Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nhà quản lý cũng cần có tư duy 4.0

Trong khi 100 tài năng công nghệ trẻ người Việt trên thế giới đang hào hứng với chuỗi sự kiện kết nối đổi mới sáng tạo Việt ở trong nước thì tại căn phòng nhỏ ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) trải lòng với phóng viên về công cuộc phát triển nền KHCN nước nhà.

TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhiều vướng mắc ở 3 trụ cột

Chúng ta đã nói nhiều về vai trò của Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhưng để nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng này, theo ông, chúng ta cần làm gì?

- Tôi là người không thích nói nhiều về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, bởi tôi cảm nhận rõ đất nước mình đang ở đâu trong bối cảnh kinh tế quốc tế, mà hành động cụ thể để làm 4.0 thì còn chưa được nhận diện đầy đủ.

Chính vì thế, điều đầu tiên cần làm là chúng ta phải xác định rõ mình đang ở đâu? Theo tôi, về tổng thể nền kinh tế, nước ta mới đang ở giữa Cách mạng Công nghiệp 2.0 và 3.0. Riêng một số lĩnh vực như viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), ngân hàng, hàng không… đã đạt trình độ tương đối hiện đại nhưng cũng chỉ mới tiệm cận được cuộc Cách mạng 3.0.

Còn hệ thống quản lý xã hội và quản lý sản xuất của chúng ta thì chậm đổi mới, vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của cơ chế quản lý cũ, chưa bắt kịp xu hướng hội nhập quốc tế.

Như vậy, để thực hiện Cách mạng 4.0, trước hết, các nhà quản lý cần phải có tư duy 4.0, nghĩa là phải hiểu rõ, hiểu đúng nội dung của Cách mạng 4.0, từ đó xác định chiến lược phát triển quốc gia, lựa chọn được những ngành, lĩnh vực mà ta có thế mạnh, xác định thứ tự ưu tiên và vấn đề trọng điểm để thực hiện.

Vậy theo ông, nước ta nên ưu tiên lĩnh vực nào?

- Cá nhân tôi cho rằng, thế mạnh thứ nhất trước mắt cần tập trung là CNTT bao gồm phần mềm, trí tuệ nhân tạo, bigdata, blockchain, internet vạn vật…, vì lĩnh vực này chủ yếu phụ thuộc vào chất xám, không đòi hỏi quá nhiều vốn đầu tư, mà trí tuệ của người Việt chắc chắn không thua kém các quốc gia khác.

Thứ hai là công nghệ sinh học theo hướng thông minh, ứng dụng trong y tế và nông nghiệp. Vì dân số nước ta đứng thứ 13 thế giới, nhu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân rất lớn và cho đến nay, cơ bản chúng ta vẫn là một nước nông nghiệp. Nhu cầu công nghệ đột phá ở 2 lĩnh vực này rất lớn.

Bên cạnh đó, với mục tiêu trở thành một nước công nghiệp, Nhà nước vẫn phải tiếp tục định hướng để mọi thành phần kinh tế trong xã hội đầu tư nâng cao dần trình độ công nghệ cho nền kinh tế. Đặc biệt, Nhà nước cần đầu tư để khôi phục ngành cơ khí chế tạo và vật liệu, bởi lẽ không có quốc gia công nghiệp nào lại không phát triển mạnh 2 ngành này.

Muốn công nghiệp hóa, phải tự chủ nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, nhất là một số vật liệu thiết yếu cho nền kinh tế như vật liệu hợp kim, chịu nhiệt, bán dẫn, polyme... và phải có năng lực chế tạo máy cái cho nền kinh tế, nhất là robot, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị siêu trường siêu trọng…

Khi làm Bộ trưởng, ông đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách để KHCN được cởi trói. Nhưng hiện KHCN vẫn chưa thể bứt phá, vì sao vậy, thưa ông?

- Vì vẫn còn nhiều rào cản trong tổ chức thực hiện. Nghị quyết Trung ương số 20, Luật KHCN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn đã có, nhưng hệ thống vận hành của chúng ta vẫn chưa thực sự theo cơ chế thị trường và chưa tiệm cận với thông lệ quốc tế. Còn rất nhiều vướng mắc ở 3 trụ cột cần đổi mới: phương thức đầu tư; cơ chế tài chính và chính sách trọng dụng nhân lực KHCN.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân vui vẻ trò chuyện với các bạn sinh viên. (Ảnh: I.T)

Về phương thức đầu tư, hiện nay, đầu tư cho KHCN ở nước ta chủ yếu vẫn từ ngân sách Nhà nước, chưa có biện pháp quyết liệt huy động đầu tư của xã hội nên mới đạt bình quân khoảng 20 USD/người/năm (khoảng 2 tỷ USD/năm), trong khi các nước phát triển từ 500-1.000 USD/người/năm.

Chúng ta thiếu vốn đầu tư, mặc dù đã có giải pháp khả thi cho vấn đề này nhưng không quyết liệt làm. Ví dụ, luật KHCN 2013 và Nghị định 95/2014 đã quy định doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải dành tối thiểu 3%, tối đa 10% lợi nhuận trước thuế hàng năm để đầu tư cho KHCN.

Nhưng ngoại trừ một vài tập đoàn lớn như Viettel, dầu khí…, các DNNN khác hầu như không thực hiện và cho đến nay cũng chưa thấy cơ quan nào kiểm tra, xử lý. Trong khi chỉ cần trên 100 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện nghiêm quy định này, mỗi năm, vốn đầu tư cho KHCN của các doanh nghiệp này đã có thể gấp đôi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho KHCN!

Mong được... trả nợ các nhà khoa học

Còn về cơ chế tài chính, cần tháo nút thắt ra sao, thưa ông?

- Về cơ chế tài chính, KHCN là lĩnh vực đặc thù, thay đổi từng ngày nhưng cơ chế tài chính hiện nay đối xử với các đề tài, dự án công nghệ như với xây dựng cơ bản: Phải xây dựng kế hoạch trước hàng năm trời, định mức thấp và lạc hậu, cấp tiền chậm, quyết toán theo năm tài chính… Cơ chế đặt hàng lỏng lẻo nên sản phẩm nghiên cứu không tìm được địa chỉ ứng dụng hoặc không ai đầu tư tiếp.

Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp cũng bị kiểm soát như sử dụng 100% vốn ngân sách. Ngay cả cơ chế khoán chi trong nghiên cứu đã được 2 Bộ Tài chính và Bộ KHCN ban hành cũng chưa được áp dụng rộng rãi.

"Nếu là người làm nghiên cứu thuần túy, ở tình huống đó, tôi chắc chắn chọn tập đoàn tư nhân vì có thể họ nhiều khát vọng hơn, cơ chế thông thoáng, đãi ngộ xứng đáng để các nhà KHCN sáng tạo, cống hiến".

Công trình, sản phẩm KHCN là sản phẩm trí tuệ đã có hướng dẫn về giao quyền sở hữu, cho phép góp vốn, chuyển nhượng cho doanh nghiệp. Nhưng, thực tế lại đang bị vướng mắc vì chưa có các tổ chức trung gian định giá kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước.

Còn chính sách trọng dụng cán bộ khoa học đã có văn bản hướng dẫn tại Nghị định 40/2014 nhưng gần như chưa vào cuộc sống. Hầu như cả 3 đối tượng (nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ của quốc gia và nhà khoa học trẻ tài năng) đều chưa được hưởng ưu đãi của Nhà nước theo quy định.

Chính vì vậy, theo tôi, để nắm bắt được thời cơ 4.0 đưa đất nước đi lên, yêu cầu cấp bách là phải hành động, tháo gỡ ngay rào cản ở 3 trụ cột nói trên.

Mà làm được điều này, người quản lý phải có tư duy như doanh nghiệp: coi trọng kết quả, hiệu quả, chứ không nên chỉ tập trung quản lý đầu vào và quá trình làm sản phẩm KHCN xem có đúng các quy định, quy trình, thủ tục... hay không. Trong khi đó, các quy định có thể đã lạc hậu và không hợp lý, còn sản phẩm đầu ra, sản phẩm cuối cùng của hoạt động nghiên cứu lại không được quản lý chặt chẽ và hiệu quả.

Quá nhiều vướng mắc như vậy, giả thiết nếu được mời về làm KHCN ở một tập đoàn công nghệ tư nhân và một đơn vị KHCN của Nhà nước, ông sẽ lựa chọn thế nào?

- Nếu là người làm nghiên cứu thuần túy, ở tình huống đó, tôi chắc chắn chọn tập đoàn tư nhân vì có thể họ nhiều khát vọng hơn, cơ chế thông thoáng, đãi ngộ xứng đáng để các nhà KHCN sáng tạo, cống hiến.

Nhưng nếu là người quản lý, tôi sẽ chọn một viện nghiên cứu của Nhà nước vì chỉ ở cương vị quản lý, tôi mới có thể thực thi thí điểm những cơ chế chính sách để tận dụng tiềm lực KHCN rất lớn ở khu vực Nhà nước với hàng vạn nhà khoa học. Đặc biệt, tôi có thể tiếp tục trả nợ các nhà khoa học về cơ chế, chính sách tài chính, nhân sự để họ thực sự được tự do nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến...

Hơn thế nữa, tôi cũng muốn thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để một viện nghiên cứu công lập có thể thành công.

Xin cảm ơn ông!

“Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp cũng bị kiểm soát như sử dụng 100% vốn ngân sách. Ngay cả cơ chế khoán chi trong nghiên cứu đã được 2 Bộ Tài chính và Bộ KHCN ban hành cũng chưa được áp dụng rộng rãi”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân.

Hoàng Bách

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/cong-nghe/nguyen-bo-truong-nguyen-quan-nha-quan-ly-cung-can-co-tu-duy-40-908404.html