'Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long - Hà Nội'

Nhân kỷ niệm 255 năm sinh (1765 - 2020), tưởng niệm 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020), Chi hội Kiều học Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học 'Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long - Hà Nội'.

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó chủ tịch Chi hội Kiều học Hà Nội, Ủy viên BCH Hội Kiều học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh:TT)

PGS.TS Lê Thị Bích Hồng - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó chủ tịch Chi hội Kiều học Hà Nội, Ủy viên BCH Hội Kiều học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh:TT)

Nguyễn Tiên Điền - dòng họ có truyền thống văn chương và học thuật nổi tiếng

Dòng họ Nguyễn Tiên Điền (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) là dòng họ có truyền thống văn chương và học thuật nổi tiếng. Đương thời, họ Nguyễn Tiên Điền cùng với một số ít dòng họ khác đã làm nên một phong khí văn chương đặc sắc, phồn thịnh của xứ sở Hồng - Lam. Cho đến ngày nay, trải qua bao thế kỷ, con cháu dòng họ Nguyễn vẫn tự hào về mảnh đất “địa linh nhân kiệt” đã nuôi dưỡng người tài cho đất nước, trong đó đặc biệt là Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng. Với tài năng văn chương kiệt xuất, Đại thi hào Nguyễn Du đã làm rạng danh cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Nhân kỷ niệm 255 năm sinh (1765 - 2020), tưởng niệm 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020), Chi hội Kiều học Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học “Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long - Hà Nội” nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Nguyễn Du và dòng họ với Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học công bố những tìm tòi, phát hiện, góp phần đánh giá sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Nguyễn Du; nâng cao trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với việc giữ gìn và phát huy di sản tinh thần của Nguyễn Du và dòng họ trong đời sống đương đại.

Hội thảo đã lắng nghe nhiều tham luận với những đóng góp thiết thực nhằm tôn vinh và tri ân Đại thi hào Nguyễn Du cũng như dòng họ Nguyễn Tiên Điền. (Ảnh:TT)

Bàn về mối quan hệ giữa Nguyễn Du và dòng họ trong môi trường văn hóa Thăng Long - đặc biệt là Bích Câu, TS Đinh Công Vỹ cho rằng: Thăng Long ở thế kỷ XVIII (gắn với phần lớn cuộc đời Nguyễn Du) là ở trong “thế kỷ nông dân khởi nghĩa”. Thăng Long - nơi sinh thành của thi hào, ở thời đại của môi trường văn hóa Bích Câu lẫy lừng đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm thức và bồi đắp, khơi dậy tài năng thi ca trác tuyệt của thi hào Nguyễn Du. Và Thăng Long - Bích Câu cũng ảnh hưởng đến nhiều nhân tài nữa của dòng họ lớn Nguyễn Tiên Điền.

Bàn về sự gắn bó của dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long - Hà Nội, nhà giáo Mai Ngọc Chúc khẳng định, người mở đầu dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh là Nam Dương Hầu Nguyễn Nhiệm, nguyên gốc Thanh Oai, Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội). Con cháu sau này của Nguyễn Nhiệm gắn bó với Thăng Long chỉ kể đến Nguyễn Hành (1770 - 1824), cháu ruột Nguyễn Du. Từ Nguyễn Nhiệm đến Nguyễn Hành là 8 đời. Dòng họ này đã có rất nhiều người nổi tiếng và gắn bó với vùng đất kinh kỳ. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền suốt 8 thế hệ gắn bó với Thăng Long và đã có những đóng góp đáng được đời sau khẳng định. Những người như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Điều là những danh tướng, những công thần giúp vua chúa hoạch định kế hoạch xây dựng bảo vệ đất nước, triều đại. Họ là những người yêu nước. Những người như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Du, Nguyễn Hành xứng đáng được xem là những nhà văn hóa của đất Thăng Long. Nguyễn Nhiễm góp phần mở mang nền học vấn nước nhà khi làm Tế tửu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của nước ta. Nguyễn Khản có công tạo ra một địa chỉ văn hóa - Khu Bích Câu ở Thăng Long, gây dựng nên văn phái Hồng Sơn tại kinh kỳ. Nguyễn Du với thơ chữ Hán về Thăng Long, về Truyện Kiều bất hủ đã góp phần đề cao và tuyên truyền ngôn ngữ dân tộc. Nguyễn Hành một người tài tử bày tỏ một tình yêu thống thiết với Thăng Long… Ngoài ra, nhiều người trong dòng họ Nguyễn Tiên Điền như Nguyễn Trừ, Nguyễn Nghi phát huy nghề làm thuốc; Nguyễn Ức tài hoa xây dựng… cũng đã có nhiều đóng góp mang giá trị nhân văn, đem lại lợi ích cho người dân kinh đô. Ngoài ra họ còn là những người chăm chỉ học hành, bình dị, sống gắn bó với xung quanh, tạo dựng được nhiều ảnh hưởng tốt trong cộng đồng.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã trình bày nhiều tham luận, tập trung làm sáng tỏ chủ đề của Hội thảo như: Mối quan hệ của Nguyễn Du trong không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội: Từ Bích câu nơi sinh thành Nguyễn Du đến các địa danh khác trong và ngoài Thăng Long; Nguyễn Du trong mối quan hệ với Thủy tổ (nội, ngoại); tác phẩm thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về Thăng Long đặt trong quan hệ đối sánh, những sáng tạo nghệ thuật (phim, tiểu thuyết, sân khấu…); Nguyễn Du và Truyện Kiều…

Cần xây dựng không gian di sản văn hóa Nguyễn Du ở Thăng Long - Hà Nội

Chương trình văn nghệ đặc sắc do các liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh trình diễn trong khuôn khổ Hội thảo. (Ảnh: TT)

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đề xuất, nêu ý kiến có ý nghĩa thực tiễn với mục đích tôn vinh, tri ân Đại thi hào Nguyễn Du như: Mong muốn tạo dựng công trình văn hóa liên quan đến Nguyễn Du và Truyện Kiều ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thường Tín… cho xứng tầm trong không gian văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Theo Nhà văn, nhà biên kịch, Ủy viên BCH Hội Kiều học Việt Nam Phương Văn, trong những năm qua, Hội đã nghiên cứu và phổ cập kiến thức khoa học chuyên ngành lấy Truyện Kiều làm đối tượng nghiên cứu là ngành Kiều học, phát huy mọi giá trị và tinh hoa về văn học nghệ thuật, về văn hóa xã hội được kết tinh, hội tụ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du để tôn vinh giá trị và bảo tồn di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam. Hiện nay ở Thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Quỳnh Phụ (Thái Bình), Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình… đã và đang có kế hoạch xây dựng các khu lưu niệm và bia tưởng niệm Nguyễn Du. Đối với Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Du và dòng họ Tiên Điền đã gắn bó và có nhiều đóng góp cho đất kinh kỳ nhưng đến nay, những tư liệu về niên biểu của Nguyễn Du và dòng họ không mấy được lưu trữ. Vì vậy Nhà văn, nhà biên kịch Phương Văn cho rằng cần xây dựng một không gian di sản văn hóa Nguyễn Du và gia tộc Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long - Hà Nội.

Đồng quan điểm với Nhà văn, nhà biên kịch Phương Văn, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng cho rằng, cần phải có nhiều hơn nữa các công trình nghiên cứu Truyện Kiều gắn với mảnh đất Thăng Long - nơi sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du. Tấm văn bia Đại thi hào Nguyễn Du do Hội Khai Trí Tiến Đức tôn vinh sau gần một thế kỷ đang lặng lẽ trong một “không gian quá khiêm tốn” không bảng chỉ dẫn, che khuất tầm nhìn ít ai biết tới cạnh Hồ Gươm. Cần phải có những giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đang bị “cất kho” này. Về vấn đề này, TS. Trần Thị Quốc Khánh - đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết, đã gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, các cơ quan chức năng liên quan để trả lại không gian xứng tầm cho Tấm văn bia Đại thi hào Nguyễn Du.

Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có giải pháp tích cực để giới thiệu, quảng bá, mở rộng khuôn viên để chính công dân Thủ đô và nhiều du khách biết tới địa chỉ văn hóa này...

TT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/nguyen-du-va-dong-ho-nguyen-tien-dien-voi-thang-long-ha-noi-570268.html