'Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ vị thành niên tự tử là áp lực học tập'

Chuyên gia Trần Thành Nam dẫn số liệu cho biết trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tự tử trên thế giới.

Sáng 25/10, hội thảo lần thứ 5 về sức khỏe tâm thần trẻ em Việt Nam với chủ đề “Hiểu biết về sức khỏe tâm thần ở trường học và cộng đồng”, diễn ra tại Hà Nội, do ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, phối hợp tổ chức.

PGS.TS Đặng Hoàng Minh (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra số liệu khoảng 50% trẻ ở độ tuổi từ 14-15 có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Khoảng 50% học sinh bỏ học đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Đặc biệt, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng tăng cao nhưng nhiều người lớn chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp.

Số liệu của TS Minh cũng cho thấy tự tử là nguyên nhân gây thương vong thứ ba trong số các loại bệnh tật trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được chú trọng, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho hay những năm gần đây, giới trẻ tự tử có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vị thành niên tự tử là lo âu, trầm cảm, trong đó phần lớn là áp lực học tập. Thậm chí, nhiều học sinh, sau khi được cứu sống, cho rằng tự tử là con đường cuối cùng để phản kháng lại áp lực và kỳ vọng của cha mẹ. Lịch học chính, học thêm chiếm quá nhiều thời gian của các em.

“Thậm chí, học sinh học giỏi có nguy cơ tự tử cao hơn những em khác khi gặp thất bại trong học đường. Những học sinh này đến trường với biểu hiện bên ngoài bình thường nhưng lại có suy nghĩ đi học để đáp ứng yêu cầu, trả ơn và khiến bố mẹ hài lòng”, ông Trần Thành Nam nói.

Có học sinh từng chia sẻ với chuyên gia về việc em chỉ biết ăn, ngủ và học tập, không còn niềm vui nào khác. Điều đó khiến em không có cách nào để giải tỏa khi căng thẳng, thậm chí đã nghĩ đến tự tử.

Các số liệu cho thấy tỷ lệ "tái phát tự tử" thường khá cao, từ 30% đến 50% trong khoảng thời gian 12 đến 18 tháng.

Người lớn cần giúp trẻ hiểu mỗi người có nỗi buồn riêng nhưng đều có cách cách giải quyết. Cha mẹ hãy cho con thấy sẵn sàng giúp đỡ các em vượt qua khó khăn và tin tưởng vào cuộc sống.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguyen-nhan-hang-dau-khien-tre-vi-thanh-nien-tu-tu-la-ap-luc-hoc-tap-post1005829.html