Nguyên nhân bế tắc trong chính sách thương mại tự do của EU

Trang mạng realclearworld.com đăng bài viết của chuyên gia Sebastian Dullien thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ecfr.eu) về thực trạng và nguyên nhân sự bế tắc trong việc đàm phán và thông qua các hiệp định thương mại tự do của EU.

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất xe Peugeot-Citroen tại Poissy, gần thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, chính sách thương mại của EU đang gặp bế tắc. Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương với Mỹ (TTIP), từng được xem là thỏa thuận khởi đầu cho quá trình liên kết giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ít có khả năng được cứu vãn.

Sự phản đối của dư luận đối với TTIP dường như cũng tác động tiêu cực đến Thỏa thuận Kinh tế và thương mại toàn cầu song phương giữa EU và Canada (CETA). Hiện tại, không chắc CETA có được phê chuẩn hay không. Tác động tiêu cực của thực trạng này đối với EU không chỉ liên quan trực tiếp đến các thỏa thuận thương mại tự do.

Vai trò của Ủy ban châu Âu (EC) trong lĩnh vực thương mại đã bị tác động, ảnh hưởng trong hơn một năm rưỡi vừa qua. Thẩm quyền của EC trong việc đàm phán các thỏa thuận thương mại quốc tế đã và đang được tăng cường, gần đây nhất là trong Hiệp ước Lisbon có hiệu lực từ năm 2009. Tuy nhiên, dường như EC vẫn không dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán và thông qua các thỏa thuận này.

Một phần nguyên nhân của tình trạng bế tắc này xuất phát từ chính Ủy ban châu Âu. EC không nhận ra rằng cơ quan này đã trở thành một tổ chức chính trị chứ không chỉ đơn thuần là tổ chức của các nhà kỹ trị. Thời gian đầu mới nhậm chức, Cao ủy phụ trách thương mại Cecilia Malström nhiều lần tuyên bố chính phủ các nước thành viên EU đã trao quyền cho bà đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do.

Bởi vậy bà Malström có thẩm quyền trong việc triển khai các chương trình do mình đặt ra bất chấp dư luận. Cùng lúc đó, các quan chức EC cũng nhấn mạnh, không thể chỉ chú trọng đến sự lo ngại của các nước thành viên đơn lẻ, chẳng hạn như Đức, bởi trách nhiệm của cơ quan này là đại diện cho toàn bộ 28 nước thành viên trong quá trình đàm phán.

Đây hẳn là bài học rất đau đớn cho EC khi nhận ra rằng mặc dù điều này là đúng về mặt pháp lý nhưng khi liên quan đến các thỏa thuận thương mại thì cơ quan này cần sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu (EP). Tất cả các thành viên của EP ít nhiều đều trực tiếp do cử tri các nước thành viên EU bầu ra và do đó chịu tác động rất lớn của dư luận.

Tương tự, xét về khía cạnh kỹ thuật, đúng là EC đại diện cho các nước thành viên để đàm phán nhưng nội dung và phạm vi của các thỏa thuận thương mại gần đây cho thấy, thực chất đây là quá trình “hỗn hợp” bởi các thỏa thuận này cần được phê chuẩn của tất cả các nước thành viên EU.

Nếu EC sớm nhận ra rằng cơ quan này cần phải gắn kết với xã hội các nước thành viên, nỗ lực trong việc giành và duy trì sự ủng hộ của dư luận thì đã không phải đối mặt với nguy cơ thất bại trong việc đàm phán và thông qua một và có thể là hai thỏa thuận thương mại đầy tham vọng là TTIP và CETA.

Một sai lầm nghiêm trọng khác của EC là việc cản trở cả các lo ngại đúng đắn về mặt pháp lý liên quan đến các vấn đề cụ thể trong chương trình đàm phán. Sự chỉ trích đối với các quy định bảo hộ nhà đầu tư, đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) trong dự thảo ban đầu của Hiệp định CETA đã được chứng minh.

Sự phản đối đối với dự thảo các quy định ISDS của các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng như từ chính phủ của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, gia tăng trong những năm qua. Tuy nhiên, thay vì lắng nghe các ý kiến này thì các quan chức EU lại khẳng định rằng sự lo ngại về các quy định ISDS là không có cơ sở và không cần phải đàm phán lại trong dự thảo Hiệp định CETA.

Ngoài ra, các quan chức EC cũng cho rằng phía Canada sẽ không sẵn sàng đàm phán lại về các quy định này trong dự thảo. Mặc dù vậy, khi EP không thông qua dự thảo Hiệp định CETA, EC đã nhanh chóng quay trở lại bàn đàm phán và đưa ra các quy định đã được sửa đổi hoàn toàn liên quan tới ISDS với sự đồng ý của phía Canada. Sự quay ngoắt này đã làm tan vỡ niềm tin của dư luận vào quyết định của EC.

EC cũng sai lầm trong chính sách đối với các lực lượng trung dung chỉ trích các hiệp định thương mại tự do CETA và TTIP. Trong chính trị, việc bôi nhọ, nói xấu đối thủ là vấn đề thường xuyên xảy ra. Biện pháp này sẽ phát huy tác dụng nếu đối thủ bị coi là “thiếu tin tưởng” hoặc “không thể được bầu hay lựa chọn”.

Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp này với các lực lượng trung dung thì sẽ có nguy cơ đẩy họ về phía đối thủ. Đó chính là thực trạng đang xảy ra đối với Ủy ban châu Âu.

Trong một số trường hợp các quan chức EU phản đối các lực lượng “chống Mỹ” hay “theo chủ nghĩa bảo hộ” tại Đức ngăn cản Hiệp định TTIP. Đột nhiên, nhiều phóng viên theo khuynh hướng bảo thủ, thậm chí cả các thẩm phán ở Đức cũng xem mình thuộc về các lực lượng chính trị cánh tả trên chính trường nước này.

Trong khi đó trên thực tế những người này có một số ý tưởng tốt liên quan đến các nội dung trong Hiệp định TTIP mà họ phản đối. Điều này khiến niềm tin vào Ủy ban châu Âu suy giảm và sự hoài nghi đối với Hiệp định TTIP gia tăng.

Tuy nhiên, cũng cần đánh giá một cách khách quan rằng bối cảnh chính trị và kinh tế hiện nay trong EU không thuận lợi đối với việc đàm phán và thông qua TTIP và CETA.

Sự đồng thuận kéo dài trước đó giữa các lực lượng chính trị cánh hữu và cảnh tả về quá trình hội nhập nội khối đã tan vỡ do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu bắt đầu từ giai đoạn 2008-2009 và sau đó là cuộc khủng hoảng khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong nhiều thập kỷ qua quá trình hội nhập EU được tuyên truyền tới các lực lượng chính trị theo khuynh hướng bảo thủ, tự do là cách thức để thoát khỏi sự can thiệp quá mức của giới chính trị gia các nước thành viên vào thị trường và nền kinh tế. Đối với các lực lượng chính trị cánh tả, hội nhập nội khối là cách thức để chống lại tác động của toàn cầu hóa.

Bất kỳ một quốc gia thành viên EU đơn lẻ nào đều quá nhỏ bé, khó tác động được tới số phận của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và quan trọng nhất là tài chính. Thông qua việc tăng cường liên kết nội khối trong EU, các quốc gia này cùng với liên minh có thể định hình được quá trình toàn cầu hóa. Trong vài thập kỷ gần đây chính sách này của EU dường như đã phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên, sự đồng thuận của những người ủng hộ quá trình hội nhập EU trong các lực lượng chính trị cánh tả và cánh hữu tan vỡ trong cuộc khủng hoảng khu vực Eurozone. Những người mong muốn quá trình này sẽ hạn chế được tác động tiêu cực của toàn cầu hóa đã thất vọng với việc thị trường tài chính khủng hoảng kéo theo nguy cơ tan rã của khu vực Eurozone.

Trong khi đó, giới chính trị gia lựa chọn việc áp dụng chính sách kinh tế khắc khổ trên toàn châu Âu khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục tại nhiều nước thành viên EU. Những người hy vọng hội nhập EU sẽ giảm sự can thiệp của giới chính trị gia vào nền kinh tế đã phải “nuốt trái đắng” với các chương trình cứu trợ trị giá nhiều tỉ euro cho chính phủ các nước thành viên khác trong EU.

Việc EU thất bại trong thực hiện cam kết đem lại sự thịnh vượng cho người dân khiến Ủy ban châu Âu trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Điều này khiến EC gặp khó khăn hơn trong việc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại. Thực trạng của các Hiệp định TTIP và CETA cho thấy, khó có thỏa thuận thương mại quan trọng nào được thông qua mà không gặp phải sự chỉ trích, phản đối mạnh mẽ trong EU trong tương lai gần.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại CH Séc)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/nguyen-nhan-be-tac-trong-chinh-sach-thuong-mai-tu-do-cua-eu-20161019144236989.htm