Nguyên lý hoạt động buồng lấy mẫu nCoV

Điểm ưu việt của buồng lấy mẫu nCoV là khả năng tự làm mát, lọc không khí, diệt virus SARS-CoV-2 bằng đèn UVC cho hiệu quả 99,99%.

Sáng 5/6, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tại 3 đơn vị là Nam Việt Design, PAM Air và Signify thông báo đã nghiên cứu thành công và đang thử nghiệm buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 thông minh tại tỉnh Bắc Giang.

Theo nhóm phát triển, buồng lấy mẫu được tích hợp hệ thống chống nóng, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo với cơ chế điều khiển thông minh và khử trùng tiên tiến, hỗ trợ nhân viên y tế chống dịch tại Bắc Giang.

Khả năng khử khuẩn 99,99%

Trao đổi với Zing, bà Phan Thanh Hải, Giám đốc điều hành PAM Air Solutions (phát ngôn viên dự án), cho biết sau khi hoàn thành lắp đặt, thiết bị này được vận hành thử nghiệm trong 12 giờ để kiểm soát các yêu cầu kỹ thuật.

"Tuy nhiên, nhằm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống Covid-19, chúng tôi không khuyến khích y tá, bác sĩ cởi bỏ quần áo bảo hộ để đảm bảo an toàn tối đa", đại diện dự án nói.

Theo nhóm phát triển, đây là giải pháp thiết thực với mô hình dễ dàng nhân rộng, hỗ trợ và bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Hiện tại, đội sản xuất xây lắp có thể hoàn thiện tối đa 50 sản phẩm mỗi tuần trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay.

 Mô hình buồng lấy mẫu nCoV được thử nghiệm tại Bắc Giang. Ảnh: PAM Air.

Mô hình buồng lấy mẫu nCoV được thử nghiệm tại Bắc Giang. Ảnh: PAM Air.

Điểm ưu việt của buồng lấy mẫu xét nghiệm này so với một số mô hình trước đó tại các nước là công nghệ làm mát, điều khiển thông minh IoT và giải pháp khử trùng bằng đèn UVC. Buồng cao 2,65 m, rộng gần 3 m2, nhân viên y tế có không gian làm việc mát mẻ, khử trùng và dễ thao tác qua hai ô nhỏ để lấy mẫu xét nghiệm.

Về nguyên lý thông gió, không khí được hút vào ngăn đệm bằng quạt hút, qua màng lọc rồi được chiếu qua đèn UVC có khả năng khử khuẩn, không sản sinh ra ozone. Sau đó, không khí lưu chuyển qua dàn lạnh điều hòa, giúp làm mát và lọc bụi mịn, đảm bảo chất lượng không khí.

Buồng lấy mẫu được trang bị loa phát thanh để điều hành công việc lấy mẫu. Tất cả được khử trùng 8 phút trước mỗi ca trực của y tá, bác sĩ. Bên cạnh đó, các hệ thống hoạt động tự động và có thể điều khiển từ xa giúp bác sĩ giảm thiểu việc tiếp xúc bề mặt, tập trung vào hoạt động lấy mẫu.

"Thí nghiệm được thực hiện bởi Đại học Boston cho thấy trong điều kiện phòng thí nghiệm, khi chiếu xạ nguồn sáng UVC trong 6 giây, virus SARS-CoV-2 có thể bị tiêu diệt đến 99%. Lượng virus giảm đến 99,99% nếu được chiếu bức xạ trong 25 giây", bà Hải nói.

Chuyên gia ủng hộ sử dụng buồng lấy mẫu

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết thời gian cao điểm, nhân viên y tế của Hà Nội phải tỏa đi hàng chục điểm để lấy mẫu, cấp tốc vận chuyển về CDC để xét nghiệm. Ông cho rằng nếu có bốt lấy mẫu xét nghiệm nCoV, công việc của nhân viên y tế sẽ an toàn, đỡ vất vả hơn nhiều.

"Các buồng lấy mẫu này sẽ giúp các nhân viên có thể chia ca thuận lợi và quan trọng nhất là nhân viên y tế không phải làm việc dưới thời tiết nóng bức mà mặc đồ bảo hộ. Đây là cái khó mà chúng tôi đang cố gắng khắc phục, mặc đồ bảo hộ không thể cởi khẩu trang uống nước nên suy kiệt thể lực rất nhanh", ông Tuấn chia sẻ.

Buồng lấy mẫu xét nghiệm đang được ứng dụng ở Ấn Độ. Ảnh: The Economic Times.

GS. TS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho rằng đây là mô hình rất tốt, cần ứng dụng ngay, nhất là thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay. Ông cho rằng mỗi ca, nhân viên lấy mẫu phải làm việc liên tục 8-10 giờ, rất căng thẳng, mệt mỏi.

"Nơi lấy mẫu lại thường không có đủ các điều kiện vật chất cần thiết như quạt thông gió, thậm chí không có mái che. Điều hòa thì không được bật do có thể tăng nguy cơ lây nhiễm. Với điều kiện như vậy, rõ ràng sức khỏe của nhân viên không thể đảm bảo được", ông Trí lo ngại.

Ông Trí đánh giá kinh phí sản xuất thiết bị này không quá đắt đỏ, thiết kế không phức tạp, hoàn toàn có thể sản xuất đại trà sớm. Ông mong cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế sớm đánh giá, cho ý kiến để mô hình được áp dụng rộng rãi.

Khi được hỏi, bà Phan Thanh Hải từ chối bình luận về chi phí xây lắp của mỗi buồng lấy mẫu. Bà cho biết mô hình đang ở giai đoạn thử nghiệm, đánh giá, nên chưa thể cung cấp con số chính xác, bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Trước mắt, nhóm sẽ lắp đặt để y tá, bác sĩ sử dụng thử nghiệm tại Bắc Giang, qua đó khắc phục, hoàn thiện buồng lấy mẫu. Nếu đảm bảo các tiêu chí, đơn vị sẽ cho sản xuất đại trà.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-ly-hoat-dong-buong-lay-mau-ncov-post1223544.html