Nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát bị đề nghị mức án 14 - 16 năm tù

Trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương giữ nguyên quan điểm bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cùng 6 bị cáo khác đều có tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Khanh từ 14 - 16 năm tù.

4 bị cáo kêu oan, 2 bị cáo xin giảm nhẹ tội

Ngày 16/12, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát, tỉnh Bình Dương) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí", bước sang phần tranh luận.

Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát) bị đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương đề nghị HĐXX tuyên 14 - 16 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát) bị đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương đề nghị HĐXX tuyên 14 - 16 năm tù.

Trước đó, trong các phiên xét hỏi tất cả 7 bị cáo đều phủ nhận cáo trạng do Viện KSND tỉnh Bình Dương quy kết. Cùng bị buộc tội danh với bị cáo Khanh còn có bị cáo: Nguyễn Huy Hùng (nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Tây Sài Gòn - BIDV Tây Sài Gòn), Nguyễn Quang Lộc (cấp dưới ông Hùng).

Đối với các bị cáo: Lê Hoài Linh (nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (cấp dưới ông Linh), Nguyễn Minh Tâm (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã An Tây) và Đặng Văn Thọ (cán bộ địa chính xã An Tây) bị xử tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh khẳng định không quản lý tài sản gì của Nhà nước, việc mua bán đất giữa bị cáo và bà Hồ Thị Hiệp (SN 1945, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu thương mại An Tây và Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp, người dùng tài sản là đất và nhà xưởng để thế chấp BIDV Tây Sài Gòn, đã mất năm 2016) là giao dịch dân sự. Trong quá trình điều tra, bị cáo Khanh nhiều lần gửi đơn kêu oan, nhưng cán bộ điều tra và cơ quan có thẩm quyền không nhận đơn!

Tại phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương nêu quan điểm các bị cáo có tội như cáo trạng truy tố. Vì vậy đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hồng Khanh từ 14 - 16 năm tù, vì giữ vai trò đồng phạm, giúp sức cho 2 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng gây thiệt hại cho Nhà nước gần 36 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc từ 15 - 17 năm tù. Các bị cáo Lê Hoài Linh, Nguyễn Thành Luân bị đề nghị từ 5 - 7 năm tù; Nguyễn Minh Tâm từ 5 - 6 năm tù; Đặng Văn Thọ từ 2 - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Tuy nhiên, 4 bị cáo Nguyễn Hồng Khanh, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc và Nguyễn Thành Luân tiếp tục khẳng định họ vô tội và kêu oan. Riêng 2 bị cáo Tâm, Thọ nhận tội và xin giảm nhẹ mức án.

Bà Hảo khai gì với Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ?
Trong phần tranh luận của mình, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Khanh, đã công bố một phần tài liệu ủy thác tư pháp được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt vào ngày 20/9/2019 (trước đó vào ngày 13/11/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương (Việt Nam) đã gửi Cục Điều tra Liên bang (FBI) Bộ Tư pháp Hoa Kỳ để nhờ phía Hoa Kỳ hỗ trợ lấy lời khai bà Nguyễn Hiệp Hảo là con của bà Hồ Thị Hiệp - PV).

Theo vị luật sư này, trong nội dung bà Nguyễn Hiệp Hảo trả lời FBI, thể hiện vào năm 2013 khi bà Hảo ủy quyền cho mẹ mình (bà Hiệp), thì có ký và có hợp pháp hóa lãnh sự. Đối với ủy quyền ở UBND xã An Tây (thị xã Bến Cát) vào năm 2008, bà Hảo không ký bởi vì từ năm 2005 đến 2015, bà Hảo không về Việt Nam, làm sao ký. Thứ nhì, bà Hảo khẳng định với FBI là bà không bao giờ dùng tài sản của mình thế chấp, cũng như không ký bất cứ chứng từ nào với ngân hàng.

"Theo lời khai của bà Hảo với FBI, vào năm 2003 bà Hảo sang Mỹ định cư và đưa sổ đỏ cho bà Hiệp giữ. Từ đó bà Hảo không liên quan gì, không ký hồ sơ, không góp vốn hay tài sản, không bàn chuyện gì với mẹ mình về hoạt động của Công ty An Tây. Đến năm 2013, bà Hiệp gửi giấy ủy quyền cho bà Hảo ký nhằm mục đích bà Hiệp nắm quyền sử dụng đất của bà Hảo ở xã An Tây, thị xã Bến Cát. Do không có ý định về Việt Nam sống, nên bà Hảo ủy quyền đất cho mẹ mình. Bà Hảo cũng xác định không ký tên, không thỏa thuận với ai để thành lập Công ty Gỗ Mỹ Hiệp; không ký văn bản nào đại diện cho công ty này. Khi cha mẹ bà ly hôn, bà sống với mẹ, còn ông Hòa sống với cha. Năm 2001, bà Hiệp lập Công ty An Tây, bà Hảo giữ 5% nhưng không góp đồng nào, còn bà Hiệp sở hữu 95%. Bà Hảo nghĩ bà Hiệp cho 5%, vì bà là con gái, việc điều hành công ty do bà Hiệp thực hiện, nên bà Hảo không chịu trách nhiệm và bà Hảo cũng yêu cầu phải trả lại đất cho bà", vị luật sư công bố tài liệu do FBI gửi Công an tỉnh Bình Dương (Việt Nam).

Do hết giờ làm việc, nên ngày 17/12 sẽ tiếp tục phần tranh luận của luật sư bào chữa bảo vệ cho bị cáo Lê Hoài Linh.

Có hay không việc định giá khống?

Tại tòa, đại diện hội đồng thẩm định giá đã không thể giải thích vì sao giá đất đưa ra lại cao hơn giá trị thực tế của những người mua bán đất và các văn bản quy định của tỉnh Bình Dương vào thời điểm các bên mua bán đất. Đại diện hội đồng thẩm định giá cho rằng làm đúng quy định và không trả lời gì thêm.

Còn các luật sư bảo vệ các bị cáo, khẳng định công ty thẩm định giá tuy có các giấy tờ khảo sát người dân, nhưng không chứng minh được người cung cấp thông tin! Một số người có tên trong giấy tờ khảo sát cho biết họ không biết gì về việc khảo sát và cũng không cung cấp thông tin trên phiếu khảo sát!

Còn người đại diện hợp pháp của bà Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, định cư tại Mỹ, được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án, là con gái bà Hiệp), khẳng định với HĐXX là bà Hảo không ký bất cứ giấy tờ nào để thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng, nên bà Hảo không có trách nhiệm về khoản vay tại BIDV Tây Sài Gòn.

Tân Tiến

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-xu-nguyen-bi-thu-thi-uy-ben-cat-tinh-binh-duong-ba-hao-khai-gi-voi-fbi-360245.html