Nguyên nhân Ấn thử vũ khí chuyên chặn tên lửa hành trình

Cơ quan Nghiên cứu và thực nghiệm quốc phòng (DRDO) Ấn Độ tuyên bố vừa thử thành công QRSAM - hệ thống phòng thủ thiết kế chuyên trị tên lửa hành trình.

Cuộc thử được tiến hành hôm 4/8 trên thao trường thuộc khu thử nghiệm tên lửa ở Odisha. Ngay sau khi phóng, đạn tên lửa đã đánh trúng và tiêu diệt thành công mục tiêu giả định.

Hệ thống phòng không QRSAM với nòng cốt là tên lửa đánh chặn Astra - loại đạn tên lửa vốn được thiết kế cho nhiệm vụ không đối không và được trang bị trên chiến đấu cơ Su-30MKI của Không quân Ấn Độ. Một hệ thống QRSAM hoàn chỉnh bao gồm 4 đại đội hỏa lực với hai bệ phóng (6 đạn trên bệ) và một hệ thống radar dẫn bắn đa kênh Pin Multi-Function Radar băng tần X-band cho mỗi đại đội.

Nhận nhiệm vụ cảnh giới cho tổ hợp QRSAM là radar băng tần C-band BSR. Với cách triển khai này, hệ thống QRSAM có thể diệt gọn hầu hết mục tiêu đường không trong tầm bắn của mình, kể cả tên lửa hành trình. Bởi đạn tên lửa Astra hiện đang được Ấn Độ phát triển với 2 phiên bản khác nhau là Astra Mk-1 và Astra Mk-2.

Biến thể tên lửa Astra Mk-1 đạt tầm bắn xa 44km với xác suất trúng đích ngay trong lần phóng đầu tiên, trong khi đó, biến thể Astra Mk-2 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa trên 100km.

Nói về QRSAM, chuyên gia trung tâm quốc tế thuộc Sở Nghiên cứu Kinh tế và Quan hệ quốc tế - Viện khoa học Nga cho rằng, Ấn Độ có 2 đối thủ tiềm tàng là Trung Quốc và Pakistan, vì vậy cần phải có loại vũ khí có thể bắn hạ không chỉ máy bay mà tên lửa của 2 nước này.

Và không phải ngẫu nhiên Ấn Độ lại công bố kết quả thử nghiệm hệ thống QRSAM vào lúc này - thời điểm Pakistan tuyên bố vừa thử nghiệm tên lửa hành trình Babur.

Babur là loại tên lửa hành trình cận âm có thể bay trên độ cao thấp – có khả năng bám địa hình, trong đó có các hệ thống dẫn hướng tiên tiến và hiện đại bậc nhất, tạo cho nó có khả năng cơ động cao, tránh bị radar phát hiện và có thể xâm nhập qua bất kỳ hệ thống phòng thủ thù địch.

Hệ thống dẫn đường của Babur sử dụng kết hợp của các hệ thống dẫn đường quán tính, địa hình đường viền kết hợp (TERCOM), hệ thống so sánh đối chiếu khung cảnh địa hình kỹ thuật số (DSMAC) và dẫn hướng theo tín hiệu vệ tinh GPS. Babur được lái bởi một hệ thống dẫn đường quán tính (INS).

INS đo mỗi cử động của tên lửa và mọi thay đổi của tốc độ, liên tục tính toán vị trí tên lửa và so sánh với vị trí tên lửa được phóng, giúp máy tính của tên lửa thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo đưa tên lửa đến mục tiêu được chỉ định. Tầm bắn của Babur vào khoảng từ 700 - 1.000km.

Dù Babur được đánh giá là tên lửa thông minh nhưng phía Ấn Độ khẳng định dòng tên lửa này hoàn toàn nằm trong khả năng đánh chặn của QRSAM. Ảnh trong bài: Ấn Độ thử nghiệm hệ thống QRSAM. (Tuấn Vũ)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/nguyen-nhan-an-thu-vu-khi-chuyen-chan-ten-lua-hanh-trinh-3385099/