Nguyên hiệu trưởng 3 trường THCS chia sẻ về Ban phụ huynh

NGƯT.TS Trần Thị Kim Liên - Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, từng là hiệu trưởng của 3 trường THCS tại Hà Nội – đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện về Ban đại diện cha mẹ học sinh (BPH) đang được dư luận quan tâm hiện nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ban phụ huynh không thể thiếu trong hoạt động nhà trường

- Nhiều năm làm công tác quản lí, cô thấy Ban đại diện cha mẹ phụ huynh có thực sự cần thiết?

Hãy cảm ơn những người tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh và hiểu họ đang hoạt động không công vì học sinh, vì con em chúng ta! Bởi chẳng mấy ai muốn mất công mất sức vào việc dễ bị tổn thương, hiểu nhầm, phản đối, với một số người có cái nhìn phiến diện hiện nay.

NGƯT Trần Thị Kim Liên

Đã từng nhiều năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm lớp và công tác quản lí giáo dục, tôi thấy sự tồn tại của Ban đại diện cha mẹ học sinh (BPH) là cần thiết, không thể thiếu trong hoạt động của nhà trường.

BPH là đại diện cho tập thể của từng lớp (chi hội CMHS ) và đại diện cho tập thể phụ huynh toàn trường (Hội cha mẹ học sinh) phối hợp cùng với nhà trường chăm lo giáo dục học sinh, động viên thầy - trò hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học.

BPH là người được nắm thông tin nhanh nhất các kế hoạch nhiệm vụ của nhà trường cần phải phối hợp thực hiện và phản ánh trao đổi kịp thời những vấn đề của nhà trường, thầy cô chưa làm đúng ở trên lớp hay các bộ phận khác trong nhà trường chưa hoàn thành chức trách công việc ,giúp chúng tôi tránh được những thiếu sót.

BPH cũng là những người nắm thông tin từ tâm tư nguyện vọng của các phụ huynh, học sinh ở lớp, trường, ở địa phương để trao đổi cho giáo viên hoặc nhà trường biết, kịp thời có biện pháp xử lí những vấn đề đột xuất xảy ra.

Ví dụ: Một phụ huynh xin phép gặp nhà trường có vấn đề đột xuất ,các bảo vệ giới thiệu người cần gặp, vì có sự việc sau giờ tan lớp học sinh hay tụ tập đá bóng gây ảnh hưởng mất trật tự khu tập thể cạnh trường, bà con chửi bới, các cháu xô xát ... vừa rồi một người phản ánh thấy có học sinh mua một con dao rất to mang vào trường...

Những việc như vậy nhiều người bỏ qua, hoặc lên tiếng thầy cô dạy thế à? Nhờ tình cờ gặp một bác trong chi hội cha mẹ học sinh thì nhà trường đã ngăn chặn kịp thời.

Một BPH đến gặp quản lý nhà trường xin trao đổi việc thầy cô ở lớp dạy khó hiểu, ra bài tập nhiều, khó,... kèm theo là biên bản cuộc họp đề nghị nhà trường giải quyết các nguyện vọng bức xúc của phụ huynh.

Công việc, thời gian trên lớp hạn chế người giáo viên tiếp xúc với phụ huynh, nên BPH là người đại diện cho cha mẹ phản ánh, đề xuất giải quyết các vấn đề khúc mắc từ cả hai phía, phối hợp thầy cô giải quyết các sự vụ đột xuất.

Những câu chuyện thực tế như: Một học sinh ốm nặng, một em khác bố chẳng may bị tai nạn qua đời, cô trò và BPH đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên, quyên góp giúp đỡ khó khăn...

Biết bao việc thường ngày xảy ra, chính BPH đã giúp nhà trường cùng chăm lo, phối hợp, đảm bảo an toàn, an ninh trường học.

BPH thay mặt phụ huynh sát cánh cùng con em mình trong nhiều hoạt động, động viên khen thưởng học trò hoàn thành nhiệm vụ học tập tốt.

Có buổi đi tham quan giáo dục truyền thống, thấy lớp mình không có phụ huynh nào đi cùng, các em nhìn nhau phàn nàn "phụ huynh lớp mình chán nhỉ! Chẳng thèm quan tâm. Nhìn các lớp khác buồn cho lớp mình".

Hoặc sơ kết cuối học kì, không có phụ huynh, lớp buồn tiu ngiủ, dù cô giáo vẫn dịu dàng động viên trò, nhưng mỗi trò vẫn cảm thấy thiếu bóng dáng cha mẹ để san sẻ chung vui, biết con đã cố gắng như thế nào.

Rất nhiều những sự vụ xảy ra trong nhà trường, rất nhiều những khó khăn bất ngờ các thầy cô đã giải quyết êm đẹp để học sinh mỗi ngày đến trường vui vẻ, an lành là nhờ chúng tôi luôn có sự đồng hành của phụ huynh mà đại diện là BPH.

NGƯT.TS Trần Thị Kim Liên

Để BPH hoạt động hiệu quả, lành mạnh

- Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng cần có BPH trong nhà trường, nhưng thực tế có những bức xúc về thu chi liên quan đến BPH, theo cô vì sao?

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và nhiều nhà quản lý giáo dục thấy được sự cần thiết của BPH vì họ hiểu công tác giáo dục đào tạo con người, hiểu được công việc của nhà trường trong việc chăm lo dạy dỗ đào tạo giáo dục con người không nhẹ nhàng, đơn giản như nhiều người quan niệm.

Không gì có thể sánh cần được bảo vệ chăm lo như trẻ em. Vì muốn có điều kiện chăm sóc học sinh trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mà các nhà trường đã phải vận động phụ huynh cùng hỗ trợ, phối hợp.

Ngoài những khoản tiền bắt buộc theo qui định, nhiều trường có các khoản thu hộ (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể), khoản tự nguyện...

Đúng nguyên tắc thì thu tiền là của bộ phận kế toán. Nhưng với trường công lập, số học sinh đông nên rất khó thu, nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm.

Ngày họp phụ huynh, nhiều việc nên BPH lại phải thu hộ giáo viên. Phụ huynh lớp nào cũng thu quỹ của lớp để hoạt động và lớp có điều kiện thường thu nhiều hơn với lí do họ chăm lo trực tiếp cho lớp mình... và nhiều tai tiếng xảy ra .

Với cơ chế quản lý giáo dục như hiện nay thì các trường công lập năm nào cũng diễn ra cảnh bị phụ huynh kêu ca vì kinh phí nhà nước bao cấp chưa đủ.

Nhưng có một số trường đã lợi dụng điều đó đặt ra những khoản thu vô lí hết sức trong khi biết bao gia đình còn khó khăn. Cần phải nghiêm khắc với những trường để xảy ra như vậy! Đó là nguyên tắc tài chính Bộ GD&ĐT đề ra.

- Vậy theo cô, có cách nào để BPH hoạt động có hiệu quả,lành mạnh?

Phụ huynh cần chọn và cử đại diện của mình phối hợp với giáo viên, nhà trường chăm lo, động viên con em, thầy cô trong việc dạy tốt - học tốt thì cần chọn người có tâm, nhiệt tình, yêu thương và cảm thông với trẻ, cảm thông với những hoàn cảnh, con người khó khăn vất vả.

Người đó phải có sức thuyết phục những người khác bằng lời nói, việc làm không vụ lợi, có cách ứng xử văn hóa văn minh, gương mẫu trong việc dạy dỗ con cái, có hiểu biết xã hội nhất định.

Con cái họ phải là học sinh gương mẫu về học tập đạo đức trong lớp. BPH cứ căn cứ vào Điều lệ mà thực hiện. Các phụ huynh không trong BPH cũng nên quan tâm, giám sát để xem nhà trường và BPH đã thực hiện như thế nào.

Đấy cũng là điều cần thiết để ngăn chặn những sai sót góp phần làm lành mạnh, hiệu quả hoạt động của BPH.

- Xin cảm ơn cô!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tieu-diem/nguyen-hieu-truong-3-truong-thcs-chia-se-ve-ban-phu-huynh-3841461-v.html