Nguyễn Lộ Trạch - một tầm nhìn xa

Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam trong bối cảnh nhà Nguyễn đang khủng hoảng toàn diện và ngày càng trầm trọng.

Hòa hay chiến trong bối cảnh đó đều khó khăn và không thể ngăn cản được âm mưu xâm lược của thực dân phương Tây. Canh tân đất nước, làm cho đất nước hùng cường để giành độc lập là xu thế mới xuất hiện nửa sau thế kỷ XIX. Nguyễn Lộ Trạch là một nhân vật tiêu biểu của xu thế này.

Từ Thời vụ sách
Nguyễn Lộ Trạch sinh năm 1853 (1852?) mất năm1898 (1895?), tự là Hà Nhân, hiệu là Kỳ Am, biệt hiệu Quỳ Ưu, Hồ Thiên Cư Sĩ, Bàn Cơ Điếu Đồ, quê làng Kế Môn, Phong Điền, Thừa Thiên; cha là tiến sỹ Nguyễn Thanh Oai, từng giữ chức thượng thư, tổng đốc.
Có trí tuệ sáng láng, là con trai của tiến sỹ, con rể của đại thần Trần Tiễn Thành nhưng Nguyễn Lộ Trạch không dấn thân vào con đường khoa cử để làm quan mà chú tâm thực học, thâu hóa kiến thức, nghiên cứu tình hình chính trị, văn hóa trong nước và trên thế giới để thực hành yêu nước theo tư tưởng canh tân, đổi mới đất nước.

Mộ Nguyễn Lộ Trạch tại làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mộ Nguyễn Lộ Trạch tại làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lúc ông 20 tuổi thì thực dân Pháp đã bình định xong lục tỉnh Nam Kỳ. Vì là con rể của Trần Tiễn Thành - một vị Tổng tài Quốc sử quán có xu hướng duy tân, từng tiếp đón Nguyễn Trường Tộ nhiều lần, nên ông có cơ hội được đọc các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ và tân thư của Trung Quốc. Chắc hẳn tư tưởng canh tân của Nguyễn Lộ Trạch đã hình thành từ đây.
Ông bắt đầu công khai tư tưởng của mình từ năm 1877. Nhân cớ kỳ thi Hội năm đó có lấy chuyện “sứ Pháp vào chầu, hòa hiếu hợp lễ” làm đề, ông đã dâng lên triều đình bản “Thời vụ sách” (Thượng - I) vạch rõ mưu kế giả vờ hòa nghị của thực dân Pháp đồng thời đề nghị triều đình nên “gấp rút lo tự cường tự trị” để cứu nước. Năm này, thực dân Pháp trả lại 4 tỉnh Bắc kỳ, vua Tự Đức nhầm tưởng và tự mãn cho rằng do chủ hòa mà có. Người thanh niên Nguyễn Lộ Trạch đã dũng cảm nói lên sự thật và phê phán tư tưởng chủ hòa và ngộ nhận của vua Tự Đức và phái chủ hòa.

Ông cảnh báo: “Đang lúc con hổ đang rình chưa thôi mà đã vội vàng tự mãn thì cái chí hướng thế nào cũng đủ biết rồi”. Và “Cho nên người xưa cho sự yên vui là thuốc độc, việc tự cường tự trị cũng phải kịp thời. Việc chữa trị ung nhọt phải kịp thời, bằng thấy không đau đớn mà giấu bệnh sợ thầy thì cái ngày tự vỡ nhất định sẽ đến. Lúc ấy, ngay cả Hoa Đà cũng chẳng thể làm được gì”.
Trước tình thế cuộc chiến không cân sức với quân đội Pháp, ông không ủng hộ chủ chiến nhưng cũng phê phán gay gắt đường lối chủ hòa vô điều kiện của vua Tự Đức. Theo ông, hòa là để tranh thủ thời cơ canh tân, đổi mới đất nước, làm cho đất nước hùng cường, bồi bổ sức dân, chuẩn bị lực lượng để chờ thời cơ giành lại độc lập. “Sự thể ngày nay không có cách gì hơn hòa nữa, nhưng lấy hòa làm quyền nghi nhất thời thì có thể được, chứ nếu trông cậy làm kế lâu dài thì tôi đây dẫu rất ngu dại, cũng biết là không nên”. Ông hiến kế với nhà vua: “May gặp lúc này hòa nghị mới xong, triều đình rảnh việc, thế mà không gấp rút tự cường tự trị, nếu rủi ro sau này có thể xảy ra như chuyện ở Hà Nội, Ninh Bình thì chẳng lẽ cũng sẽ dùng miệng lưỡi đối phó với giặc sao?
"Sự thể ngày nay đã thiếu thốn, yếu hèn, rắc rối, phức tạp rất khó làm được gì, nhưng nếu bệ hạ thành tâm chấn chỉnh, khuyến khích tài bồi nó thì cũng chính phải là không còn cơ hội làm được. Đến lúc này mà không lo làm thì cái thế yếu hèn ngày càng trầm trọng… để lỡ dịp này rồi có muốn làm thì cũng đã suy kiệt không thể thi thố tài năng khi đã quá muộn màng”.
Cũng trong Thời vụ sách (Thượng - I), Nguyễn Lộ Trạch đã nêu ra quan điểm hòa để thủ, thủ để tự cường, tự cường để chiến, chiến để thắng, không cực đoan hòa hoặc chiến như các phe trong triều đình. “Chúng mạnh thì ta thủ, chúng yếu thì ta chiến, chiến và thủ hỗ trợ nhau, bộ thủy cũng nương tựa nhau. Chúng lâu không thắng được, tất phải giảng hòa thông thương, bấy giờ quyền chủ động thuộc về ta”.
Các đề xuất của Nguyễn Lộ Trạch tuy không được thực hiện như ý muốn nhưng đã có tác động đến dư luận xã hội và triều đình. Triều đình đã cử 112 thiếu niên sang học tập ở các trường kỹ thuật của người Anh ở Hương Cảng, sai sứ sang Trung Quốc, Thái Lan, rồi dự định mở trường kỹ thuật ở Huế... Nguyễn Lộ Trạch cũng được cử đi Hương Cảng học kỹ thuật nhưng tiếc là chuyến đi không thành.
Tháng 4/1882, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2, Nguyễn Lộ Trạch dâng “Thời vụ sách” (Hạ - II), tiếp tục vạch trần bản chất độc ác, nham hiểm của thực dân Pháp và phê phán kịch liệt sự bạc nhược, cầu an của triều đình và trách nhiệm của họ đối với vận mệnh của đất nước. “Ngày trước có thể làm được mà không làm, ngày nay muốn làm thì làm không kịp. Trong tình thế hèn yếu đã lâu mà muốn có kế sách vẹn toàn thì thật là khó”. Ông chủ trương phải hành động ngay, đừng ngồi bàn cãi mất thời cơ: “… Chúng còn lòng tham không đáy…., chợt cướp, chợt trả, tâm địa giảo quyệt phơi bày quá rõ, thế mà ta chỉ lo bàn chiến bàn thủ, rối bời không quyết định gì được”.
Sau khi phân tích rất kỹ tình thế hiện tại, ông đề xuất kế sách chống Pháp gồm 5 điểm. Một là, dời kinh đô về Thanh Hóa lấy chỗ địa thế hiểm yếu để giữ vững gốc nước. Hai là, lập đồn điền ở các vùng rừng núi phía Bắc; Chọn lọc quân tinh nhuệ ở lại phòng thủ các đồn lũy, số còn lại đưa đến các đồn điền trên để làm ra lương thực. Ba là: Luyện binh thường xuyên và mua sắm vũ khí mới. Bốn là: Đưa con em tài giỏi ra nước ngoài học khoa học thực nghiệm và cơ khí phương Tây. Năm là: Mở rộng ngoại giao với các nước châu Âu, nhất là nước Đức và nước Anh để kiềm chế Pháp, như cái lối "hợp tung thời Chiến quốc".
Giải pháp này không chỉ giải quyết những vấn đề cụ thể trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Rất tiếc, các đề nghị của Nguyễn Lộ Trạch hầu như không được nhà vua và triều đình tiếp nhận, thực hiện.
Tháng 7/1885, Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi tấn công Pháp ở kinh thành Huế, bị đàn áp phải chạy ra Quảng Trị, ban bố dụ Cần Vương. Năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt, phong trào Cần Vương bị đàn áp khốc liệt. Vì nắm bắt được tình thế nên dường như Nguyễn Lộ Trạch dự báo được kết cục của cuộc chiến, ông đành đứng ngoài cuộc chiến, lui về ở ẩn song vẫn khắc khoải lo nghĩ về việc nước.
Đến Thiên hạ đại thế luận
Năm 1892, dưới triều Thành Thái, kỳ thi Hội ở Huế có hỏi về "đại thế hoàn cầu". Không đi thi nhưng Nguyễn Lộ Trạch cũng viết một bài luận có tên là "Thiên hạ đại thế luận" bàn về tình thế Việt Nam và các nước Á Đông trước nguy cơ thôn tính của Phương Tây, dự báo tình hình và đề ra các biện pháp ứng phó, thể hiện một cách có hệ thống tư tưởng của ông. Về chính trị, ông chủ trương đất nước phải canh tân theo xu thế/ trào lưu chung của thế giới; muốn giữ được nước thì phải tự cường, phải có nền chính trị - giáo dục hiện đại. “Sự mất còn của một quốc gia là do chính trị - giáo dục chứ không phải là do mạnh yếu, lớn nhỏ. Chính trị - giáo dục được sửa sang cất cử thì nhỏ yếu cũng chưa thể mất được”. Ông phân tích bối cảnh địa - chính trị, thế và lực của các nước phương Đông một cách chính xác và sâu sắc với những dự đoán tài tình (như vai trò của Nhật Bản, về số phận Trung Quốc, về chiến tranh thế giới trong tương lai…).
Đây là một tư tưởng mới, tiến bộ về con đường phát triển đất nước vượt xa tầm tư duy chính trị của số đông người đương thời. Tiếc rằng Thiên hạ đại thế luận chỉ được ông gửi cho Nguyễn Thượng Hiền và trở thành một tài liệu “lưu truyền nội bộ” trong giới sĩ phu yêu nước mà thôi.

Tư tưởng và sự nghiệp canh tân đất nước của Nguyễn Lộ Trạch đã không thành bởi sự lạc hậu, bảo thủ, giáo điều của nhà Nguyễn. Dẫu không thành công nhưng tư tưởng, tinh thần ái quốc của ông đã gieo mầm duy tân cho một thế hệ mới đầu thế kỷ XX với hai đại diện xuất sắc là Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu.

Vĩnh Khánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-nguyen-lo-trach-mot-tam-nhin-xa-410517.html