Nguyễn Du và những giá trị làm giàu tiếng Việt

Một báo cáo khoa học (chuyên về ngôn ngữ Truyện Kiều) không thể bao quát được nhiều vấn đề. Chỉ riêng một mảng rất thú vị là thành ngữ thôi cũng đã có 445 đơn vị. Xin miêu tả, phân tích hai từ là ' đoạn trường' và ' hoa' , nhằm chỉ ra phần đóng góp thực sự của Nguyễn Du trong lĩnh vực sáng tạo từ ngữ.

1. Sau 200 năm Đại thi hào Nguyễn Du tạ thế (1820-2020), cho đến nay đã có không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu về tác phẩm Truyện Kiều bất hủ của ông (theo một thống kê chưa đầy đủ là trên 20.000 thư mục lớn nhỏ). Thật khó tưởng tượng một tác phẩm văn học gồm 3.254 câu lục bát lại tiềm ẩn nhiều “tầng vỉa” giá trị đến thế. Trường tồn cùng dân tộc, sức sống của tác phẩm này ngày càng phát huy mạnh mẽ và tiếp tục thu hút các nhà nghiên cứu ở mọi lĩnh vực (văn học, lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa…) trong đó lĩnh vực nghiên cứu nhiều nhất và cũng đạt được nhiều thành tựu nhất phải nói là Văn học và Ngôn ngữ học.

2. Quả thực, việc khai thác các giá trị ngôn ngữ của Truyện Kiều là vô cùng rộng lớn, bao gồm cả ba địa hạt chính của hệ thống ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Bản thân địa hạt từ vựng - ngữ nghĩa lại bao hàm nhiều vấn đề: từ ngữ, thành ngữ - tục ngữ, quán ngữ… (thuần Việt, Hán Việt). Tiếng Việt - ngôn ngữ của dân tộc Việt, hiện là ngôn ngữ chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có lịch sử hàng ngàn năm. Tiếng Việt thời Nguyễn Du (cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX), được lưu giữ trong các tác phẩm của ông (đặc biệt là tác phẩm viết bằng chữ Nôm) là một khoảng thời gian không dài trong tiến trình phát triển ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, tính đến nay, 200 năm đã qua là một khoảng thời gian đáng kể, đủ để chúng ta nhìn nhận, đối chiếu ngôn ngữ Truyện Kiều - kiệt tác được coi là một “lát cắt ngẫu nhiên” với tiếng Việt thời hiện đại. Vì vậy theo chúng tôi, phải áp dụng phương pháp nghiên cứu lịch đại thì chúng ta mới nhận chân được sự khác biệt của tiếng Việt ở hai thời kì, từ đó, nhìn ra tài năng và công lao đóng góp của Nguyễn Du cho kho tàng ngôn ngữ dân tộc.

Như đã nói ở trên, một báo cáo khoa học (chuyên về ngôn ngữ Truyện Kiều) không thể bao quát được nhiều vấn đề. Chỉ riêng một mảng rất thú vị là thành ngữ thôi cũng đã có 445 đơn vị (thống kê của Lê Thị Bích Hồng, Thể thao & Văn hóa, 16/9/2020). Trong số đó lại chia ra làm ba nhóm: thành ngữ có nguồn gốc từ văn học dân gian Việt Nam, thành ngữ từ văn học bác học Trung Quốc và thành ngữ tự tạo. Chúng tôi xin miêu tả, phân tích hai từ (mà theo thiển ý của chúng tôi là rất tiêu biểu, độc đáo, đặc sắc) là đoạn trườnghoa, nhằm chỉ ra phần đóng góp thực sự của Nguyễn Du trong lĩnh vực sáng tạo từ ngữ.

3. Nhà phê bình văn học Hoàng Thiếu Sơn có lần đã nói: “Nếu chỉ cần một câu để mô tả Truyện Kiều thì tôi chọn câu Đêm khuya thân gái dặm trường”.

Hoàng Thiếu Sơn có lí, bởi câu thơ trên lột tả đúng “cốt truyện” thần thái làm nên tinh thần chủ đề tư tưởng của Truyện Kiều. Chúng ta đã biết, trường thi tiểu thuyết này (dựa trên tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân - Trung Quốc) khi ra đời được Nguyễn Du đặt tên là “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu mới dứt ruột). Chữ “đoạn trường” này ám ảnh Nguyễn Du, trở thành âm hưởng chủ đạo, để ông xây dựng nhân vật Thúy Kiều mà cuộc đời "dâu bể đa đoan" xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Tôi sẽ dừng lại phân tích từng từ trong sự biến thiên ngữ nghĩa qua bút pháp tài tình của Nguyễn Du.

4. Trước hết, xin nói một chút để nói về xuất xứ của từ đoạn trường.

Theo Từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc (1993) thì vào đời Tấn (266-420 sau Công nguyên, một trong sáu triều đại hậu Tam Quốc bên Trung Hoa, với sự “thống nhất sơn hà” của Tư Mã Viêm), có một vị quan tên là Hoàn Ôn. Một lần Hoàn Ôn dẫn quân đi chinh phạt, hành binh ngược dòng sông Tam Hiệp. Dọc đường, quân sĩ bắt được một chú khỉ con đang lang thang ở vách núi và bỏ vào thuyền đùa rỡn. Khỉ mẹ thấy con bị bắt, liền men theo bờ sông và cứ thế khóc gào, rất thảm thiết. Tuy mệt và sức yếu, khỉ mẹ vẫn cố đuổi theo thuyền của quân sĩ đến hơn 100 dặm (dặm: đơn vị đo độ dài cũ = 444,44m) và ráng hết sức bình sinh nhảy được lên thuyền. Nhưng khỉ mẹ cũng chỉ cố gắng được đến thế. Nó gắng gượng nhìn đứa con thân yêu lần cuối rồi lăn ra chết. Quân sĩ của Hoàn Ôn rút gươm mổ bụng khỉ mẹ và kinh ngạc thấy tất cả ruột của khỉ mẹ đều bị đứt ra từng đoạn. Người đời sau dùng từ “đoạn trường” để chỉ nỗi đau thương quá mức bình thường, khó tả xiết.

Ngữ nghĩa xuất xứ như vậy hẳn là đã rõ. Nhưng còn rõ hơn ở các ngữ cảnh sử dụng trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã “làm mới” và cấp cho “đoạn trường” những nét nghĩa mới, sinh động và hết sức hàm súc. Chúng ta cùng lần lượt xem xét một số câu thơ có chữ “đoạn trường”.

4.1. “Mà xem trong sổ đoạn trường có tên”

Đây là câu thơ thứ 200 và là câu đầu tiên xuất hiện từ đoạn trường trong Truyện Kiều (Vâng trình hội chủ xem tường/ Mà xem trong sổ đoạn trường có tên). Từ chữ dùng của Nguyễn Du, “đoạn trường” có nghĩa, chỉ sự "gian nan, chìm nổi đến cùng cực, như một cái mệnh "nghiệp báo" gắn vào cuộc đời ai đó". Cái mệnh đó được "định" trước cho một số người, trong đó có nàng Kiều đã mang "nặng kiếp má đào". Vì vậy mà có một loạt tổ hợp từ phái sinh từ đây: cuộc đời (kiếp) đoạn trường (“Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây”, “Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi”, “Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh”, “Đoạn trường thay lúc phân kì”…), sổ đoạn trường, thơ đoạn trường (“Đoạn trường sổ rút tên ta/ Đoạn trường thơ phải đem mà trả nhau”), tập đoạn trường (“Ví đem vào tập đoạn trường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”), số đoạn trường (“Đoạn trường là số thế nào/ Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia”), nợ đoạn trường (“Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?”), hội đoạn trường (“Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn”), khúc (nhạc) đoạn trường (“Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi”), nỗi đoạn trường (“Sụt sùi giở nỗi đoạn trường/ Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh”), (nơi) chốn đoạn trường (“Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”)…

4.2. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”

Đây là một câu thơ trong Truyện Kiều chứ không phải là một câu trong kho tàng tục ngữ hay thành ngữ tiếng Việt. Nhưng nó có giá trị chẳng khác gì (thậm chí còn hơn) một câu tục ngữ, thành ngữ chính danh.

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, đó là lời của Nguyễn Du thốt lên khi nói về thân phận nàng Kiều (“Kể bao xiết nỗi thảm sầu/ Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”). Nếu giải nghĩa đơn giản, ý của câu thơ là “Phải trải qua thực tế (qua cầu) với những gì đã trải qua thì ta mới hiểu, mới thấm thía hết mọi điều (diễn ra trong cuộc sống)”. “Mới hay” là “mới biết, mới thấu hiểu một điều gì đó khi quan sát mọi sự tình diễn ra”.

Đó là logic của cuộc sống. Đó là một lẽ đời. Và đó cũng là một triết lí dân gian về giá trị của sự từng trải, chiêm nghiệm. Tất nhiên, người không chứng kiến những biến cố của ai đó trong cuộc đời vẫn có thể “tri nhận” và thấu cảm sự đời. Đó là lẽ thường tình. Chả ai mong nhận về mình những khổ đau, trắc trở. Nhưng nếu họ đã từng trải qua thì sự thấu cảm đó chắc chắn sẽ thấm thía và sâu sắc hơn. Và cũng chính từ cảnh ngộ của mình, họ sẽ trưởng thành, rắn rỏi hơn. Họ cũng dễ thông cảm và chia sẻ cùng người khác.

Chúng tôi muốn dẫn câu này để nói một nhận định mà chắc đa số chúng ta đều đồng tình: Rất nhiều câu thơ trong Truyện Kiều có giá trị như một nhận định, một chiêm nghiệm, một lẽ thường (topos)... Những câu thơ này hay và chí lí đến nỗi khi đọc lên, ta cứ ngỡ đó là một một bài học về triết lí sống ở đời. Ngay hai câu đầu tiên trong Truyện Kiều đã mang dáng dấp một "nhận định tổng kết": “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau". Chỉ giở trang Kiều ngẫu nhiên, ta cũng có thể dẫn ra nhiều ví dụ: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung", Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông", Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", Tình sâu mong trả nghĩa dày/ Hoa kia đã chắp cành này cho chưa", Xưa nay trong đạo đàn bà/ Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường", Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh",... Những câu như thế, chúng ta vẫn có thể dẫn (lẩy Kiều) trong những phát ngôn bình thường khi nói và viết như dẫn một câu tục ngữ vậy. Nguyễn Du không chỉ góp phần "thành ngữ hóa" mà còn "tục ngữ hóa" câu thơ.

5. Thêm một từ "đắc dụng" nữa: từ Hoa

Từ “hoa” là một từ xuất hiện tới 107 lần trong Truyện Kiều.

Hoa, tức bông hoa, chỉ "1. cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm (hoa cải, hoa bưởi, hoa nhãn...); 2. cây trồng để lấy hoa làm cảnh (hoa đào, hoa hồng, hoa thược dược, hoa cẩm chướng,...)..." (Từ điển tiếng Việt, 2020). Nhưng trong Truyện Kiều, hoa được dùng với những sắc thái nghĩa rất đa dạng.

5.1. Bởi có tới 76 trường hợp "hoa" được dùng hoán dụ với nghĩa chỉ người đẹp, sắc đẹp, tình yêu. Hoa được Nguyễn Du dùng để đặc tả khuôn mặt, dáng vẻ, dung nhan của Kiều: “Nàng càng ủ dột nét hoa; Xót nàng chút phận thuyền quyên/ Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn; Về đây nước trước bẻ hoa/ Vương tôn quý khách ắt là đua nhau; Sợ gan nát ngọc liều hoa;...

Cũng từ nghĩa này, “hoa” kết hợp với những thành tố khác tạo nên những tổ hợp mang nghĩa chuyển.

- hoa khôi (khôi: đứng đầu), danh từ chỉ "người đẹp nhất trong một vùng, một lĩnh vực". Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ này chỉ "người đẹp nhất trong chốn thanh lâu" (hàm ý: nàng Kiều): “Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi/ Thiếp hồng tìm đến, hương khuê gửi vào.

- hoa lê, "hoa cây lê", cũng hàm ý chỉ người đẹp: “Cớ sao trằn trọc canh khuya/ Màu hoa lê đã đầm đìa giọt mưa.

- hoa nguyệt, "hoa và trăng", giống như "nguyệt hoa", hai từ này chỉ "quan hệ nam nữ (thường là nghĩa không hay)": Đừng điều nguyệt nọ hoa kia/ Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai;.

- hoa quan, "mũ hoa" (mũ có trang trí bông hoa bằng vàng hay ngọc): “Sẵn sàng phượng liễn loan nghi/ Hoa quan giấp giới hà y rỡ ràng.

- hoa râm, "hoa cây râm, có những sắc trắng lốm đốm": “Những là đắp nhớ đổi sầu/ Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm.

- kiệu hoa, kiệu trang điểm bằng hoa, chỉ “kiệu cô dâu ngồi trong lễ vu quy”: “Kiệu hoa đâu đã đến ngoài/ Quản huyền đâu đã giục người sinh li”.

- trướng hoa, "bức trướng thêu hoa", chỉ "buồng ở của phụ nữ": “Kiều từ trở gót trướng hoa/ Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

- hoa cười ngọc thốt, "hoa và ngọc" được nhân cách hóa, chỉ nụ cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

- hoa đào năm ngoái, tích này theo ý thơ của Thôi Hiệu "Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong" (Khuôn mặt người (quen) không biết đi đâu mất/ Chỉ còn thấy hoa đào năm cũ cười với gió đông). Câu thơ của Nguyễn Du "Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" lại dùng để nói về tình cảnh, tâm trạng của chàng Kim, sau một thời gian trở về quê "hộ tang" ông chú, quay trở lại thì gia cảnh nhà người yêu (Thúy Kiều) đã khác. Chàng nhìn hoa đào nở mà tưởng nhớ tới "hoa đào năm ngoái" khi cả chàng và nàng còn vui vẻ, hạnh phúc.

5.2. Ngoài các từ ghép phái sinh trên, "hoa" còn xuất hiện trong một loạt thành ngữ khác: cỏ nội hoa tàn (nhan sắc người con gái đã phai tàn), hoa cười ngọc thốt (nụ cười tươi và tiếng nói trong của người con gái), hoa ghen thua thắm (người con gái rất đẹp, đến hoa cũng phải ghen), hoa rụng hương bay (người con gái đã qua đời), hoa thải hương thừa (người con gái không còn trinh tiết, bị vứt bỏ, khinh rẻ), hoa trôi bèo giạt (cảnh lênh đênh, trôi nổi của đời người con gái), hoa xuân đương nhụy (người con gái ở độ tuổi xuân xanh, đang đẹp), hoa xưa ong cũ (người con gái gặp lại người cũ, tình nhân cũ), liễu chán hoa chê (chỉ cảnh ăn chơi hết tầm, tới mức chẳng còn thiết gì nữa), nguyệt nọ hoa kia (quan hệ nam nữ linh tinh, không đứng đắn),...

6. Chỉ tập trung phân tích 2 từ tiêu biểu (đoạn trườnghoa) ta cũng thấy tài tình, ảo diệu của Nguyễn Du trong việc sử dụng ngôn ngữ. Ông đã có công rất lớn đối với việc Việt hóa các từ Hán Việt. Qua ngữ cảnh sử dụng, các từ này vừa mang nghĩa gốc, vừa mang nghĩa chuyển. Lịch sử tiếng Việt cho thấy, cha ông ta đã tiếp nhận các từ ngoại lai (mà số lượng từ Hán Việt chiểm tỉ lệ lớn nhất (theo H. Maspéro -1912, là khoảng 60%, theo thống kê mới nhất của Phạm Hùng Việt - 2018, là trên 35%) có sự chủ động và sáng tạo. Các từ Hán Việt trong Truyện Kiều đã có sự thay đổi ngữ nghĩa, đa dạng, sinh động và giàu sắc thái biểu nghĩa và biểu cảm hơn rất nhiều. Về vấn đề này, V. I. Lênin đã có một câu rất chí lí: "Cái cốc ở nhà anh dùng để đựng nước, nhưng sang nhà tôi, tôi có thể dùng làm cái chặn giấy hay nhốt con bướm". Giá trị ngữ dụng chính là thước đo hiệu quả, công năng ngữ nghĩa của các từ ngữ mà Nguyễn Du sử dụng trong Truyện Kiều.

PGS.TS NGUYỄN THẾ KỶ

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974.

2. Nguyễn Đức Dân, Ngữ dụng học, tập một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.

3. Lê Thị Bích Hồng, Các bài viết về ngôn ngữ Truyện Kiều, Thể thao & Văn hóa, s. 166-191 (16-23/9/2020).

4. Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974.

5. Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, NXB Thanh Niên, năm 2001.

6. Hoàng Tuệ, Ngữ pháp Truyện Kiều/ Tuyển tập Ngôn ngữ học, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, TP HCM, 2001.

7. Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2002.

8. Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc (Lê Huy Tiêu dịch), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993

9. Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020.

10. Phạm Hùng Việt (chủ biên), Từ ngữ Hán Việt - Tiếp nhận và sáng tạo, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2018.

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoc/nguyen-du-va-nhung-gia-tri-lam-giau-tieng-viet/199035.htm