Nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em

Không chỉ gặp ở người lớn, trẻ em vẫn có thể bị đột quỵ nếu mắc một số bệnh lý bẩm sinh.

Trước đây, nhiều người vẫn cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Các bác sĩ cho biết việc phòng ngừa đột quỵ ở trẻ rất khó vì đa phần không có yếu tố nguy cơ dễ nhận biết như người lớn.

Nguyên nhân

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thụy Minh Thư, Phòng khám Nhi – Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ ở trẻ em là dị dạng mạch máu não, gồm dị dạng động mạch não và túi phình mạch máu não.

Khi bệnh nhi có túi phình mạch máu não hoặc dị dạng động tĩnh mạch não, bé thường không có biểu hiện cụ thể hoặc các triệu chứng thoáng qua như đau đầu, co giật. Nhưng khi những tổn thương này vỡ ra, bé sẽ bị xuất huyết não, nguy kịch tính mạng.

 Yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở trẻ nhỏ thường khó nhận biết hơn so với người trưởng thành. Ảnh minh họa: Healthline.

Yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở trẻ nhỏ thường khó nhận biết hơn so với người trưởng thành. Ảnh minh họa: Healthline.

Ngoài dị dạng mạch máu não, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông cầm máu (như Hemophillia, xuất huyết giảm tiểu cầu) cũng có thể gây đột quỵ. Với bệnh lý rối loạn đông máu, nếu gia đình có tiền căn thì nên cho trẻ nhỏ kiểm tra, tầm soát bệnh để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.

Ở trẻ lớn hơn, các nguyên nhân gây đột quỵ thường bắt nguồn từ các bệnh lý hệ thống như lupus ban ban đỏ. Với bệnh lý mạn tính này, trẻ cần được tái khám thường xuyên. Bên cạnh đó, một tỷ lệ phần trăm nhỏ không tìm được nguyên nhân.

Dấu hiệu nhận biết trẻ đột quỵ

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng này xảy ra khi lượng máu nuôi não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Điều này khiến não bị thiếu oxy và dinh dưỡng. Thời gian này chỉ cần kéo dài vài phút, tế bào não bắt đầu chết.

Nếu đột quỵ ở người lớn do lối sống ăn uống, sinh hoạt không khoa học, bệnh lý mạn tính, biểu hiện đột quỵ ở trẻ em thường không đặc trưng và rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.

"Một số trường hợp có yếu tố nguy cơ nhưng sau điều trị, phụ huynh thấy trẻ ổn định sức khỏe thì không tái khám và dùng lại toa thuốc cũ. Điều này rất nguy hiểm, rất dễ xảy ra đột quỵ", bác sĩ Thư nói.

Một bé gái bị đột quỵ não từng được cứu sống tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Phương Vũ.

Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết thỉnh thoảng, đơn vị này có tiếp nhận trẻ bị đột quỵ. Song điều khiến bác sĩ Danh và đồng nghiệp khá lo lắng là đa phần các bệnh nhi này không có nguy cơ, dấu hiệu trước đó. Thậm chí, đột quỵ có thể xảy ra trên những bé khỏe mạnh, không có các bệnh lý huyết học hay tim bẩm sinh.

Theo bác sĩ Danh, y văn hiện chưa có khuyến cáo hay bất kỳ tài liệu liên quan vấn đề phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em. Nguyên nhân có thể là bệnh hiếm nên không đủ nghiên cứu chứng minh.

Khi trẻ đột quỵ, các biểu hiện ban đầu khá mờ nhạt như bé than đau đầu, quấy khóc, co giật, lừ đừ, thay đổi tri giác. Các biểu hiện này thường dễ nhầm lẫn với bệnh viêm màng não.

"Trẻ còn xuất hiện các triệu chứng thay đổi giọng nói, giọng ngắt quãng, hơi đớt, rối loạn phát âm, biểu hiện yếu liệt đột ngộ ở mặt, yếu nửa người... Nếu thấy con có một trong số biểu hiện này, phụ huynh cần đưa con đi khám ngay", bác sĩ Nguyễn Thụy Minh Thư khuyến cáo.

Các bác sĩ khuyến cáo nếu phát hiện và điều trị sớm, trẻ có thể hồi phục về thần kinh, vận động. Khi chậm trễ và không được can thiệp kịp thời, nhiều hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra như liệt nửa người, khó hồi phục chức năng vận động, ngôn ngữ...

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-nhan-gay-dot-quy-o-tre-em-post1199939.html