Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm: Phải chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm trong chống ngập

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị không nên né tránh nữa mà phải chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm, không thể nêu chung chung. Có như thế mới tạo được sự tập trung, tích cực thực hiện công việc chống ngập hiệu quả.

TPHCM cần có giải pháp chống ngập hiệu quả. Ảnh: CAO THĂNG

TPHCM cần có giải pháp chống ngập hiệu quả. Ảnh: CAO THĂNG

Chiều 12-7, kỳ họp thứ 15, HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục diễn ra với nội dung chính là báo cáo giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TPHCM.

Gây ảnh hưởng nhưng thiếu tham vấn người dân

Báo cáo kết quả giám sát, đại biểu (ĐB) Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị, HĐND TPHCM khẳng định, các cơ quan, đơn vị liên quan đã thực hiện được một khối lượng lớn công việc, hoàn thành giải quyết tuyến ngập do mưa, đạt gần 60% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016- 2020.

Nhiều điểm ngập trên địa bàn các khu vực quận 5, 6, 9, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi đã giảm ngập hiệu quả.

Các đơn vị cũng hoàn thành hơn 84% việc nâng cấp các tuyến hẻm theo mục tiêu; hoàn thành chỉnh trang 1.343 tuyến đường hẻm kết hợp kết nối hệ thống thoát nước với các tuyến thoát nước chính...

Hiện nay, các đơn vị cũng triển khai thực hiện hàng loạt các dự án chống ngập do triều. Dự kiến đến năm 2020, 48 dự án sẽ hoàn thành và 16 dự án khác sẽ tiếp tục được thực hiện, hoàn thành sau năm 2020.

Tuy nhiên, ĐB Trương Trung Kiên cho rằng đa số các dự án bị chậm tiến độ. Mục tiêu giải quyết các tuyến ngập do mưa, giải quyết ngập do triều, xây dựng cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án chống ngập do triều khó thể hoàn thành giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch.

Công trình cống kiểm soát triều Phú Định, quận 8. Ảnh: QUỐC HÙNG

Nhiều dự án đang thực hiện gặp vướng mắc về vốn, bồi thường, giải phóng mặt bằng nên hiệu quả bị hạn chế.

Ngoài ra vẫn còn tình trạng một vài dự án thoát nước, giảm ngập đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả còn hạn chế, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khiến người dân bức xúc.

“Có tình trạng dự án khi thực hiện gây phát sinh điểm ngập mới”, ĐB Trương Trung Kiên bức xúc và dẫn chứng, việc giải quyết ngập trên đường Kinh Dương Vương bằng giải pháp nâng cao mặt đường vừa ảnh hưởng đến công trình của các người dân, vừa gây ngập cho các tuyến đường nhánh và hẻm xương cá cắt ngang, gây bức xúc cho các hộ dân.

Vì vậy, TPHCM phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng trạm bơm (Rạch Bà Tiếng) để xử lý tình trạng trên TPHCM.

Hay quá trình thi công dự án cống ngăn triều Phú Định đã gây ngập cục bộ cho các hộ dân xung quanh.

ĐB Trương Trung Kiên chỉ rõ những nguyên nhân của các hạn chế tồn tại trên, trong đó có những nguyên nhân đến từ công tác quản lý thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Vì vậy, nhiều công trình nhà ở, cơ sở sản xuất xây dựng trên và ven kênh, rạch, lấn chiếm các cửa xả và hành lang an toàn sông, kênh, rạch chưa được xử lý dứt điểm.

Hầu hết các dự án chậm tiến độ vì vướng mặt bằng. Trong đó, công tác tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư và các đơn vị liên quan chưa được chuẩn bị kỹ nên chưa lường hết các ảnh hưởng, tác động đến người dân. Vì vậy, dự án phải “đình lại” để điều chỉnh đi, điều chỉnh lại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện và đội vốn đầu tư.

Chỉ ra địa chỉ chịu trách nhiệm

Bổ sung nguyên nhân, ĐB Nguyễn Tấn Tuyến cho rằng, công tác chống nhập chưa được quy hoạch, thực hiện đồng bộ. Cùng đó, việc thực hiện các dự án chống ngập chưa gắn kết nhau.

ĐB Lê Minh Đức nêu thắc mắc: “Thủ tướng giao TPHCM xây dựng 104 hồ điều tiết nhưng đến nay đã xây dựng được bao nhiêu và khi nào hoàn thành tất cả?”.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm thẳng thắn nhận xét, hiệu quả chương trình chống ngập chưa cao, nhiều dự án chậm.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

“UBND TPHCM có giải pháp gì để tháo gỡ các vướng mắc đã được nhận diện rõ?”, ĐB Trâm chất vấn và chỉ điểm, nhiều kênh rạch, bờ sông bị thu hẹp, thậm chí biến mất. Ở quận 2, 7, 12, quán nhậu, nhà dân, biệt thự… mở ra ven kênh rạch. Hậu quả của tình trạng lấn chiếm đã hiện hữu. Vậy chính quyền các cấp có cưỡng chế các căn nhà, quán xá lấn chiếm hay không?

Các ĐB khác cũng bày tỏ, trong khi chờ TPHCM hoàn thành các dự án lớn để chống ngập thì trước tiên cần nạo vét, khơi thông toàn bộ hệ thống kênh, rạch trên địa bàn. Đồng thời, UBND TP cần đẩy mạnh phân cấp cho địa phương quản lý và có giải pháp xử lý mạnh mẽ các trường hợp lấn chiếm kênh rạch.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, đề nghị báo cáo giám sát cần chỉ ra được trách nhiệm cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương khi để những hạn chế tồn tại trong công tác chống ngập.

“Nhiều năm trước, HĐND TPHCM đã chất vấn việc lấn chiếm, xây dựng trên kênh rạch, phê duyệt và cấp phép xây dựng lấn chiếm, lấp kênh rạch, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập khó giải quyết như hiện nay”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tham gia thảo luận tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm liên quan đến lấn chiếm, người dân lấn chiếm một phần nhưng một phần do cơ quan Nhà nước cấp phép cho xây dựng. Tuy nhiên, kết quả giám sát này chưa chỉ ra được vì sao tồn tại nhiều năm như thế, trách nhiệm thuộc về ai?

“Nó dây dưa chính vì không chỉ ra được cụ thể. Tôi cho rằng không nên né tránh nữa, phải chỉ ra cho được cơ quan chịu trách nhiệm thì cơ quan đó mới tập trung, tích cực thực hiện. Còn chung chung “tích cực xử lý nghiêm” thì ai sẽ xử lý”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề.

Bàn về giải pháp, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị phải so sánh kết quả đạt được với nguồn lực đã bỏ ra những năm qua, rồi đánh giá xem có lãng phí hay không? Đồng thời cần lắng nghe thêm tiếng nói người dân, chứ không chỉ nhìn vào vài điểm giảm ngập mà có cái nhìn lạc quan quá.

“Mình không phủ nhận nỗ lực của UBND TPHCM nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế với giải pháp khắc phục phải mạnh mẽ, “đủ đô” hơn và có địa chỉ cụ thể”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.

MẠNH HÒA - MAI HOA - KIỀU PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nguyen-chu-tich-hdnd-tphcm-nguyen-thi-quyet-tam-phai-chi-ro-dia-chi-trach-nhiem-trong-chong-ngap-604414.html