Nguyên nhân của 5 dạng mòn bất thường của lốp ô tô bạn cần biết

Khi sử dụng xe một thời gian lốp sẽ dần bị mòn, ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể. Bên cạnh đó, các dấu hiệu mòn bất thường có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, việc kiểm tra thường xuyên độ mòn của lốp xe không chỉ giúp bạn xác định được thời điểm thay, mà còn có thể bảo dưỡng lốp phù hợp để sử dụng được lâu bền.

1. Mòn đều ở bề mặt lốp

Một chiếc lốp bị mòn đều ở bề mặt thì nguyên nhân là do hệ thống treo của bánh xe có vấn đề. Vòng bi, lò xo, nhíp giảm xóc hay trục cầu bị mòn hoặc hư hại sẽ ảnh hưởng tới các chuyển động lên xuống của bánh xe. Nó sinh ra một lực tác dụng phụ lên bánh xe. Lực tác dụng phụ này tác dụng một cách lặp đi lặp lại thường xuyên lên toàn bộ bề mặt lốp, gây ra sự hao mòn bề mặt lốp.

2. Mòn không đều trên toàn bộ bề mặt lốp

Mòn không đều ở một hay nhiều vị trí trên bề mặt lốp thông thường là do các thiết lập cân vành mâm không chính xác. Vành mâm xe không cân khi quay ở tốc độ cao sẽ giải phóng một lực tác dụng phụ một cách liên tục lên mặt đường và lực ly tâm cũng làm tăng khả năng mất cân đối vành xe. Hệ quả là không gây ra các vết mòn thông thường. Nguyên nhân của nó có thể là do hệ thống treo được thiết lập không chính xác. Do đó gây ra các vết mòn không đều trên bề mặt lốp.

3. Mòn ở giữa bề mặt lốp

Nếu ở giữa bề mặt lốp bị mòn nhiều hơn so với các vị trí khác điều đó chứng tỏ vùng này chịu một lực ma sát nhiều hơn.

Nguyên nhân có thể do áp suất lốp quá cao. Khi lốp được bơm quá căng, phần giữa bề mặt lốp bị nhô ra nhiều hơn so với 2 bên thành lốp, vì vậy, trong các điều kiện thông thường thì mặt giữa lốp sẽ chịu một lực ma sát nhiều hơn.

Nếu xe cứ chạy trong tình trạng này một thời gian dài, mặt giữa lốp sẽ bị mòn nhiều hơn. Khi xe chạy với tốc độ cao sẽ sinh ra một lực ly tâm lớn ép lên các hoa lốp ở phần trung tâm bề mặt lốp; Kết quả là lốp sẽ bị mòn.

4. Mòn nhiều ở một bên thành lốp

Nếu lốp xe chỉ bị mòn ở một bên nghĩa là chỉ một bên thành lốp chịu t lực ma sát lớn hơn hẳn. Nguyên nhân do góc cam được thiết lập không phù hợp.

Nếu góc này không được thiết lập chính xác sẽ làm cho sự tiếp xúc trên không tối ưu nữa. Do đó sẽ làm xuất hiện các vết mòn ở mặt trong hoặc mặt ngoài thành lốp.

Một nguyên nhân khác gây mòn một bên lốp xe là do việc đặt lớp bố thép ở giữa vỏ xe không chính xác của nhà sản xuất. Nhưng vì tiêu chuẩn khắt khe của các nhà sản xuất, lỗi này hiếm khi xảy ra.

5. Mòn ở hai bên lốp

Hai bên thành lốp bị mòn nhiều hơn so với vùng trung tâm bề mặt lốp nguyên nhân là bởi áp suất lốp quá thấp. Tình trạng áp suất hơi trong lốp thấp kéo dài sẽ làm giảm sự tiếp xúc của mặt giữa lốp với mặt đường, nên 2 bên thành lốp sẽ phải chịu tải cao hơn.

Có thể có một nguyên nhân nữa làm cho 2 bên thành lốp có độ mòn nhiều hơn hẳn là vào cua với tốc độ cao. Nhưng điều này luôn xảy ra cùng lúc ở nhiều bánh xe.

Ngọc Anh

Tổng hợp

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nguyen-nhan-cua-5-dang-mon-bat-thuong-cua-lop-o-to-ban-can-biet-214637.html