Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty MTM bị đề nghị mức án tù chung thân

Sau 2 ngày xét xử các bị cáo trong vụ án thao túng chứng khoán,… xảy ra tại Công ty CP Mỏ và khoáng sản Miền Trung MTM, phiên tòa đã khép lại phần xét hỏi, VKS đã tiến hành luận tội, đề nghị mức án với các bị cáo.

Theo đó, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã giữ nguyên quan điểm truy tố với các bị cáo, đại diện VKS đánh giá, các bị cáo có hành vi lừa đảo, làm giả tài liệu, thao túng giá chứng khoán, giả mạo công tác với tính chất đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, làm ảnh hưởng uy tín của các cơ quan, tổ chức.

 Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Hành vi của các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, có sự tiếp tay của các cán bộ ngân hàng, tạo cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu MTM, làm suy giảm niềm tin của cá nhà đầu tư. Giám định viên kết luận có 59 tài khoản tạo cung cầu giả tạo, có hơn 1.000 nhà đầu tư bị thiệt hại số tiền 56 tỷ đồng.

Trong đó, bị cáo Trần Hữu Tiệp (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty MTM) và Phùng Thành Công (nguyên Trưởng ban kiểm soát Công ty MTM, hiện đang bỏ trốn) giữ vai trò đồng chủ mưu. Bị cáo Tiệp khai báo quanh co, chối tội, không có ý thức khắc phục hậu quả, thể hiện sự coi thường pháp luật…

Từ những nhận định và phân tích nêu trên, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt mức án với 15 bị cáo các mức án cụ thể như sau:

Với nhóm cáo thuộc nhóm tội “Thao túng chứng khoán” gồm: Bùi Thiện Lý (trú ở phường Mĩ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Đỗ Hữu Tài (trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) từ 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.

Với các bị cáo thuộc nhóm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Trần Hữu Tiệp chung thân; Vũ Thị Hoa, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico từ 14 - 15 năm và Nguyễn Lê Trường, nguyên Giám đốc Công ty MTM từ 8 - 9 năm tù.

Với các bị cáo thuộc nhóm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” gồm: Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Nari Habico mức án từ 4 - 5 năm tù; Nguyễn Thị Hiên, (trú ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) từ 30 - 42 tháng tù; Ngô Văn Hiến, (trú ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) từ 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Thị Hằng Nga, nguyên Giám đốc TPBank Tây Hà Nội mức án từ 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Trần Thị Mai Lan, nguyên Giám đốc Dịch vụ khách hàng TPBank Tây Hà Nội từ 18 - 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Cuối cùng là các bị cáo thuộc nhóm tội “Giả mạo trong công tác” gồm: các lãnh đạo, nhân viên Phòng giao dịch Đại Kim BIDV: Lê Đắc Hà (nguyên giám đốc) 17-18 tháng tù và Hồ Xuân Lý, (Phó giám đốc) mức án 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, án thử thách 5 năm; Đặng Mạnh Hùng từ 19 - 20 tháng tù, Nguyễn Thị Hiền 15 - 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Vũ Thế Vinh 9 - 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tòa án tuyên buộc bị cáo Tiệp, Hoa phải liên đới bồi thường cho các bị hại số tiền 17 tỷ đồng, trong đó tỷ phần của bị cáo Tiệp là 12 tỷ đồng. Đồng thời tịch thu sung công quỹ của bị cáo và những người liên quan đã giao nộp gồm cả số tiền thu hưởng phí giao dịch.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh, nguyên Giám đốc Công ty CP khoáng sản Nari Hamico mua lại hồ sơ pháp lý của Công ty MTM. Doanh nghiệp này không hoạt động, không có vốn nhưng các đối tượng làm giả hồ sơ thể hiện năm 2014, MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỷ đồng); làm giả chứng từ tăng vốn thực góp lên 310 tỷ đồng… nhằm đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Để làm giả được hồ sơ nói trên, Tiệp, Dĩnh và đồng phạm đã móc nối với cán bộ một số ngân hàng làm giả, hợp thức hóa chứng từ, rút 485 tỷ đồng, thể hiện việc góp vốn của các cổ đông và doanh số kinh doanh của Công ty MTM. Sau đó, các bị cáo đã cấu kết đưa cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Trong lúc Dĩnh đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM, ngày 29/5/2015, đối tượng này bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; trốn thuế và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ở một vụ án khác.

Ngay sau đó, Công ty MTM vội rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, tháng 6/2015, Tiệp và Phùng Thành Công (hiện bỏ trốn) lại thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh) để nhận hồ sơ pháp lý của Công ty MTM và tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán. Hoa biết rõ MTM không có vốn, cũng không hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đồng ý bàn giao hồ sơ với thỏa thuận - nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong số 31 triệu cổ phiếu, tương đương 155 tỷ đồng vốn thực góp.

Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng xác định, tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện (tháng 6/2016) đã có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu “ảo” của doanh nghiệp này. Với thủ đoạn nêu trên, Trần Hữu Tiệp cùng các đồng phạm đã thực hiện các hành vi gian dối lừa đảo, thao túng cổ phiếu MTM, gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân,. Trong đó, các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 53 tỷ đồng của các nhà đầu tư cổ phiếu MTM. Ngoài ra, bị cáo Tiệp còn có hành vi lừa bán cổ phiếu của MTM cho 2 người khác để chiếm đoạt 355 triệu đồng.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/phap-dinh/ky-su-phap-dinh/nguyen-chu-tich-hdqt-cong-ty-mtm-bi-de-nghi-muc-an-tu-chung-than-297242.html