Nguyễn Bính và tôi: Con nhà Nho cũ

Ít lâu sau, Bính gửi cho tôi một tờ tạp chí (tôi nhớ mang máng là bìa màu vàng nhạt) trong đó có in bài thơ 'Con nhà Nho cũ'.

 Cụ Bùi Trình Khiêm (1880 - 1951) – Tư liệu gia đình.

Cụ Bùi Trình Khiêm (1880 - 1951) – Tư liệu gia đình.

Người thầy của Nguyễn Bính và Trúc Đường

“Con nhà Nho cũ” cùng là một cái tên một cuốn sách được quảng cáo trên một tờ báo xuất bản nhân dịp tết Ất Dậu, gồm bài thơ “Con nhà Nho cũ” và những bài thơ về thôn Vân của Bính, ngoài ra còn có bài và thơ của Trúc Đường và tôi nữa. Nhưng sau không có điều kiện in.

Đó là cụ Bùi Trình Khiêm (1880-1951) tên chữ là Trí Cung, tên hiệu là Vân Xuyên. Thuở nhỏ cụ Bùi Trình Khiêm theo học Thám hoa Vũ Phạm Hàm ở Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Tây.

Từ khi còn rất trẻ, cụ đã nổi tiếng hay chữ nên dân gian trong vùng có câu “Vụ Bản Trình Khiêm, Hà Nam Sứ Chỉ” để chỉ hai chàng trai nổi tiếng văn thơ có tài ứng đối.

Cụ Bùi Trình Khiêm nhiều lần lều chõng đi thi nhưng đều gặp trắc trở. Đầu thế kỉ 20, Bùi Trình Khiêm cổ súy cho phong trào Duy Tân, cắt tóc ngắn, hô hào bỏ lối cử nghiệp từ chương, cổ động cho tân học, viết sách báo tuyên truyền tinh thần yêu nước, bài trừ hủ tục dị đoan.

Cụ Bùi Trình Khiêm cũng là người mời cụ Cử Lương Văn Can đứng ra lập Đông Kinh nghĩa thục (1907), sau này cụ còn tham gia mở Nam Đồng thư xã. Có những thời kì, bị quản chế tại quê nhà, cụ mở trường dạy học. Học trò của cụ có nhiều người sau này trở thành những trí thức lớn, những nhà cách mạng nổi tiếng như Đẩu Nam Trần Huy Liệu, Hồ Xanh Nguyễn Thượng Cát.

Trong cuộc đời của mình, cụ Bùi Trình Khiêm viết cho khá nhiều tờ báo như Nam Phong, Thần Chung, Nông Cổ Mính Đàm. Các bài báo của cụ thường mang tính khảo cứu về lịch sử, văn hóa.

Nhà tưởng niệm cụ Bùi Trình Khiêm.

Trúc Đường Nguyễn Mạnh Phác

Trúc Đường là anh ruột Nguyễn Bính, tên thực là Nguyễn Mạnh Phác. Lúc nhỏ, Phác học trường huyện (Vụ Bản) sau học trường Thành Chung - Nam Định, đi dạy học ở trường tư thục Hà Văn tại Hà Đông. Trường do Nguyễn Văn Cẩm, cháu ông nghè Nguyễn Văn Lý quán làng Đông Tác (nay thuộc phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) quản lý (khoảng 1931-1932). Sau vài năm dạy học, vì nhận lời làm cho báo Ích Hữu, nên thầy giáo Phác thôi dạy ở trường Hà Văn, và chuyển ra ở Hà Nội.

Lúc đầu, Phác thuê một căn buồng nhỏ tại Ngũ Xã, gần hồ Trúc Bạch. Thời kỳ dạy học, Nguyễn Mạnh Phác đã viết truyện và kịch.

Giữa tháng chạp năm Mão, Trúc Đường và Bính về xóm Trạm, có thêm hai vị khách, một là bạn cùng dạy trường Hà Văn, còn một người là Lê Văn Trương đang làm chủ bút tờ báo Ích Hữu.

Lúc này Lê Văn Trương nổi tiếng là “Người Hùng”, vừa phần do tính cách cá nhân, vừa phần do viết khỏe, in nhiều. Anh em Trúc Đường, Nguyễn Bính hoặc một số bạn khác lúc ấy cũng phục tài viết lách của họ Lê.

Bài thơ "Lưu Biệt" của Trần Huyền Trân tặng Lê Văn Trương có những câu:

Nhớ nhau vẩy bút làm mưu gió

Cho đống xương đời được nở hương

Thôi thế anh về yên xóm cỏ

Ngoài kia thiên hạ bụi đang lên

Sá gì khi thép còn hơ lửa

Còn cần nước mắt để tôi thêm

...............................

Thôi thế anh về, tôi đi đây

Cây nào có gió không thèm lay

Chim nào có cánh không thèm bay

Lòng nào có máu không thèm say!

Năm ấy ở xóm Trạm, nhà Trúc Đường và Nguyễn Bính từ chiều hai mươi tháng Chạp đã mổ lợn, giã giò chuẩn bị tết. Con lợn mua của nhà hàng xóm với giá 4 đồng bạc Đông Dương (lúc đó một bát phở có 5 xu).

Vừa tiễn ông Táo về trời, và cũng là tiễn nhà văn Lê Văn Trương và thầy giáo Cẩm trường Hà Văn lên Hà Nội. Nguyễn Mạnh Phác nhận viết thường xuyên một mục cho báo Ích Hữu, giống ông Tú Nguyễn Đỗ Mục giữ mục Hài Đàm, và ký cái tên Hì Đình - Nguyễn Văn Tôi. Do đó, cũng cần có một cái tên mới. Chả lẽ kịch của Mạnh Phác, truyện khôi hài cũng lại Mạnh Phác? Bính góp ý:

- Chị T. đã thành chị Trúc, thì người yêu của chị Trúc phải là anh Trúc.

Mấy người nghe cũng có lý. Nhưng Anh Trúc hay là Trúc gì? Sau có người nhắc tới chuyện lúc bé, Phác được gọi với cái tên “Cu Đường”. Vậy thì Trúc Đường, nhà báo Trúc Đường với ý nghĩa chính là Anh Đường, người yêu của chị Trúc.

Khi Nguyễn Bính nổi tiếng vì mấy bài thơ "Lỡ bước sang ngang", thì Trúc Đường đã bước vào làng văn làng báo sớm hơn cả Bính nhiều. Và tới những thập kỷ sáu mươi (1960) trở đi, Trúc Đường là kịch tác gia nổi tiếng về đề tài lịch sử, với những tác phẩm như: "Tấm vóc đại hồng", "Quang Trung Nguyễn Huệ", "Dương Vân Nga"...

Trong đời viết văn, Trúc Đường cũng có mấy tiểu thuyết dài như "Sen tịnh đế", "Tình không biên giới"… Năm 1940, Nhà xuất bản Lê Cường có in cuốn truyện dài "Nhan sắc" của Trúc Đường. Trong đó, nhân vật chính là một nhà Nho cũ, mà thông qua đó, Trúc Đường muốn giới thiệu tính cách cha đẻ là Nguyễn Đạo Đình, và nhất là người cậu ruột Bùi Trình Khiêm, một người đã góp phần tích cực giáo dục đào tạo anh em Trúc Đường và Bính. Quang cảnh, tên làng, tên núi… toàn là những tên thực ở vùng quê “chôn rau cắt rốn”. Nào là Tiên Hương, Xuân Ủng, núi Hò, núi Lê…, nào là “Con đê Vân Tập nằm ngoằn ngoèo dưới trời mưa tới tấp…”, nào là trích những câu thơ của Nguyễn Bính viết về thôn Vân:

Sáng giăng chia nửa vườn chè

Một gian nho nhỏ đi về có nhau…

Kiều Mai Sơn (Trích lược)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nguyen-binh-va-toi-con-nha-nho-cu-d262060.html