Nguyễn Cơ Thạch – Người tiên phong trong tư duy lý luận

Lần đầu tiên làm phiên dịch trong chuyến thăm Ba Lan của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) vào cuối năm 1980 giúp tôi hiểu về ông, người luôn gắn hoạt động thực tiễn với nghiên cứu lý luận nhằm định hình phương pháp luận ngoại giao mang bản sắc Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Józef Czyrek trong chuyến thăm của ông Thạch tới Warsaw, tháng 10/1980. (Ảnh tư liệu)

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Józef Czyrek trong chuyến thăm của ông Thạch tới Warsaw, tháng 10/1980. (Ảnh tư liệu)

7 ngày ở Warsaw, niềm tự hào của anh tùy viên và sự bất ngờ của học giả danh tiếng

Tháng 10/1980, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sang thăm Ba Lan.

Có lẽ Ba Lan là nước châu Âu đầu tiên mà ông Thạch thăm chính thức kể từ ngày ông nhận nhiệm vụ Bộ trưởng tháng 2 năm đó.

Theo chương trình thì chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày, nhưng 4 ngày tiếp theo ông vẫn ở lại Ba Lan. Chính phủ bạn mời ông đi nghỉ ở Zakopane.

Thay vì đến một trung tâm nghỉ dưỡng rất nổi tiếng không chỉ của Ba Lan mà của cả châu Âu, ông nêu 2 đề nghị với Bộ trưởng Ngoại giao Józef Czyrek: một là ông muốn làm việc với các chuyên gia nước bạn về công tác nghiên cứu đối ngoại, lý luận quan hệ quốc tế và đặc biệt là phương pháp luận ngoại giao; hai là ông tiếp tục ở lại nhà khách.

Thời ấy, chúng ta còn rất khó khăn nên trong các chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chỉ có một trợ lý cấp phó vụ trưởng tháp tùng. Ông xử lý mọi vấn đề thuộc phạm vi nội dung công việc. Và, không chỉ có thế.

May mắn được làm phiên dịch cho ông trong suốt 7 ngày ở Warsaw nên tôi có cơ hội chứng kiến sức làm việc cũng như cách làm việc khoa học và cách nhìn bao quát tổng thể của ông.

Ngoài chương trình của chuyến thăm chính thức, ông dành nhiều thời gian nhất cho việc trao đổi với các giáo sư hàng đầu Ba Lan về phương pháp tiếp cận thông tin, phân tích và dự báo tình hình, tổng hợp và kết luận rồi đưa ra chủ trương xử lý trong bối cảnh quan hệ quốc tế rất phức tạp và diễn biến khó lường thời gian đó.

Người làm việc nhiều nhất với ông về các vấn đề thuộc lĩnh vực quan hệ quốc tế, cụ thể hơn là lý thuyết quan hệ quốc tế và phương pháp luận ngoại giao là Giáo sư Józef Kukułka.

Đây là vị giáo sư nổi tiếng nhất của Ba Lan, được coi là cha đẻ của môn khoa học có phạm vi rộng nhất trong các môn khoa học xã hội và nhân văn.

Giáo sư Józef Kukułka là nhà sử học, chính trị học và nhà ngoại giao có hàm giáo sư bậc cao nhất, có học vị tiến sỹ khoa học, là viện sỹ Viện hàn lâm và ủy viên Ủy ban Khoa học Chính trị của Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan, là người sáng lập và Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Warsaw, từng là Phó Đại sứ Ba Lan tại Pháp trong những năm 1960.

Giáo sư Józef Kukułka là tác giả của những công trình khoa học được mọi người trong giới nghiên cứu tìm đọc: Pháp và Ba Lan sau Hiệp ước Versailles 1919-1921, Hợp tác chính trị giữa các nước trong cộng đồng Xã hội chủ nghĩa, Những vấn đề lý luận trong quan hệ quốc tế, Các quan hệ chính trị quốc tế, Lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại, Nhập môn Quan hệ Quốc tế…

Sách “Who’s who in Poland” xuất bản ở Canada những năm đó cho biết giáo sư là nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã trao đổi ý kiến và tranh luận như một học giả chuyên ngành khiến Giáo sư Józef Kukułka sôi nổi trình bày mọi vấn đề từng nghiên cứu, giảng dạy và viết sách… Cuối cùng, Giáo sư cảm ơn về cuộc tranh luận rất hấp dẫn và cho biết ông cần thêm thời gian nghiên cứu những nội dung Bộ trưởng gợi ý.

Thật khó tìm được người Việt Nam thứ hai có thể tranh luận với vị giáo sư hàng đầu Ba Lan.

Tiếp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trước khi ông rời Warsaw, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Stanisław Kania và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Józef Pińkowski đều nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của những vấn đề trao đổi giữa Bộ trưởng và Giáo sư, Viện sỹ Józef Kukułka.

Những vấn đề đó có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam và cả với Ba Lan.

Bài học trên bàn ăn và quá trình tự học không mệt mỏi

Chưa bao giờ tôi thấy việc phiên dịch hấp dẫn như thế, cả trước đó và cả sau này. Với một tùy viên còn tương đối trẻ và mới nhận nhiệm vụ thì đây là một trải nghiệm vô cùng bổ ích.

Khi được Bộ trưởng kể cho nghe câu chuyện cũ của ông thì trải nghiệm đó trở thành bài học có ý nghĩa hơn mọi bài học.

Một hôm ông nhắc tôi đưa vợ vào ăn trưa cùng đoàn ở nhà khách. Vợ tôi cũng là nhân viên Đại sứ quán, lần đầu tiên ra nước ngoài và mới ở Ba Lan được 2 tháng. Thấy vợ loay hoay với bộ đồ ăn gồm dao, dĩa, thìa đủ loại lớn nhỏ, tôi tìm cách hướng dẫn nhưng không có kết quả.

Ông cười hiền lành, nhìn hai vợ chồng tôi rồi chậm rãi kể câu chuyện từ trước đó gần một phần tư thế kỷ. Thời gian ông mới nhận nhiệm vụ Tổng Lãnh sự tại Ấn Độ, trong một lần dự chiêu đãi ở Đại sứ quán Pháp, ông bà đã từ chối món ăn đầu tiên để quan sát và học cách sử dụng dao dĩa của những người cùng dự tiệc.

Từ món thứ hai, tuy chưa thành thục nhưng ông bà đã có thể tự tin cầm dao cầm dĩa.

Trước khi sang New Delhi, ông đến chào Chủ tịch nước và báo cáo rằng ông không có kiến thức gì về ngoại giao. Cụ Hồ khuyên “Chú cứ nhìn người ta làm rồi học theo là được”.

Đó chính là sự khởi đầu của quá trình tự học không mệt mỏi. Những kiến thức uyên thâm và ở tầm cao mà ông trao đổi với Giáo sư Józef Kukułka là kết quả tự học ở mọi nơi và trong mọi lúc của ông.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Stanisław Kania tiếp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. (Ảnh tư liệu)

Dạo chơi trên những phím đàn – hay sự tinh tế của một vị Bộ trưởng

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chiêu đãi đáp lễ người đồng cấp chủ nhà bằng bữa tiệc thưởng thức nhạc Chopin mà người trình bày là nghệ sỹ piano vừa giành giải nhất trong cuộc thi năm đó, cũng là cuộc thi đầu tiên có người Việt Nam tham gia.

Phát biểu cảm ơn nghệ sỹ Đặng Thái Sơn, Bộ trưởng Józef Czyrek cẩn thận chọn những từ đẹp nhất để ca ngợi.

Khi tả các ngón tay nghệ sỹ uyển chuyển lướt trong tiếng nhạc du dương trầm bổng, ông ngừng lại vài giây để tìm từ thích hợp. Phiên dịch cũng dừng lại chờ…

Thật không ngờ, chính Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói tiếp: “...như dạo chơi trên những phím đàn”.

Vừa nghe dịch sang tiếng Ba Lan “jakby pan spacerował na klawiszach”, niềm vui trên nét mặt ông Józef Czyrek vỡ òa.

Vị Bộ trưởng Ba Lan đã gặp một người đồng cảm trong thưởng thức âm nhạc. Ông từng ngạc nhiên vì Đặng Thái Sơn là người Việt Nam hiểu Chopin như người Ba Lan và biểu diễn nhạc Chopin hay hơn người Ba Lan.

Bây giờ ông còn ngạc nhiên hơn về sự tinh tế của người đồng cấp Việt Nam trong các cuộc trao đổi ý kiến ngoại giao và cả trong cảm thụ âm nhạc cổ điển.

Tự tin xây dựng học thuyết và nghệ thuật về kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đi tiên phong về tư duy lý luận không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao. Ông đã sớm đưa kinh tế thị trường vào Việt Nam sau những cuộc làm việc với nhiều chuyên gia kinh tế Việt kiều và chỉ đạo dịch sang tiếng Việt quyển sách nền tảng của kinh tế học hiện đại do chính ông lựa chọn mang về làm tài liệu nghiên cứu và giảng dạy. Đó là sách “Economics” của các tác giả Paul A. Samuelson và William D. Nordhaus.

Những năm tháng ấy, chỉ có ông mới làm việc này.

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 17, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng “đề nghị xây dựng cho được học thuyết và nghệ thuật đối ngoại của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã báo cáo “Chúng ta không những làm nghệ thuật và học thuyết về quân sự, học thuyết và nghệ thuật ngoại giao, mà chúng ta còn dám làm học thuyết và nghệ thuật về kinh tế nữa”.

Ông từng làm việc trong lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao và nghiên cứu kinh tế thị trường. Và, ông xuất sắc ở cả 3 lĩnh vực!

Tầm nhìn và tư tưởng của ông được thể hiện trong Nghị quyết 13-NQ/TƯ ngày 20/5/1988 của Đảng “về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”.

Còn có thể viết nhiều về ông. Tuy nhiên, nếu viết ngắn gọn về ý chí “đi tắt đón đầu” của ông bằng ngôn từ của thời toàn cầu chống biến đổi khí hậu hôm nay thì chỉ cần nhấn mạnh cách đây mấy chục năm, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã như chiếc đầu tàu chạy bằng năng lượng mặt trời đưa Việt Nam hội nhập thế giới văn minh và trong đoàn tàu đó, ngoại giao là toa đầu tiên.

Chúng ta cần tiếp tục xây dựng “một phương pháp luận hoàn chỉnh về nghiên cứu đối ngoại cũng như các kỹ năng nghiệp vụ cần thiết, có sự chỉ đạo tập trung và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các trường, các viện nghiên cứu về đối ngoại” như khẳng định tại hội thảo khoa học do Bộ Ngoại giao tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao (1945-2020).

Tư tưởng Nguyễn Cơ Thạch tiếp tục soi sáng hoạt động và lý luận ngoại giao Việt Nam.

Trong hội thảo khoa học với chủ đề “75 năm ngoại giao Việt Nam: bài học kinh nghiệm và định hướng” vào cuối tháng 8/2020, công tác nghiên cứu, đổi mới tư duy lý luận… tiếp tục được nhấn mạnh dưới các hình thức diễn đạt khác nhau. Các ý kiến trình bày và thảo luận tại hội thảo cho thấy rõ chân dung Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong hoạt động thực tiễn “mở cửa, phá vây”. Bên cạnh những cụm từ “bậc thầy nghiên cứu”, “bộ trưởng phá băng”, “tư lệnh ngành”… cán bộ ngoại giao, nhất là những người làm việc trong các thập niên 1970-1980 đều biết Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người tiên phong đẩy mạnh thực hiện tư tưởng “ngoại giao kinh tế”, “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ”, “là bạn, là đối tác của tất cả”… Ông Thạch gắn hoạt động thực tiễn với nghiên cứu lý luận nhằm định hình phương pháp luận ngoại giao mang bản sắc Việt Nam. Đó cũng là nguyên lý được Đảng ta vận dụng từ những ngày đầu “làm cách mạng giành độc lập phải có lý luận cách mạng” đến những ngày “đổi mới cũng phải có lý luận”. (Đại sứ Hoàng Bình)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguyen-co-thach-nguoi-tien-phong-trong-tu-duy-ly-luan-144034.html