòn tấn công bằng đường không từ hướng biển nhằm vào Syria.

Dù chưa một lần thực chiến nhưng sức mạnh của hệ thống S-300 tại Syria khiến Israel không thể xem thường và đang tích cực tìm cách đối phó.

Được biết, ngay sau khi Nga đưa S-300 đến Syria, Bộ trưởng Hợp tác khu vực Israel Tzachigb Hanei đã tuyên bố, với chiến thuật bay thấp và bay men theo địa hình, Israel tin rằng sẽ khiến hệ thống tên lửa S-300 Syria trở thành vô dụng.

Nếu Syria bố trí hệ thống này ở phía nam gần thủ đô Damascus, họ có thể bao quát được Địa Trung Hải, một phần không phận Israel và hầu hết không phận Lebanon, nơi máy bay Israel thường xuất hiện để phóng tên lửa tấn công sâu trong lãnh thổ Syria.

Nhưng từ vị trí này, hệ thống S-300 khó lòng bao phủ được các khu vực ở miền bắc, gồm cả những địa điểm Israel từng tấn công và dẫn tới vụ trinh sát cơ Il-20 Nga bị phòng không Syria bắn nhầm. Ngoài ra, S-300 được tối ưu để tiêu diệt các mục tiêu bay cao từ khoảng cách xa và không bị địa hình cản trở.

Lợi dụng điểm yếu này, tiêm kích Israel có thể bay thấp, men theo địa hình đồi núi ở miền nam Syria để che giấu hướng tiếp cận. Các tổ hợp S-300 cũng không thể bắn hạ những máy bay Israel khi chúng mới cất cánh và thực hiện kiểu bay khó như vậy.

Và tính toán của phía Israel càng hợp lý hơn khi những hệ thống phòng không mạnh nhất S-300 tại đây (theo tuyên bố của Nga là bàn giao cho Syria) về thực chất đang do Nga vận hành và đặc biệt, Moscow từng nhiều lần tuyên bố: Sẽ đánh chặn bất cứ cuộc tấn công đường không nào đe dọa đến sự an toàn của căn cứ cũng như tính mạng quân Nga tại Syria.

Và như vậy, Nga có lý do để không phóng S-300 khi cuộc tấn công của Tel Aviv từ hướng Địa Trung Hải chỉ nhằm vào mục tiêu quanh sân bay quốc tế Damascus nơi được cho là không có quân Nga đồn trú.

Đòn đánh bất ngờ

Theo Al-Masdar News, chỉ sau khi phòng không Syria đang hoan hỉ với chiến công đánh chặn được 7 quả tên lửa tấn công của Không quân Israel từ hướng Địa Trung Hải vào chiều 20/1, thì đến khoảng 1h00 ngày 21/1, Không quân Israel tếp tục thực hiện đợt tấn công mới cũng vào khu vực gần sân bay Damascus khiến phòng không Syria choáng váng.

Tuy nhiên, đòn không kích này được Tel Aviv thực từ hướng Cao nguyên Golan. Hiện không rõ mức độ thiệt hại từ mặt đất nhưng truyền thông Lebanon khẳng định, người ta không thấy đòn đánh trả từ lực lượng phòng không Syria.

Clip phòng không Syria đánh trả cuộc không kích của Israel chiều 20/1

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nguyen-nhan-israel-tung-don-hiem-tu-dia-trung-hai-3373260/