Nguyên Bí thư Nha Trang bị đâm: Hung thủ là quân nhân... xử sao?

Cơ quan chức năng xác định, đối tượng đâm trọng thương ông Hoàng Văn Trường, nguyên Bí thư Thành ủy Nha Trang (Khánh Hòa), là một quân nhân khiến dư luận không khỏi xôn xao, và cái kết nào dành cho quân nhân này?

Ngày 7/11, một lãnh đạo Bộ Công an cho biết, nghi phạm đâm trọng thương ông Hoàng Văn Trường (66 tuổi, nguyên Bí thư Thành ủy Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã đến Công an tỉnh Khánh Hòa đầu thú vào tối 5/11. Cơ quan công an xác định, đối tượng này là quân nhân, đang phục vụ trong quân đội. Ông Trường được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa và đã qua cơn nguy kịch.

 Khu vực nơi xảy ra vụ việc.

Khu vực nơi xảy ra vụ việc.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức về việc hung thủ đâm trọng thương Nguyên Bí thư Nha Trang có thể nhận kết gì? Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của đối tượng rất manh động, coi thường tính mạng của người khác. Nếu không được cấp cứu kịp thời khi nạn nhân có thể tử vong bởi vậy cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý đối tượng này về tội giết người.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hung khí mà đối tượng này sử dụng là loại gì? Khả năng sát thương ra sao và hành vi cụ thể của đối tượng này đã tấn công vào vùng cổ của nạn nhân như thế nào? Để lại hậu quả ra sao?

Đồng thời làm rõ động cơ tấn công vào nạn nhân có nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân hay không, có biết hành vi của mình có thể tước đoạt tính mạng nạn nhân hay không làm cơ sở xem xét yếu tố lỗi và hành vi để xem xét dấu hiệu của tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng thực hiện Hành vi với mục đích giết người hoặc thực hiện hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối tượng này về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Để buộc tội được đối tượng này thì cơ quan điều tra phải làm rõ hành vi khách quan và hậu quả mà hành vi này có thể gây ra, làm rõ yếu tố lỗi ở đây là có mong muốn hậu quả chết người xảy ra, hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra hay không. Nếu hung khí nguy hiểm là dao nhọn tấn công vào vùng trọng yếu là vào vùng cổ của nạn nhân, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (mặc dù nạn nhân không chết. Việc nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời, ngoài ý chí của đối tượng gây án).

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng khi tấn công nạn nhân. Nếu hành vi dùng vũ lực để tấn công nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản thì đối tượng này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo quy định tại điều 186 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì đối tượng gây án là quân nhân, đang tại ngũ trong quân đội. Bởi vậy hành vi của đối tượng này sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở đây là cơ quan điều tra của bộ quốc phòng, viện kiểm sát quân sự và tòa án quân sự. Khi phát hiện ra sự việc này thì cơ quan điều tra sẽ chuyển hồ sơ và đối tượng sang cơ quan tố tụng quân sự để xem xét giải quyết theo đúng thủ tục.

Đồng quan điểm với luật sư Đặng Văn Cường, luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đối với sự việc nêu trên, hành vi của đối tượng được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và hoàn toàn có căn cứ để khẳng định rằng đây là hành vi phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Xét về mặt hành vi, đối tượng đã có hành vi dùng bạo lực, sử dụng hung khí để đâm vào cổ của nạn nhân, hành vi này có dấu hiệu của hành vi giết người và có thể bị truy cứu về tội Giết người theo điều 123 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Đối tượng đã lẻn vào nhà nạn nhân, sau đó dùng hung khí đâm vào cổ nạn nhân – vùng cổ là vùng mà hung thủ biết và phải biết rằng hoàn toàn có thể tước đi mạng sống của nạn nhân ngay lập tức.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra của quân đội nhân dân cấp có thẩm quyền cần phải tiến hành điều tra làm rõ quá trình thực hiện hành vi, mục đích cũng như động cơ phạm tội của đối tượng. Điều này là rất quan trọng để xác định hành vi của đối tượng là phạm tội gì? Thuộc khung, khoản nào?

Đối tượng thực hiện hành vi nêu trên hiện đang là quân nhân, nên theo quy định về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của quân đội nhân dân, viện kiểm sát quân sự và Tòa án quân sự có thẩm quyền tiến hành làm sáng tỏ vụ án. Thông tư 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng:

Điều 40. Xử lý kỷ luật đối với người vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và áp dụng hình phạt. Vi phạm pháp luật bị tòa tuyên án phạt tù và phải chấp hành hình phạt tại trại giam thì bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân (đối với quân nhân) và buộc thôi việc (đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng).

Xem thêm video: Truy xét nghi phạm tấn công nguyên Bí thư Nha Trang

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nguyen-bi-thu-nha-trang-bi-dam-hung-thu-la-quan-nhan-xu-sao-1457872.html