Nguyên Chủ tịch thị trấn Chờ chỉ đạo lập phiếu thu khống 296 triệu: Có thể xử lý hình sự

Theo Đại biểu Quốc hội, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra ông Nguyễn Văn Thục – nguyên Chủ tịch thị trấn Chờ, có dấu hiệu của hành vi lập chứng từ khống, đút túi 296 triệu đồng.

Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Thục – nguyên Chủ tịch thị trấn Chờ (Yên Phong - Bắc Ninh), bị dính nghi vấn chỉ đạo nhân viên lập phiếu thu khống 296 triệu của doanh nghiệp nhưng không nộp tiền vào ngân quỹ thị trấn, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH hội tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm, nếu đúng ông Nguyễn Văn Thục lập chứng từ khống, thì cơ quan chức năng cần vào cuộc, trường hợp số tiền đó là của nhà nước thì là tham ô, còn nếu tài sản tư nhân thì là lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, UBKT huyện ủy cũng cần vào cuộc, căn cứ vào tính chất sai phạm của ông Nguyễn Văn Thục để xử lý kỷ luật về mặt đảng viên.

“Phải xem xét trường hợp này thật cụ thể, nếu đúng là thật thì ngoài việc xử lý về mặt đảng, ông Nguyễn Văn Thục còn có thể xử lý về hành chính. Thậm chí, nếu xét thấy có dấu hiệu của hành vi chiếm dụng, tham ô thì ông Thục còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Ông Nguyễn Văn Thục - nguyên Chủ tịch thị trấn Chờ (Yên Phong - Bắc Ninh), bị dính nghi vấn chỉ đạo nhân viên lập phiếu thu khống 296 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thục - nguyên Chủ tịch thị trấn Chờ (Yên Phong - Bắc Ninh), bị dính nghi vấn chỉ đạo nhân viên lập phiếu thu khống 296 triệu đồng.

Hiện nay, rất nhiều những cán bộ đảng viên trong cả nước cũng sai phạm về hành vi này, ngay cả những cán bộ cao cấp cũng đang phải ngồi tù.

Nếu cán bộ đảng viên không giữ gìn được phẩm chất đạo đức của mình, sa đọa về lối sống, chính trị, tư tưởng... tôi cho rằng cần phải có hình thức kỷ luật”- ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.

Trước thông tin nghi vấn của dư luận cho rằng, số tiền 296 triệu đồng là tiền “bôi trơn” của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T&T Bắc Ninh nhằm nhận được dự án công trình xây dựng trường mầm non thị trấn Chờ số 1 (huyện Yên Phong)? Ông Hòa cho rằng, nếu quả thực có như vậy cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra làm rõ, xử lý đúng người đúng tội.

ĐBQH Phạm Văn Hòa khẳng định: “Nếu phát hiện tham ô, dù là một đồng đi nữa thì cũng phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.

“Nếu phát hiện tham ô, dù là một đồng đi nữa thì cũng phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật” - ĐBQH Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH hội tỉnh Đồng Tháp nói.

Còn luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Số tiền 296 triệu ông Nguyễn Văn Thục chỉ đạo nhân viên lập khống với nội dung nộp tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng (5%) công trình trường mầm non số 1 huyện Yên Phong mà không được nộp vào ngân sách theo đúng quy định thì có cơ sở để dư luận nghi ngờ việc đây là tiền doanh nghiệp hối lộ để được nhận dự án này.

“Câu chuyện doanh nghiệp dùng tiền để hối lộ quan chức nhằm nhận dự án về doanh nghiệp mình không phải hiếm. Về bản chất là một trong những hành vi tham nhũng của người có chức vụ quyền hạn.

Thực tế, số các vụ bị xét xử vì tội nhận hối lộ qua các năm có xu hướng “ổn định”. Để xảy ra hiện tượng tham nhũng, nhận hối lộ thể hiện sự thoái hóa về phẩm chất đạo đức của không ít quan chức, công chức trong bộ máy.

Nếu chứng minh được việc tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân hoặc đưa tiền cho cá nhân rồi lập phiếu khống mà nhằm mục đích chạy dự án thật thì hành vi này bị coi là hành vi nhận hối lộ và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự” - luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư cho biết thêm, theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích, cả về vật chất lẫn phi vật chất, cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì sẽ bị phạt tù.

Cụ thể, trường hợp của Nguyễn Văn Thục – nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch thị trấn Chờ, nếu đúng có hành vi nhận hối lộ với số tiền 296 đồng sẽ phải chịu khung hình phạt được quy định tại Điểm C, Khoản 2, Điều 354 BLHS là từ 7 năm đến 15 năm tù giam.

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, về mặt nguyên tắc tài chính, khoản tiền hơn 296 triệu đồng như trong phiếu thu nói là tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng 5% công trình xây dựng trường mầm non thị trấn Chờ số 1 (huyện Yên Phong) đáng ra phải nộp về quỹ của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, có thông tin cho rằng việc người nộp tiền là ông Nguyễn Bá Tám, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T&T Bắc Ninh đã chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Văn Thục, như vậy là trái quy định về quản lý tài sản, có dấu hiệu cấu thành tội phạm. Để xác định cấu thành tội danh gì cần phải làm rõ việc quyết toán công trình.

Trường hợp khoản tiền trên đã trả lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T&T Bắc Ninh, thì hành vi nhận tiền vào tài khoản cá nhân có thể cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản theo quy định tại Điều 177, BLHS.

Còn nếu quyết toán công trình xong, mà khoản tiền này thuộc về UBND thị trấn Chờ, thì hành vi cá nhân nhận số tiền đã cấu thành tội tham ô tài sản quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 353 BLHS.

Cũng theo luật sư, trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng T&T Bắc Ninh dùng số tiền hơn 296 triệu đồng để đưa hối lộ thì người chỉ đạo đưa hối lộ sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại điều 264 BLHS. Ngoài ra, người biết số tiền trên dùng để đưa hối lộ nhưng vẫn giúp sức cũng sẽ bị xem là đồng phạm.

“Bên cạnh đó, vụ việc còn có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vì vậy, cơ quan Công an cần sớm vào cuộc để điều tra làm rõ” – luật sư Trần Thu Nam nói.

Xem thêm video: Năm thanh trừng các cán bộ tham nhũng biến chất

Nguồn VTV 1.

Phi Hùng - Minh Quang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nguyen-chu-tich-thi-tran-cho-chi-dao-lap-phieu-thu-khong-296-trieu-co-the-xu-ly-hinh-su-1389100.html