Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ

Kiểm tra bệnh về tim ở trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Kiểm tra bệnh về tim ở trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Xin bác sĩ cho biết, nguyên nhân nào gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ?

+ Theo nghiên cứu, có một số nguyên nhân có thể gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ. Đầu tiên phải kể đến yếu tố di truyền. Trẻ có bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình bị tim bẩm sinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trường hợp bố mẹ mang gen bệnh, dù không bị tim bẩm sinh thì sinh con vẫn có khả năng mắc bệnh cao.

Bên cạnh đó, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh cũng có thể do người mẹ trong quá trình mang thai bị nhiễm độc thai kỳ. Nhiễm độc thai kỳ xảy ra nếu mẹ sử dụng một số loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, hoặc sử dụng kích thích như rượu, bia, ma túy; người mẹ tiếp xúc với tia X-quang, chất phóng xạ... hoặc sống trong môi trường độc hại.

Trong quá trình mang thai, nếu người mẹ bị nhiễm một số loại vius như: Herpes, Rubella, Cytomegalo,... trong 3 tháng đầu tiên hoặc bị các bệnh đái tháo đường, Lupus ban đỏ cũng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, khiến trẻ có nguy cơ bị dị tật tim bẩm sinh.

- Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh có những dấu hiệu nào, thưa bác sĩ?

+ Với mỗi dạng bẩm sinh ở tim khác nhau, trẻ có triệu chứng khác nhau. Với nhóm bệnh tim bẩm sinh tím, trẻ có biểu hiện điển hình da tím tái do máu không được cung cấp đủ dưỡng khí. Ở nhóm này, dạng thường gặp nhất là tứ chứng Fallot (với 4 dạng khiếm khuyết ở tim: Hẹp đường ra thất phải, thông liên thất, động mạch chủ “cưỡi ngựa” lên vách liên thất và phì đại thất phải), đảo gốc động mạch, teo tịt van 3 lá (van ngăn cách giữa tâm nhĩ và tâm thất phải). Bệnh tim bẩm sinh có tím thường đi kèm một số bệnh liên quan đến việc đột biến nhiễm sắc thể như bệnh Down, hở hàm ếch...

(Nguồn ảnh: vinmec.com)

Với bệnh tim bẩm sinh không tím thường gặp hơn và có mức độ nguy hiểm thấp hơn so với bệnh tim bẩm sinh tím, bao gồm thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp eo động mạch chủ, hẹp van động mạch chủ hoặc phổi bẩm sinh...

Nhìn chung, với trẻ mới sinh bình thường, nếu bị bệnh tim bẩm sinh thường có biểu hiện: Mỗi khi bé bú hay khóc, thường sẽ kèm theo dấu hiệu khó thở hoặc chỉ bú được chốc lát là rời vú mẹ để lấy lại hơi thở. Trẻ thở nhanh, mạnh; cánh mũi phập phồng; hay cằn nhằn, cáu gắt. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh nhiều khả năng bị tím môi khi bú hoặc khóc.

Một số trẻ lớn lên mới xuất hiện các triệu chứng bệnh. Khi đó, trẻ thường bị ho, thở khò khè lặp lại liên tục nhiều lần, thở gấp, biểu hiện lồng ngực bị rút lõm khi hít vào, kèm theo viêm phổi. Cơ thể các bệnh nhi này thường còi cọc, thể trạng kém, chậm lớn. Có những trẻ trở nên xanh xao, môi, ngón chân, đầu ngón tay có dấu hiệu tím mỗi lúc khóc hoặc rặn, trẻ đổ mồ hôi lạnh...

Phẫu thuật can thiệp bít dù ống động mạch cho bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh (Ảnh Bệnh viện Sản nhi cung cấp).

Bệnh tim bẩm sinh thường khiến cho trẻ chậm phát triển hơn so với những em bé bình thường khác, với các biểu hiện như: Chậm mọc răng, lên cân rất từ từ, biết bò lâu hơn, chậm lật, kèm theo ăn kém, bú kém.

- Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh cần điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?

+ Ngay khi mang thai, các bà bầu nên đi siêu âm tim thai ở chuyên khoa về tim mạch để phát hiện sớm bệnh lý tim bẩm sinh ở thai nhi nếu có. Ngày nay, y học đã phát triển rất tiến bộ, kỹ thuật siêu âm có khả năng phát hiện phần lớn các ca tim bẩm sinh ngay ở tuần thứ 18 của thai kỳ. Các khiếm khuyết ở tim nếu nhỏ và không ảnh hưởng nhiều đến chức năng của tim có thể không cần điều trị. Một số trường hợp các tật tim tự biến mất trong thời gian theo dõi.

Nếu tật tim bẩm sinh nghiêm trọng, trẻ có thể cần can thiệp hoặc phẫu thuật sớm để sửa chữa tật này. Sau phẫu thuật trẻ vẫn có thể lớn lên khỏe mạnh hoàn toàn. Hiện nay, với sự phát triển của y học đã triển khai rất nhiều các kỹ thuật về can thiệp và phẫu thuật tim bẩm sinh.

Tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành can thiệp và phẫu thuật sửa chữa nhiều dị tật tim bẩm sinh ở trẻ. Bởi vậy, trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ có dị tật bẩm sinh (down, sứt môi, khiếm khuyết cơ thể) hoặc trẻ có những biểu hiện như nói ở phần trên thì gia đình nên đưa đến bác sĩ để khám tim mạch cho trẻ em và được tư vấn điều trị kịp thời.

- Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/202006/nguyen-nhan-gay-benh-tim-bam-sinh-o-tre-2488774/