Nguyễn Huy Thiệp: Con trai tôi mất 15 năm để cai nghiện ma túy

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khẳng định 'Tuổi 20 yêu dấu' là cuốn sách được lấy nhiều chất liệu thực từ chính con trai nghiện ma túy của ông, từ chính gia đình ông.

Cuốn tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu được Nguyễn Huy Thiệp viết xong năm 2003, dịch và xuất bản tại Pháp năm 2006. Tới gần đây, tác phẩm mới ra mắt chính thức tại Việt Nam. Tác phẩm kể về một thanh niên Hà Nội 20 tuổi tên Khuê, từ một sinh viên, con của nhà văn nổi tiếng đã dần dần “tuột xích”.

Khuê đi bụi, vận chuyển hàng lậu, quan hệ với gái điếm và dính vào ma túy, cuối cùng tìm được ý nghĩa cuộc sống nơi thiên nhiên, lao động, đặc biệt tỉnh ngộ trước sự ra đi vĩnh viễn của cha.

Nhiều ý kiến cho rằng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết tác phẩm từ câu chuyện thật của mình. Ông có cuộc trò truyện quanh quá trình sáng tác Tuổi 20 yêu dấu.

Cuốn sách này trước hết cứu được con trai tôi

- Sau 15 năm viết ra, giờ đây tác phẩm mới được xuất bản chính thức. Cảm xúc của ông hiện nay thế nào?

- Nó cũng giống như nồi cơm mình nấu ra, để giờ đã nguội. Nhưng cũng không sao. Mình biết cách làm lại, nó vẫn có giá trị riêng. Cuốn sách đó vẫn là một mốc quan trọng trong cuộc đời của tôi.

Nguyễn Huy Thiệp trong một lần tham gia hội thảo quốc tế về phê bình văn học. Ảnh: Tần Tần.

Nguyễn Huy Thiệp trong một lần tham gia hội thảo quốc tế về phê bình văn học. Ảnh: Tần Tần.

- Những chuyện trong cuốn sách vào thời điểm viết ra rất thức thời (Internet vào Việt Nam, thanh niên chơi hàng trắng…) Nhưng đến nay những chuyện đó quá quen thuộc rồi. Ông có tiếc nuối khi sách xuất bản chậm?

- Chuyện ấy tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết viết nó ra thôi. In được sớm thì tốt, mà muộn rồi vẫn in thì cũng tốt. Điều đó không có ý nghĩa gì với tôi.

- Nếu ra đúng thời điểm, hẳn tác phẩm có sức lan tỏa lớn hơn chứ?

- Cũng có thể, mà cũng chưa chắc. Điều này, theo tôi, (không phải tôi nói đâu, mà một nhà văn khác nói) một nhà văn viết cuốn sách thì không thể cứu được anh ta, mà một người đọc nào đấy vô tình đọc được cuốn sách thì cứu được cuộc đời họ.

Tôi không biết sách của mình thế nào, nhưng cuốn sách của tôi trước hết cứu được con tôi.

Thứ hai nữa là người dịch sách của tôi sang tiếng Pháp, anh ta nói, trong quá trình dịch tác phẩm này, anh ấy cũng có sự thay đổi.

- Ông vừa nói cuốn sách cứu được con mình, vậy cuốn sách đã cứu con ông như thế nào?

- Ồ, tôi nói thế, có lẽ cũng là nói quá. Tất cả, ngẫm hay muôn sự tại giời thôi, không phải chỉ một cuốn sách mà cứu được tất cả. Trước hết, cuốn sách nó cứu tôi nhiều hơn, tôi đã nhận ra nhiều điều. Bằng nhận thức bản thân tôi, tự dưng nó tác động tới các con tôi.

- Dường như tác phẩm này chứa rất nhiều câu chuyện thực của ông?

- (Cười) Không đúng. Nó là tiểu thuyết mà, nó là một thứ hư cấu nên là chuyện bịa nhiều hơn. Nhưng cũng có nhiều chi tiết thực. Ít nhất nó cũng phải bảy thực, ba hư.

- Vậy ông phải xử lý như thế nào để chất liệu thật biến thành văn chương?

- Cái đó là tâm tưởng; tức là từ cái tâm của mình. Chúng ta vẫn nghĩ, nhiều người cứ khoe tài viết văn của mình, rằng mình có tài năng, từ trí óc của mình… nhưng tôi ngẫm không phải.

Trí óc cũng quan trọng, nhưng bằng cái tâm của mình, mình chọn ra được những từ, cảnh, những ý tứ từ sâu trong trái tim mình, chứ không phải từ trong bộ óc, hay dạ dày hay đâu đấy.

Tuổi 20 yêu dấu được Nguyễn Huy Thiệp viết với nhiều chất liệu thật trong cuộc sống. Ảnh: Tần Tần.

- Trong tác phẩm của ông đề cập nhiều vấn đề xã hội phức tạp như buôn lậu, heroin… Ông đã thâm nhập thực tế như nào để có chất liệu viết?

- Chuyện đấy chẳng có xâm nhập gì thực tế, ai cũng nhìn thấy nhan nhản trong xã hội. Ai cũng nhìn thấy nhưng có ai dám cầm bút, viết ra điều đấy hoặc nói ra nó một cách chân thực, và có ý nghĩa, hoặc biết nói một cách nghệ thuật thôi.

Các vấn đề trong sách thật ra nó rất bình thường, xã hội nào cũng có chứ chẳng riêng Việt Nam ta những năm 1990. Ở những nước xã hội phát triển, những tệ nạn càng nhiều, đó là những chuyện đương nhiên. Cũng giống như trong con người ta có cái tốt, cái dở, cái hay, cái xấu, và luôn luôn chúng ta phải đấu tranh. Chỉ cần một chút không đấu tranh thì sẽ sa ngã.

- Ông viết tác phẩm trong khoảng một tháng liệu có là quá ngắn không so với khoảng thời gian cần thiết để viết một cuốn tiểu thuyết?

- Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Lúc viết, trong lòng tôi có câu chuyện đó. Khi ấy thể lực của tôi rất khỏe. Cũng có những chuyện mà sức khỏe yếu thì không viết được. Nó phải ở trong một tâm thế thế nào, hoàn cảnh thế nào mới viết ra được.

Cuốn truyện viết về một thanh niên nghiện ma túy. Tôi không bao giờ nghĩ rằng chuyện đưa một con người thoát ra khỏi ma túy là đơn giản, không đơn giản chút nào hết. Như con tôi phải mất 15 năm để thoát ra. Cùng thế hệ với nó gần như chết sạch rồi; nó là thế hệ heroin đầu tiên vào Việt Nam.

Và trong câu chuyện ấy, có những thứ tôi biết 10 mà chỉ viết một.

- Tức là con trai ông đã cai được ma túy sau 15 năm?

- Vâng. Bây giờ nó đã trở lại bình thường.

- Chuyện kỳ diệu đó có phần nào do tác động của cuốn sách này không?

- Có lẽ là cũng có. Nhưng không phải là tác động trực diện. Ngẫm hay muôn sự tại giời, cũng là do giời. Nhưng tôi luôn hướng con tôi tới tự nhiên, để con tìm tới những gì tự nhiên phù hợp với nó.

Là nhà văn khổ lắm, nhiều khi bị báng súng, lưỡi lê chĩa vào

- Ông viết nhiều về những nhân vật thanh niên, từ truyện ngắn tới tiểu thuyết. Tại sao ông quan tâm tới thanh niên mới lớn như vậy?

- Tôi giờ đã 69 tuổi rồi, hay trao đổi với ông Bảo Sinh - một nhà thơ dân gian - rằng, trên đời, tuổi thanh niên đẹp nhất. Tuổi trẻ là bước đầu trong đường tu luyện của con người.

Dân gian họ nói rất đúng. Nhà quê họ nói “Trẻ không chơi già hư đốn”. Tôi thấy dân gian nhìn rất đúng về những vấn đề quan trọng của tuổi trẻ. Một trong những ngộ nhận của con người đó là tình yêu, quan hệ nam nữ. Nó là trò chơi của Thượng Đế.

Chúng ta tìm hiểu, cư xử với nó có văn hóa, học thức chứ không thể mê man, bừa bãi được. Nếu không có những hiểu biết nhất định ở trong cuộc sống, chúng ta luôn bị nhầm lẫn, rước vào những thứ đau khổ.

Nguyễn Huy Thiệp của hiện tại, là một người "rửa tay gác kiếm" với sáng tác văn chương. Trong các cuộc trò chuyện, ông nhắc nhiều tới việc tu thân.

- Ông gặp thách thức gì khi nhập vai một thanh niên 20 tuổi để viết cuốn sách này?

- Khi viết văn, bất cứ nhân vật nào cũng thách thức, chứ không phải nhân vật ở tuổi 20. Tác phẩm này do hoàn cảnh của gia đình tôi, bản thân tôi, con trai tôi, nó có những cái vướng rất lớn. Nếu viết không khéo thì sẽ cãi lộn cả nhà. Nếu không khéo, tôi sẽ “hy sinh” trước. Tôi là cột trụ, chỗ dựa cho các thành viên trong gia đình.

Và không có cách nào khác, thước đo quan trọng nhất của vũ trụ là chân - thiện - mỹ, trong đó chân là quan trọng nhất. Chân là độ thẳng thắn, đối mặt các vấn đề trong cuộc sống, cái hay, dở, đúng sai, và tìm ra cách ứng xử. Chân là cái khó nhất. Anh không biết giả thì anh không biết thế nào là chân. Tìm ra cách ứng xử trong tình huống ấy là điều quan trọng.

Nhưng nó vẫn chưa quan trọng bằng tình cảm người viết. Tôi viết cuốn sách này với tình cảm tôi dành cho con trai tôi - người đã dính vào ma túy, bạn bè con trai dính vào ma túy.

Tôi là nhà văn, có chút danh tiếng, mà có danh tiếng khổ lắm. Nếu không cẩn thận, sẽ bị những mũi nhọn chĩa vào. Nhiều khi nó là lưỡi lê, báng súng. Viết văn là nghề rất khó. Nó đòi hỏi ta phải tu thân để giải quyết vấn đề của mình, gia đình mình, xã hội. Trước tiên mình tu thân mình, thì tự nhiên nó có ảnh hưởng tới những thành viên khác trong gia đình, xã hội.

- Có nhiều ý kiến cho rằng tiểu thuyết này không xuất sắc như các truyện ngắn của ông. Ông nghĩ thế nào về những đánh giá ấy?

- Tôi cũng cảm thấy thế. Khi sang Pháp nói chuyện về cuốn sách này, tôi cũng đã nói, lúc viết cuốn sách này chỉ đạt 6/10 khả năng của tôi thôi. Nhưng, nó là một cuốn sách viết khó chứ không phải dễ.

Tự sự trong tiểu thuyết là hình thức khó, rất khó. Anh viết thực quá - hỏng, anh viết giả quá - hỏng. Vì văn học là nghệ thuật, làm sao nó phải có sự liên kết với sự thật, nhưng không dễ biểu đạt. Thực sự đây là cuốn tiểu thuyết không phải ai cũng viết được.

- Trong nội dung cuốn sách có những chi tiết chưa được logic cho lắm, như nhân vật Khuê bị bác Nhan Như Ngọc đưa ra đảo hoang. Rõ ràng ông Nhan Như Ngọc biết Khuê ở đảo, tại sao khi bố Khuê mất, ông Ngọc không báo cho cậu trở về?

Tôi chẳng có tài năng gì. Nhưng tôi luôn hướng về những giá trị chân - thiện - mỹ.

-Trong văn học cũng vậy, đôi khi là việc anh có dám làm hay không, có dám viết hay không, giọng thành thực của anh ta đến đâu. Như ông Nguyễn Du nói: "Ngẫm hay muôn sự tại giời".

- Tuổi 20 của ông diễn ra như thế nào?

- Tôi sinh ở nông thôn, mẹ tôi là nông dân. Thời thơ ấu của tôi cũng khổ, không chỉ bản thân tôi mà cả xã hội như vậy. Mẹ đẻ tôi khi tản cư ở Thái Nguyên. Khi 10 tuổi tôi về Hà Nội.

20 tuổi tôi học ở Hà Nội, nhưng không bao giờ đi quá gò Đống Đa, mà chỉ quanh quẩn trong làng. Sau đó tôi dạy học chín năm ở Tây Bắc.

Quá khứ của tôi, thơ ấu của tôi cũng khổ như nhiều người khác. Tôi đọc sách, ước ao của tôi là mình làm việc gì đấy mà lớn lên mình dựng được ngôi nhà cho khỏi dột, để mẹ ở cho khỏi khổ. Sau này nhờ viết văn mà tôi làm được ngôi nhà. Có thể nói tôi thành nhà văn từ mơ ước làm nhà cho mẹ cũng được.

Thu Hiền

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguyen-huy-thiep-con-trai-toi-cai-ma-tuy-15-nam-post890761.html