Nguyễn Minh Châu - nhà văn tiêu biểu cho tinh thần đổi mới

Ngày 10/10, tại Viện Văn học, đã diễn ra Hội thảo khoa học 'Nguyễn Minh Châu và tiến trình đổi mới văn học' nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Các đại biểu tham gia Hội thảo.

Các đại biểu tham gia Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận, nhà phê bình văn học đến từ các Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ và nhiều trường đại học trong cả nước. Các tham luận với nhiều chủ đề đa dạng nhưng đều hướng tới một mục đích chung nhằm đánh giá lại tiến trình văn học thời kỳ Đổi mới, chỉ ra những dấu ấn và giới hạn của các thực hành đổi mới văn học Việt Nam kể từ sau năm 1975 qua trường hợp của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là nhà văn, nhà phê bình văn học đã có những đóng góp nổi bật đối với văn học Việt Nam hiện đại. Tên tuổi của ông được khẳng định qua những sáng tác có sức ảnh hưởng rộng lớn trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, hơn thế nữa, với sự mẫn cảm nghệ sĩ và tinh thần đổi mới quyết liệt, Nguyễn Minh Châu đã trở thành một trong những người mở đường “tinh anh và tài năng” của văn học Đổi mới qua các truyện ngắn và tiểu luận đặc sắc, có chiều sâu tư tưởng.

Trong tham luận của GS.TS Trần Đình Sử (Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) với chủ đề “Nguyễn Minh Châu, nhà văn tiêu biểu cho tinh thần đổi mới triệt để văn học Việt Nam những năm 80 thế kỉ XX), đã chỉ ra rằng: Sau năm 1975, văn học Việt Nam trải qua một cuộc chuyển mình dữ dội, không chỉ từ văn học thời chiến sang thời bình, từ văn học sử thi sang văn học thế sự và đời tư, mà trong chiều sâu, nó chuyển từ văn học tuyên truyền, phản ánh hiện thực theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa sang một nền văn học hậu văn học cách mạng, hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đó nhà văn Nguyễn Minh Châu đóng vai trò là một nhà văn tiên phong. Vai trò tiên phong của ông thể hiện ở trên 3 phương diện: phát hiện vấn đề, thay đổi lí thuyết và thực tiễn sáng tác. Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra 3 vấn đề chính xác và quan trọng: Một là hoài nghi về tính chân thực của văn học ta, do nhu cầu tuyên truyền mà tự tô hồng, che giấu bớt sự thật. Hai là ông phát hiện ra cái sai lầm trong phương pháp sáng tạo, đó là coi trọng cái thực tại cần phải có hơn cái thực tại vốn có. Và ba là ông là người đầu tiên và duy nhất đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh học, trong đó mô tả toàn bộ sự trói buộc, chật chội, của không gian mà trong đó nghệ sĩ sáng tạo, lên án sâu sắc chủ nghĩa giáo điều trong văn nghệ. Cho đến lúc đó chưa có ai lên tiếng phê phán lý thuyết giáo điều sâu sắc hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn. Về thái độ đối với lý thuyết giáo điều thì Nguyễn Minh Châu thể hiện một thái độ chối bỏ toàn diện. Trong các tập sáng tác như “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (1983), “Bến quê” (1985), “Cỏ lau” (1989) hay “Mảnh đất tình yêu” (1987), ông không còn sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa. Những nhân vật của ông không phải là các nhân vật điển hình khái quát, mà có vẻ như là những con người cá biệt, thậm chí là dị biệt. Cũng không phải là những tấm gương anh hùng mà trái lại, nhân vật có vẻ như là những người phản anh hùng, những con người thừa, những dị biệt bình thường. Nguyễn Minh Châu đã tự giải thoát mình khỏi các khuôn vàng, thước ngọc cứng nhắc một thời, khắc phục lối miêu tả hiện thực theo nguyên tắc cần phải có, nhà văn hướng đến miêu tả hiện thực như nó vốn có.

GS Phong Lê (Viện Văn học) trong tham luận “Nguyễn Minh Châu trong tôi” đã chia sẻ cảm xúc của mình khi nhớ về nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Nhớ về Nguyễn Minh Châu, tôi thường liên tưởng đến Nam Cao. Trong cảm nhận của tôi, cả hai có điểm gì đó gần, ở chất văn trong văn và chất nghệ sĩ nơi người. Ở một niềm khắc khoải lớn về nhân sinh, về cõi đời. Còn là bởi cả hai, trong tính cách, trong lối sống cũng có một vẻ gì đó giống nhau: lẳng lặng, ít nói mà nghĩ ngợi, quan sát thì nhiều. Có lúc nhút nhát, cả thẹn. Rất thâm sâu trong văn, nhưng thầm lặng ngoài đời. Ở Nguyễn Minh Châu, tôi thấy trong thế giới đó bỗng có một “ông đồ Nghệ” đứng tách riêng ra để nhìn vào thế giới những khách quê, những con người Nghệ. Cái con người đứng trầm ngâm và lặng lẽ quan sát đó không còn là “ông đồ Nghệ” cũ, khăn gói đi tha phương kiếm sống, hành nghề. Mà là một “ông đồ Nghệ - thủ đô” tinh tế, hóm hỉnh, tài hoa, lịch sử, nhìn chăm chú và cái thế giới “khách quê” đó, rồi nhìn vào chính mình, ẩn dấu một nụ cười hóm hỉnh và ngượng nghịu. Quả dường như có một thế giới chân dung người Nghệ, nơi văn Nguyễn Minh Châu được nhìn trong một vầng ánh sáng của phố xá, của đô thị, của Thủ đô, do vậy mà rõ nét hơn trong cả những mặt sáng và khuất tối của họ”.

“Ở phần cuối thế kỉ XX, theo tôi nghĩ, Nguyễn Minh Châu là một trong số người hiếm hoi chạm được vào những vỉa quặng lớn của đời sống, nhưng xót xa thay, khi lưỡi mai của ông đã lùa được vào các vỉa quặng thì ông đã qua đời. Cuộc chia tay với Nguyễn Minh Châu theo tôi, là một trong mấy cuộc chia tay xót xa, có phần hơi dồn dập vào nửa sau những năm 80 của thế kỷ XX gồm những Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ. Hiếm có sự mất mát nào lại luôn luôn được nhắc nhớ trong lòng người sống, để mà sống mãi, như sự mất mát Nguyễn Minh Châu vào thập niên 1980, và tôi tin cũng là của cả thế kỷ XX trong lịch sử văn chương Việt”.

Minh Quân - Uyên Nguyễn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/nguyen-minh-chau-nha-van-tieu-bieu-cho-tinh-than-doi-moi-tintuc449532