'Nguyễn Du, trăm năm trong cõi...'

Tối 26/9, Lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh với chương trình nghệ thuật 'Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…'.

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan ở Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”, cùng đông đảo người dân Hà Tĩnh.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh và đông đảo nhân dân tham dự buổi lễ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Hà Tĩnh và đông đảo nhân dân tham dự buổi lễ.

“Nguyễn Du, Trăm năm trong cõi…” là chương trình nghệ thuật sử thi tái hiện về cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du được dàn dựng theo hình thức ca múa nhạc kịch. Trong đó, chất liệu âm nhạc chủ đạo của các lớp diễn là dân ca ví, giặm. Chương trình nghệ thuật “Nguyễn Du - Trăm năm trong cõi…” gồm nhiều trường đoạn: Khai từ; Tuổi thơ trong nhung lụa; Trôi giữa dòng đời; Non Hồng tức cảnh; Kim Vân Kiều truyện; Đối thoại với người trong truyện; Văn tế Nguyễn Du; Giá trị di sản văn hóa “Truyện Kiều” và Nguyễn Du…

Nguyễn Du (1765-1820) là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, là tác giả của nhiều tác phẩm bất hủ được viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh) được xem là di sản vĩ đại, kiệt tác của nền văn học dân tộc. Hơn 200 năm qua, “Truyện Kiều” là áng văn chương tồn tại xuyên suốt với chiều dài lịch sử, văn hóa của dân tộc. “Truyện Kiều” là tác phẩm không phân biệt người đọc, nó vừa mang tính bác học vừa mang tính bình dân.

Chính vì vậy, bác nông dân cày ruộng vẫn say sưa với một vài câu Kiều; người lính trên rừng Trường Sơn trong những năm lửa đạn chiến tranh vẫn bắc võng ngâm Kiều trong những chặng đường hành quân; nhiều thế hệ giáo viên, học sinh vẫn say sưa nghiên cứu “Truyện Kiều” trên giảng đường đại học... Trăm năm qua, rất nhiều nhà nghiên cứu đã dày công nghiên cứu về “Truyện Kiều”. Có thể nói, nhân loại chưa có tác phẩm văn học nào có ảnh hưởng sâu rộng trong các lĩnh vực đời sống xã hội như “Truyện Kiều”. Do yêu “Truyện Kiều” mà nảy sinh nhiều loại hình nghệ thuật văn chương xung quanh truyện Kiều: tập Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều...; thậm chí còn dùng “Truyện Kiều” để bói toán vận hạn tốt xấu (bói Kiều). “Truyện Kiều” được dựng thành phim, đưa lên sân khấu: Tuồng, chèo, cải lương, hội họa..., và còn có cả một cuốn Từ điển để học giả, người đọc tra cứu điển tích ngữ nghĩa…

Hoạt cảnh trong chương trình nghệ thuật “Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…”.

Theo cách tính của một số nhà nghiên cứu, đến nay “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã đạt nhiều "kỷ lục" thế giới: Thú chơi tập Kiều; Mười bản dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Pháp; Bảy cuốn Hậu “Truyện Kiều”; “Truyện Kiều” đọc ngược; Văn hóa Kiều. Và nhiều "kỷ lục" Việt Nam như: Quyển truyện thơ duy nhất dùng để bói; Quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo “Vịnh Kiều”; Tác phẩm tạo ra nhiều câu đố nhất; Quyển sách tạo ra nhiều giai thoại nhất; Tác phẩm có số sách viết nhiều nhất ở Việt Nam; Bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam là từ “Truyện Kiều”; Quyển sách nặng nhất Việt Nam...

Có ít tác phẩm văn học mà được các nguyên thủ trên thế giới nhắc đến khi làm việc, hoặc nói chuyện bang giao với một nước khác nhiều như “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du, đặc biệt là các nguyên thủ Mỹ. Tháng 11-2000, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam với vai trò Tổng thống Mỹ, tại bữa tiệc chiêu đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã lẩy hai câu thơ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.

Tháng 7-2015, khi tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở thủ đô Washington D.C, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đọc hai câu Kiều rất ý nghĩa: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Tháng 5-2016, khi kết thúc bài phát biểu của mình trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã trích dẫn hai câu “Kiều” khi nhấn mạnh về niềm tin chiến lược hai nước dành cho nhau: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”…

Trong chương trình lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, sáng 26-9, lễ giỗ Đại thi hào được tổ chức trang nghiêm tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cũng trong dịp này, Công ty cổ phần Không gian văn hóa Việt Media, Công ty cổ phần Phim truyện 1 và Queen Group cùng phối hợp thực hiện, công chiếu bộ phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”. Bộ phim có thời lượng 180 phút, được chia làm 3 phần, gồm: Gia thế và tuổi thơ; Phong trần và thanh cao. Phần I của bộ phim gồm 2 tập, giới thiệu về thân thế của Đại thi hào Nguyễn Du, kể về quãng đời của của cụ Nguyễn Du từ năm 6 tuổi với bao biến động của thời cuộc, đến lúc trở về quê cha ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Trước đó, vào ngày 25-9, tại thành phố Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội “Kiều học” Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tiếng Việt trong Truyện Kiều”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về “Truyện Kiều” cùng đông đảo bạn đọc yêu thích “Truyện Kiều”. Theo Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam: Hội thảo “Tiếng Việt trong Truyện Kiều” có 48 tham luận gửi về tham dự và trình bày. Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe và phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ trong những câu “Kiều”.

Cách dùng từ, đặt câu, cách sử dụng các điển tích, điển cố, mỹ từ, phép so sánh, ẩn dụ… tài nghệ bậc thầy về chữ nghĩa của Đại thi hào Nguyễn Du. Hội thảo “Tiếng Việt trong Truyện Kiều” được tổ chức là một trong những sự kiện tri ân Đại thi hào Nguyễn Du-người đã làm nên vinh quang cho dân tộc Việt, văn chương Việt, ngôn ngữ Việt. Cũng trong dịp lễ kỷ niệm về năm sinh và tưởng nhớ về năm mất của Đại thi hào Nguyễn Du còn rất nhiều sự kiện như: Kỷ yếu hội thảo “Nguyễn Du - Puskin, tương đồng và khác biệt”; Tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi “Tìm hiểu về Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều”; Tổng kết và trao giải các cuộc thi: “Bạn đọc thuộc Kiều”, “Viết Văn tế Nguyễn Du”, “Giải Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ VII”; Trưng bày hiện vật, ấn phẩm về Nguyễn Du và Truyện Kiều; Liên hoan các CLB Dân ca Ví, Giặm dự kiến tổ chức trong tháng 10-2020. Xuất bản, tái bản các ấn phẩm về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”...

Sông Lam-Lam Hồng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nguyen-du-tram-nam-trong-coi-613224/