Nguyễn Hải Dương trước khi thi hành án

Trước những ngày cuối chuẩn bị thi hành án, Nguyễn Hải Dương có tinh thần và sức khỏe ổn định.

Theo dự kiến, ngày 17/11 tới, Nguyễn Hải Dương (quê An Giang) sẽ bị thi hình án từ bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Ông Nguyễn Phú Hải (bố của Dương) cho biết từ lâu ông đã chuẩn bị tâm lý đối mặt với việc con trai duy nhất của gia đình bị tử hình.

"Mấy hôm trước gia đình có nhận thông báo về việc nhận xác của Dương. Lúc đó gia đình tôi mới hay tin Dương sắp bị tử hình. Vợ tôi và đứa con gái học lớp 12 mấy nay bỏ ăn và ít nói. Không khí xung quanh rất nặng nề"- ông Hải chia sẻ.

Ông Hải cho biết 8 giờ sáng 17/11, gia đình sẽ tiếp nhận thi thể của Dương và dự kiến hỏa thiêu, gửi tro cốt vào chùa.

Ông Hải, ba tử tù Nguyễn Hải Dương và bà Vũ Thị Thi, mẹ tử tù Vũ Văn Tiến.

Ông Hải, ba tử tù Nguyễn Hải Dương và bà Vũ Thị Thi, mẹ tử tù Vũ Văn Tiến.

Được biết cách đó ít hôm, gia đình đã đến trại giam tỉnh Bình Phước để gặp Dương lần cuối. Tinh thần và sức khỏe của Dương ổn định, chỉ có ánh mắt có phần mệt mỏi.

Một người thân của Dương kể lại: "Dương có 3 điều mong mỏi trước khi thi hành án tử. Đó là, mong gia đình Vũ Văn Tiến thứ lỗi. Thứ hai, xin giảm tội cho Vũ Văn Tiến khỏi chịu án tử hình. Thứ ba, gia đình khỏe mạnh và Dương được thi hành án càng sớm càng tốt".

Trong khi đó mẹ của Tiến cũng chia sẻ cách đây không lâu khi bà đến trại giam thăm con trai có ghé qua thăm hỏi Nguyễn Hải Dương.

Lúc này, Dương quỳ gối chắp tay năn nỉ bà xin đừng oán hận và nhận mọi việc do mình gây ra.

Được biết mẹ của Tiến đã làm hàng loạt lá đơn gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để xin ân xá con trai mình từ án tử hình xuống chung thân.

Liên quan tới việc thông báo về ngày thi hành án tử đối với Nguyễn Hải Dương, nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi đã xảy ra.

Một số ý kiến cho rằng việc công khai sẽ thi hành một bản án tử hình sẽ có tác dụng răn đe và giáo dục pháp luật để bớt đi những vụ phạm pháp. Nhưng cũng có ý kiến nói đây là việc làm không nhân đạo đối với gia đình tử tù.

Nguyễn Hải Dương

Người vi phạm thì phải chịu trách nhiệm của mình trước pháp luật bằng những hình phạt nghiêm khắc nhất, nhưng thân nhân của người đó không có lỗi gì để phải chịu những hình phạt về tinh thần khi người người đều biết ngày đó, giờ đó người thân của mình sẽ bị tiêm thuốc chết.

Theo ông Vũ Phi Long - nguyên Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM cho rằng Thông tư liên tịch quy định rõ về việc thông báo cho gia đình tử tù được biết là để gia đình, thân nhân tử tù nhận xác về mai táng là quy định nhân văn.

Việc cho thân nhân nhận xác tử tù về mai táng cũng là phù hợp với truyền thống và đạo đức, văn hóa của người Việt.

Tuy nhiên, theo ông Long việc thông báo này chỉ được thực hiện đối với gia đình tử tù chứ không được thông báo cho những người khác biết.

Theo một thẩm phán đã từng tham gia Hội đồng thi hành án tử hình chia sẻ: Trước khi Luật Thi hành án hình sự 2010 có hiệu lực pháp luật thì việc thi hành bản án đối với một tử tù chỉ có Hội đồng thi hành án được biết, còn lại kể cả trường bắn cũng không được biết cụ thể người bị thi hành án là ai mà chỉ biết trước ngày đó, giờ đó có thi hành án để chuẩn bị.

Một lý do để đề phòng nữa đó là nếu thông tin này không được bảo mật thì có thể xảy ra hiện tượng cướp pháp trường, hoặc gây khó khăn cho quá trình di chuyển phạm nhân từ trại tạm giam đến nơi thi hành án.

Theo vị này, thông tin về ngày thi hành án tử hình được thông báo cho thân nhân tử tù nhưng toàn bộ kế hoạch thi hành án tử hình luôn được bảo mật.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/nguyen-hai-duong-truoc-khi-thi-hanh-an-3347237/