Nguyên đơn yêu cầu Tòa án phải có biện pháp bảo vệ tài sản

Không đồng tình với quá trình giải quyết vụ việc, bà Nguyễn Thị Lê Na (SN 1968, tạm trú Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã có đơn khiếu nại gửi TAND TP Đà Nẵng.

Như Báo Công Lý đã thông tin, vào ngày 5-6-2015, bà Na ký hợp đồng thuê nhà của vợ chồng ông Nguyễn Bá Cờ, bà Nguyễn Thị Sơn có địa chỉ tại 83-Âu Cơ, P.Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Thời hạn hợp đồng là 4 năm 7 tháng kể từ ngày 1/6/2015.

Bà Na thuê nhà tại địa chỉ trên để kinh doanh cà-phê giải khát. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bà đã thanh toán đầy đủ tiền thuê nhà hàng năm cho vợ chồng ông Cờ, bà Sơn. Cuối tháng 2/2017, gia đình bà ở Hà Tĩnh có việc cần giải quyết nên bà về quê và có nhờ một người bạn đến trông hộ việc kinh doanh. Thời điểm này, ông Cờ bà Sơn yêu cầu bà thanh toán tiền thuê nhà năm 2017.

Cũng trong thời gian này, con rể của ông Cờ là ông Đặng Xuân Thủy nhắn tin đề nghị bà Na gửi tiền vào số tài khoản mang tên ông Thủy. Bà Na nhờ người thân chuyển 3 lần với tổng số tiền là 140 triệu đồng vào tài khoản của ông Thủy. Tuy nhiên, ngày 23/3/2017, trong khi quán vẫn đang hoạt động thì ông Cờ khóa quán không cho bà kinh doanh. Cho rằng việc ông Cờ đóng quán đã gây thiệt hại lớn cả về tiền bạc và tài sản đồng thời, quá trình giải quyết hai bên không thống nhất ý kiến nên bà Na đã gửi đơn khởi kiện ông Cờ, bà Sơn ra TAND Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ngày 31/5/2017, TAND Q.Liên Chiểu đã thụ lý giải quyết vụ việc.

Hội đồng xem xét, thẩm định khi xác định vụ việc đã phải tiến hành phá cửa

Để giải quyết vụ án, ngày 13/7/2018 TAND Q. Liên Chiểu tiến hành tổ chức xem xét, thẩm định tại chỗ. Hội đồng này do thẩm phán giải quyết vụ án chủ trì, có sự tham gia của các bên đương sự, đại diện CAQ Liên Chiểu và CAP Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Tại đây, trước sự chứng kiến của Hội đồng xem xét, thẩm định tại chỗ (gọi tắt là Hội đồng), ông Đặng Xuân Thủy phải phá các mối hàn ở cửa, Hội đồng mới có thể vào xem xét tài sản. Sau khi lập biên bản xem xét tại chỗ đối với tài sản của bà Na, các bên tham gia cùng ký vào biên bản.

Điều đáng nói, sau khi làm các thủ tục, ông Cờ không chịu đóng các cửa của mặt bằng. Trước thái độ không hợp tác của ông Cờ, bà Na đã yêu cầu Hội đồng can thiệp để giải quyết, đồng thời lập biên bản ghi nhận việc ông Cờ không chịu khóa cửa nhưng Hội đồng không thực hiện.

Bà Na bức xúc: “Mặc dù tôi đã yêu cầu nhưng Hội đồng xem xét, thẩm định không lập biên bản, cũng không yêu cầu ông Cờ khóa cửa. Như vậy, xảy ra mất mát tài sản của tôi ai chịu trách nhiệm. Tài sản của tôi, ông Cờ ngang nhiên giữ thì bây giờ ông Cờ phải giữ nguyên như vậy cho đến khi nào vụ án kết thúc. Một năm qua, tài sản của tôi hư hỏng như thế nào, chưa có cơ quan nào thẩm định, đánh giá chất lượng sao nói trả là trả “tay ngang” như vậy được”.

Bà Na cho biết thêm, sau khi bà gửi đơn khiếu nại, ngày 17/7/2018, Hội đồng tiếp tục thực hiện thẩm định lần hai (sau lần một 4 ngày). Trong lần thẩm định này, Hội đồng giao tài sản cho bà Na quản lý. Tuy nhiên, bà Na vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, không nhận lại tài sản khi vụ việc chưa được giải quyết. Theo lời bà Na, “việc thẩm định lần này thực chất là để Hội đồng hợp thức hóa việc giao tài sản mà trước đó Hội đồng cố tình “làm ngơ”.

Từ trình bày của bà Na, PV Báo Công lý đã mục sở thị và thực tế, vào ngày 17/7/2018 tầng trệt tại địa chỉ 83- Âu Cơ, các cửa đều không đóng, tài sản của bà Na đang trong tình trạng... “thông thoáng”. Có nghĩa là, sau 4 ngày kể từ ngày Hội đồng làm việc, tài sản của bà Na đã không được bảo quản theo quy định.

Một thẩm phán đang công tác tại TAND TP Đà Nẵng cho rằng, bà Na từ chối nhận tài sản như đề nghị của ông Cờ và Hội đồng là hoàn toàn đúng. Bởi vì ông Cờ đã giữ tài sản hơn 1 năm, tòa lại không đánh giá được chất lượng tài sản hiện nay, cho nên không thể nói trả là có thể trả được. Muốn trả, phải đợi khi nào có quyết định hoặc bản án của tòa (trừ trường hợp 2 đương sự tự thỏa thuận). Khi bà Na và ông Cờ không thống nhất ý kiến thì Hội đồng phải có yêu cầu, buộc ông Cờ đóng cửa (trả lại hiện trạng ban đầu như trước khi xem xét, thẩm định) cho đến khi vụ việc được giải quyết dứt điểm.

Quan điểm của một số luật sư khi được hỏi, họ đều cho rằng quá trình thực hiện tổ chức xem xét, thẩm định tại chỗ chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật. Cụ thể, thành phần mời tham gia buộc phải có đại diện UBND phường, trường hợp UBND phường không tham gia thì phải hoãn việc xem xét, thẩm định. Trong trường hợp này, có đại diện CAP, CAQ nhưng họ không nằm trong thành phần bắt buộc tham dự. Việc ông Cờ không chịu đóng cửa quán nhưng Hội đồng không lập biên bản, không yêu cầu ông Cờ thực hiện là sai.

Qua sự việc trên, bà Na đã có đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND TP Đà Nẵng, Chánh án TAND Q.Liên Chiểu, Viện Kiểm sát nhân dân Q.Liên Chiểu. Trao đổi về những vấn đề bà Na khiếu nại, lãnh đạo TAND TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã nhận được đơn, hiện đã giao cho Phòng kiểm tra, kiểm tra xem xét và giải quyết theo quy định.

Mạnh Cường

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/ban-doc/nguyen-don-yeu-cau-toa-an-phai-co-bien-phap-bao-ve-tai-san-261534.html